Xét xử vụ án Việt Á:

Các bị cáo thừa nhận vi phạm trong việc vay kit test trước, hợp thức sau

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 4/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử với phần thẩm vấn liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với các bị cáo cựu cán bộ CDC các tỉnh.

Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, ông không quen biết ai ở Công ty Vệt Á. Song xuất phát từ nhu cầu thực tế cấp bách, Nghệ An đối diện với dịch Covid-19, bị cáo với tư cách là Giám đốc CDC Nghệ An đã chỉ đạo việc vay kit test của Việt Á.

Cựu Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định trước khi vay kit xét nghiệm có gọi điện hỏi ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và nhận được sự đồng ý, tuy nhiên chỉ đạo này không có văn bản. Khi gọi điện, cựu Giám đốc CDC Nghệ An có ghi âm cuộc gọi nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra lại không tìm thấy file ghi âm này.

Các bị cáo  thừa nhận vi phạm trong việc vay kit test trước, hợp thức sau - ảnh 1
Các bị cáo tại toà

Ông Định thừa nhận việc vay kit xét nghiệm và sau đó hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán cho Việt Á là sai phạm. Theo lời khai của ông Định, CDC Nghệ An ký 5 hợp đồng với Công ty Việt Á và đã thực hiện được 4, đến hợp đồng thứ 5 thì Phan Quốc Việt bị bắt. Khi mượn kit và thanh toán hợp đồng, ông Định không quan tâm, đề cập đến việc được trích phần trăm hoa hồng. Sau khi thanh toán hợp đồng, Công ty Việt Á có 2 lần chuyển tiền cho CDC Nghệ An nói là mua kit xét nghiệm nên hỗ trợ. Riêng ông Định khai nhận được nhận 185 triệu đồng từ Việt Á, thông qua cựu kế toán trưởng của CDC Nghệ An - Nguyễn Thị Hồng Thắm.

Tuy nhiên, ông Định cũng khai, việc đưa 185 triệu đồng này là do Thắm tự đưa. “Nguyễn Thị Hồng Thắm có nói Việt Á chi vì CDC Nghệ An chuyển tiền nhanh”, bị cáo Định trình bày.

Trước câu hỏi của chủ toạ về cáo buộc tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, cựu Giám đốc CDC Nghệ An cho rằng “hoàn toàn xác đáng”, bản thân là Giám đốc trung tâm nên phải chịu trách nhiệm. Song bị cáo cho rằng, bản thân chỉ mới làm giám đốc chưa đầy một tháng thì dịch bùng phát. Cả tỉnh Nghệ An chỉ có nguồn kit test Việt Á nên “đành phải vay” để chống dịch.

Bị cáo Định cho rằng, quá trình triển khai hoạt động chống dịch, bị cáo không có động cơ vụ lợi gì, đồng thời mong toà xem xét. Cũng tại toà, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu kế toán trưởng CDC Nghệ An) khai được Việt Á trích “hoa hồng” 15% cho các hợp đồng. Theo đó, bị cáo Thắm nhận 2 lần của Việt Á, lần thứ nhất là 750 triệu đồng và lần thứ hai là 1,4 tỉ đồng.

Trong số này, Thắm khai Việt Á trích riêng cho lãnh đạo 2% (tương đương 185 triệu đồng) và kế toán trưởng 1% (95 triệu đồng), còn lại là cho cơ quan (hơn 1,1 tỉ đồng). Cũng giống với cựu sếp của mình, Nguyễn Thị Hồng Thắm phủ nhận việc thoả thuận chi % với Việt Á.

Sau khi nhận tiền, Thắm phân chia tiền theo tỷ lệ trên cho Giám đốc CDC Nghệ An, cho bản thân và đưa lại cho Trưởng khoa Dược cất giữ. Ngoài ra, Hồng Thắm khai còn có một lần được Nguyễn Thị Thắm (Công ty Việt Á) đưa 100 triệu đồng vì “thanh toán nhanh, tiền quảng cáo”.

“Sau khi bị cáo kể cho chồng nghe, chồng bị cáo khuyên trả lại số tiền này vì không đúng. Vì thế, bị cáo đã gọi điện cho Thắm đề nghị trả lại nhưng Thắm chỉ chấp nhận lấy lại 1,4 tỉ đồng”, Hồng Thắm khai. Sau đó chồng của bị cáo đã mang 1,4 tỉ đồng cùng 100 triệu đồng đem trả cho Việt Á.

Bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương cũng khai tại toà rằng, ông làm Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2021. Theo lời khai của ông Danh, ông bị VKS truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội. Lý do là ông đã tạm ứng kit test của Công ty Việt Á và Công ty VNdAT để sử dụng trước rồi sau đó hợp thức thanh toán sau, thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng.

