Các quận huyện trên địa bàn Hà Nội chủ động ứng phó với bão số 3
(PNTĐ) - Chủ động ứng phó với bão số 3, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ"
Theo đó, tại huyện Phúc Thọ, sáng 7/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cùng các lãnh đạo phòng, ban, ngành của huyện đã đi kiểm tra tất cả các bến bãi trên địa bàn và công tác ứng trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai các xã.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, trong thời gian qua huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ bảo đảm an toàn cho các công trình đê điều, thủy lợi, an toàn giao thông, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống úng ngập trong khu công nghiệp, khu dân cư và nội đồng; tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”...
Đặc biệt, tại các khu vực thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang sông Tích như xã Tích Giang, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện chỉ đạo các lực lượng cùng các xã tập trung rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khu vực ven sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ... Các lực lượng bố trí ứng trực 100% quân số; các công trình xây dựng ngừng mọi hoạt động đến hết ngày 8/9.
Tại huyện Thanh Oai, sáng ngày 7/9, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chủ trì hội nghị giao ban về việc triển khai công tác ứng phó cơn bão số 3 trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy, tổ giúp việc Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, thủ trưởng các ngành chức năng huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và thủ trưởng cơ quan, ban ngành đóng trên địa bàn huyện tập trung thực hiện nghiêm Công điện số của Thủ tướng Chính phủ; các Công điện của UBND TP Hà Nội về việc tập trung ứng phó với bão số 3.
Trong đó, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại khu vực nguy hiểm (khu vực nhân dân sinh sống ở ven sông có nguy cơ sạt lở cao, khu vực có nguy cơ mất an toàn về điện, công trình, nguy cơ mất an toàn do cây đổ, khu vực bị chia cắt khi nước dâng cao, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu do mưa lớn, các nhà tạm, lều lán...). Kiên quyết không để nhân dân ở lại khu vực nguy hiểm khi có bão, mưa lớn, lũ, ngập.
Bên cạnh đó, kiểm tra các công trường xây dựng đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, phương tiện, vật tư; kiểm tra, chặt tỉa cây cối trên các tuyến đường giao thông; kiểm tra các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... đôn đốc các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở có phương án đảm bảo an toàn cho con người và tài sản.
Đặc biệt, xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão, lũ, ngập úng; xử lý nghiêm chủ các doanh nghiệp không nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chức năng và người có thẩm quyền trọng công tác phòng, chống thiên tai...
Xử lý kịp thời các sự cố do bão gây ra
Tại quận Ba Đình, ghi nhận cho thấy, đến sáng 7/9, các sự cố do bão số 3 gây ra đã được quận Ba Đình xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Cụ thể, đến 7h ngày 7-9, quận Ba Đình xảy ra 10 sự cố đổ cây, 1 sự cố tốc mái; quận cũng tiến hành tháo dỡ 20 pano, biển quảng cáo có nguy cơ gây nguy hiểm. Các sự cố đổ cây trên địa bàn đã được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh và các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Trước đó, rạng sáng 7-9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận và 14 phường duy trì nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo chế độ thông tin báo cáo thường xuyên, liên tục; kịp thời xử lý các sự cố phát sinh trên địa bàn; lực lượng Ban Chỉ huy quân sự quận bảo đảm 100% quân số ứng trực.
Tại quận Tây Hồ, nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của bão số 3 có thể gây ra, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương có những biện pháp ứng phó với những diễn biến phức tạp của bão lũ, nhằm đảm bảo tốt nhất đời sống của nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, với phương châm “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, quận Tây Hồ sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão. Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phương tiện… trên địa bàn quận sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Để hạn chế tình trạng ngập úng có thể xảy ra do ảnh hưởng của bão số 3, Xí nghiệp Thoát nước số 1 và các đơn vị có liên quan đã xây dựng phương án phối hợp nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thoát nước. Đồng thời, bố trí 100% lực lượng ứng trực làm nhiệm vụ thanh thải, kiểm tra, xử lý kịp kịp thời các sự cố liên quan đến hệ thống thoát nước.
Cùng với đó, quận Tây Hồ đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn quận nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong những ngày mưa bão, Ban Quản lý chợ, Phòng Kinh tế quận Tây Hồ đã có yêu cầu với các tiểu thương tại các chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung về thực phẩm; tuyệt đối không lợi dụng mưa bão để tăng giá lương thực, thực phẩm… để đảm bảo cuộc sống của nhân dân.