Chuyển giao một cá thể gấu ngựa về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình

HOÀNG PHƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 26/10, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tiếp nhận một cá thể gấu ngựa tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Chuyển giao một cá thể gấu ngựa về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình - ảnh 1
Các nhân viên của tổ chức FOUR PAWS tiến hành giải cứu cá thể gấu ngựa đã bị nuôi nhốt 17 năm nay (ảnh FOUR PAWS)

 

Cá thể gấu ngựa này được chủ nhà nuôi tại sân sau của gia đình như thú cưng. Nhờ sự vận động của cơ quan kiểm lâm, chủ nhà đã đồng ý tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa này cho nhà nước, nhằm giúp cá thể gấu được sinh sống trong môi trường phù hợp với loài.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã liên hệ với tổ chức FOUR PAWS Việt để phối hợp đưa cá thể gấu ngựa này về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Đội cứu hộ của FOUR PAWS Việt lên đường vào ngày 25/10 và có mặt tại xã Cò Nòi, huyện Sơn La vào 6 giờ tối cùng ngày.

Đội cứu hộ cùng với cá thể gấu ngựa, được đặt tên là Sỏi, đã về đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình vào khoảng 5 giờ 30 chiều cùng ngày 26/10. Sỏi cân nặng 91 kg và có sức khỏe tương đối ổn định.

Marc Gölkel, bác sĩ thú y chịu trách nhiệm chính cho chuyến cứu hộ này chia sẻ: “Sỏi gầy và nhìn chung trong tình trạng sức khỏe tốt, ngoại trừ một số vấn đề về răng miệng. Sỏi bị gãy một chiếc răng nanh, có khả năng do cắn thanh sắt chắn chuồng. Chúng tôi phát hiện một số dấu hiệu nghi ngờ bất thường về tim cần được kiểm tra kỹ lưỡng trong đợt kiểm tra sức khỏe cho gấu Sỏi tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Toàn bộ hoạt động cứu hộ diễn ra rất suôn sẻ.”

Sỏi hiện đang được chăm sóc đặc biệt tại khu vực cách ly của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình và sẽ được cách ly trong vài tuần tới để thực hiện các quy trình thăm khám sức khỏe, làm quen dần với chế độ ăn và người chăm sóc mới. Sau đó, gấu Sỏi sẽ được chuyển ra khu bán hoang dã và tận hưởng môi trường sống phù hợp với loài tại Cơ sở.

Chuyển giao một cá thể gấu ngựa về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình - ảnh 2
Các nhân viên của tổ chức FOUR PAWS tiến hành giải cứu cá thể gấu ngựa đã bị nuôi nhốt 17 năm nay. (Ảnh FOUR PAWS)

 

Theo bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Tổ chức FOUR PAWS Việt, “Việc người dân chủ động tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa, loài động vật nằm trong sách đỏ, cho cơ quan chức năng đánh dấu sự thành công trong công tác vận động, nâng cao nhận thức của cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã và phúc lợi động vật. Chúng tôi rất hy vọng trong tương lai không xa, những cá thể gấu cuối cùng sẽ được đón ra khỏi những cũi sắt chật hẹp và được sống trong những điều kiện thực sự phù hợp với loài như tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.’’

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được xây dựng tại xã Kỳ Phú, một xã miền núi thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách Vườn Quốc gia Cúc Phương 8km. Cơ sở được quản lý và vận hành bởi tổ chức FOUR PAWS Việt, dưới sự tài trợ về tài chính và kỹ thuật của tổ chức FOUR PAWS Quốc Tế.

Cơ sở bảo tồn hỗ trợ Chính phủ thực thi các điều luật đã ban hành về việc cấm lạm dụng gấu để chích hút mật, bằng cách cung cấp một môi trường sống an toàn và sự chăm sóc phù hợp cho các cá thể gấu bị tịch thu hoặc được tự nguyện trao trả cho Nhà nước.

Giai đoạn đầu của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình có diện tích 5,5 ha đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2017, hiện đang chăm sóc cho 49 cá thể gấu. Giai đoạn 2 sẽ sớm được hoàn thiện và nâng số lượng cá thể gấu có thể được cứu hộ lên đến 100 cá thể. Cơ sở hiện tại có tám khu bán hoang dã lớn với tổng diện tích khoảng 3,3 ha cùng ba nhà gấu, khu cách ly và phòng khám thú y với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm bao gồm các bác sĩ thú y và quản lý động vật, hiện đang chăm sóc các cá thể gấu theo tiêu chuẩn phúc lợi động vật quốc tế.

Gấu ngựa là loài động vật hoang dã được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất; được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP).

Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể gấu đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm đối với từ 6 cá thể gấu trở lên đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo Khoản 3 Điều 244, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10 – 15 năm tù đối với cá nhân. Riêng hành vi quảng cáo bán gấu hoặc các sản phẩm, bộ phận của gấu được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 – 100 triệu đồng theo Điều 50, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP).

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.