Theo ông Danh, quá trình làm việc, không có ai thoả thuận hay đưa lợi ích vật chất gì cho ông. Việc bản thân bị cáo “ứng” kit test sử dụng trước, thanh toán sau là thực hiện chỉ đạo từ Giám đốc Sở Y tế Bình Dương.

Các bị cáo  thừa nhận vi phạm trong việc vay kit test trước, hợp thức sau - ảnh 2
Cựu Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định hầu toà trong đại án Việt Á. Ảnh: Quang Việt

Bị cáo Danh cho biết, bản thân ý thức hành vi vi phạm của mình và cáo trạng truy tố là đúng, tuy nhiên, bị cáo Danh nói thêm: Cáo trạng nói bị cáo thống nhất việc mượn hàng, thống nhất trong việc để công ty Việt Á đứng pháp nhân thay cho Công ty VNDAT để thực hiện đấu thầu là không đúng mà bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo. “Bị cáo ý thức được hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu, mong HĐXX xem xét” - bị cáo Danh nói.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thành Danh đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT và chỉ đạo nhân viên CDC Bình Dương ứng Test xét nghiệm, Test tách chiết và vật tư y tế để sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục để Công ty Việt Á trúng thầu; thống nhất để Công ty Việt Á đứng tên đấu thầu thay cho Công ty VNDAT để hợp thức thanh toán tiền Test tách chiết CDC đã ứng trước của VNDAT; chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á, Công ty VNDAT thông đồng, cung cấp hồ sơ kỹ thuật, báo giá cho đơn vị thẩm định giá để ban hành Chứng thư thẩm định với giá do Công ty Việt Á đề nghị, hợp thức thủ tục hồ sơ đấu thầu, thanh toán 07 hợp đồng với giá mà Công ty Việt Á, Công ty VNDAT đưa ra, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 55 đồng.

Trước sai phạm của các cán bộ CDC Bình Dương, bị cáo Tiêu Quốc Cường, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, khi dịch bùng phát, bị cáo được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với việc CDC Bình Dương mua sinh phẩm hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ xét nghiệm Covid-19.

Bị cáo biết rõ việc CDC Bình Dương ứng Test xét nghiệm của Công ty Việt Á, Test tách chiết và vật tư của Công ty VNDAT sử dụng trước và sau đó hợp thức hồ sơ cho Công ty Việt Á trúng thầu, chấp thuận thanh toán theo giá của Công ty Việt Á đưa ra cao hơn nhiều so với giá trên thị trường, nhằm hợp thức hoá các hồ sơ của 05 gói thầu để thanh toán cho Công ty Việt Á, Công ty VNDAT trái quy định của Luật đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.

Tại toà, bị cáo Cường khai đã nhận “cảm ơn” của Công ty Việt Á 3 lần với số tiền là 1,25 tỷ đồng. Bị cáo Cường thừa nhận truy tố của VKS trong cáo trạng là đúng do nhận thức chưa đầy đủ. Đối với số tiền 1,25 tỷ, bị cáo cho biết đã nhận và giữ cho bản thân. Sau khi bị bắt, bị cáo nộp lại vào tài khoản khắc phục hậu quả vụ án của Bộ Công an.

Trước đó, ngày 3/1, trong phiên thẩm vấn, ông Lâm Văn Tuấn, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang cũng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Tuấn cho biết, khi dịch xảy ra, bị cáo đã thực hiện vay sinh phẩm của Công ty Việt Á trước rồi mới đấu thầu sau. Lúc đầu, ông cứ nghĩ việc làm đó là đúng để đảm bảo phòng chống dịch, nhưng sau này mới thấy là sai. Ông Tuấn: “Vay là theo dân sự, nếu đấu thầu không trúng thì trả lại”. Theo ông Tuấn, quá trình điều tra, truy tố, ông mới biết đã vi phạm pháp luật.

Ông Tuấn cũng khai, công ty Phan Anh có gửi quà cho bị cáo 1 phong bì. Sau này, bị cáo xem thì đó là 2 sổ tiết kiệm mang tên Phan Thị Khánh Vân, tổng trị giá 5 tỷ đồng. Bị cáo nói, lúc đó chỉ nghĩ là quà. “Họ đưa, bị cáo tập trung chống dịch nên không để ý. Lúc đó bị cáo không nghĩ đến việc đó nhiều” - bị cáo Tuấn nói. Đến đầu tháng 12/2021, khi biết cơ quan điều tra khởi tố điều tra sai phạm tại Công ty Việt Á, bị cáo Lâm Văn Tuấn đã chủ động trả lại 2 sổ tiết kiệm nêu trên cho Phan Thị Khánh Vân.

Tin cùng chuyên mục

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

(PNTĐ) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch, phát triển đô thị đã tập trung thảo luận các khung pháp lý,cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.