Chuyện người phụ nữ nghị lực, thoát nghèo nhờ vốn Hội

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chồng mất do bệnh hiểm nghèo, một thân một mình bươn chải để nuôi 4 con ăn học với bao khó khăn, vất vả; nhưng với nghị lực và sự giúp đỡ của Hội LHPN, Hội Nông dân xã, chị Nguyễn Thị Bẩy (thông Khả Đông, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những gia đình có thu nhập khá.

Vốn chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị Bẩy, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê lại đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Nhưng năm 2009, chồng chị không may qua đời. Mất đi người đàn ông trụ cột, gia đình vừa xây dựng xong chuồng nuôi lợn, chưa kịp thu hồi vốn, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Trong tay chị Bẩy lúc đó không có lấy một đồng vốn dắt lưng, nợ xây dựng chuồng nuôi lợn còn chưa trả được đồng nào, bản thân khi đó phải đi làm thuê, lo ăn từng bữa cho các con. 

Chuyện người phụ nữ nghị lực, thoát nghèo nhờ vốn Hội - ảnh 1
Chị Bẩy chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: NVCC

Xét hoàn cảnh gia đình chị Bẩy thuộc diện hộ nghèo của xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hải đã quyết định hỗ trợ gia đình chị vay vốn học sinh, sinh viên để các con chị tiếp tục được đi học. Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp chị vay vốn đầu tư con giống phục vụ sản xuất. Từ một, hai con lợn giống ban đầu, chị Bẩy đã phát triển thành đàn lợn, dần trả được hết nợ. Không những thế, chị còn phát triển mô hình kinh tế gia đình hiệu quả, bền vững. Chỉ với chiếc điện thoại kết nối mạng internet, chị đã tự học hỏi, nghiên cứu cách chăn nuôi hiệu quả và tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chị đã đầu tư hệ thống camera theo dõi, chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín, ao cá được đầu tư máy sục khí hiện đại, đồng thời tự mày mò cách phối giống, đỡ đẻ cho lợn, cách phát hiện và xử lý khi đàn lợn bị dịch bệnh... Chị còn học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng vườn để biết cách trồng và chăm sóc bưởi, thanh long. Hiện nay, gia đình chị Bẩy đã mở rộng 1.200 m2 chuồng nuôi lợn thịt và lợn nái với hơn 150 con, 50 gốc bưởi da xanh, 200 gốc hòe, 200 gốc thanh long và ao cá. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Với nghị lực và quyết tâm, chị Bẩy đã vượt lên nghèo khó, kinh tế gia đình ngày một phát triển, có thu nhập, có thêm điều kiện nuôi 4 con ăn học, trưởng thành. Giờ đây hai người con lớn của chị đã lập gia đình và có công việc ổn định, hai con còn đang đi học cũng luôn đạt thành tích cao trong học tập, là nguồn động viên lớn, giúp chị có thêm động lực trong cuộc sống. 

Từ chính mảnh đất của mình, chị Bẩy đã vươn lên thoát nghèo. Chị còn tích cực tham gia công việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, là hội viên năng động, nhiệt tình, trách nhiệm. Chính quyền địa phương lấy tấm gương của chị để tuyên truyền, vận động các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn vay vốn, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Chuyện người phụ nữ nghị lực, thoát nghèo nhờ vốn Hội - ảnh 2
Chị Bẩy giới thiệu ao cá do mình phát triển với khách tham quan mô hình. Ảnh: NVCC

Câu chuyện thoát nghèo của chị Bẩy là một trong những điển hình trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Bên cạnh các hoạt động chăm lo cho người nghèo, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người  nghèo” hỗ trợ xây mới, sửa chữa  nhà Đại đoàn kết,  hỗ trợ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo..., tỉnh Thái Bình còn triển khai nhiều chương trình thiết thực, hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây, con giống, phát triển sản xuất.

Nhìn chung, phong trào bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm sau cao hơn năm trước, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, đời sống vật chất và mức thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Nhờ các cơ chế, chính sách được triển khai đồng bộ, kịp thời cùng sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đã giúp người nghèo từng bước được hỗ trợ, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.