Góc nhìn:

Đẩy lùi vấn nạn mua bán người

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tổ chức Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Thực tế cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến ngày càng phức tạp, nguy hiểm, gây nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ mua bán người, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Thông tin từ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ cho thấy, chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2022, lực lượng công an đã phát hiện và điều tra 24 vụ với 46 đối tượng, nạn nhân của tội phạm mua bán người. 

Điều đáng quan tâm là ngoài nạn nhân chủ yếu của các vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em, thì trong những năm gần đây nạn nhân của mua bán người đã biến tướng sang các đối tượng khác như nam giới, bào thai, trẻ sơ sinh. Thủ đoạn của các đối tượng mua bán người cũng ngày càng phức tạp, đa dạng: Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác của nhiều người khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, muốn có "việc nhẹ lương cao" để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành phố, các khu công nghiệp, hoặc bán ra nước ngoài. Đặc biệt là dụ dỗ những phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai, hoặc sinh con, bán trẻ sơ sinh.

Thực tế cho thấy, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển cùng với việc ứng dụng mạng xã hội rộng rãi, các đối tượng mua bán người đã chuyển hướng hoạt động với các thủ đoạn tinh vi. Chúng lợi dụng các thông tin cá nhân trên mạng xã hội để tiếp cận làm quen rồi dụ dỗ nạn nhân "tự nguyện" rơi vào các bẫy buôn người được chúng giăng sẵn, số nạn nhân theo đó gia tăng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn đến đời sống của nhiều gia đình, nhiều người lao động do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật đã bị sa bẫy vào các đường dây mua bán người dễ dàng. Hậu quả của nạn buôn bán người không chỉ chà đạp lên danh dự nhân phẩm của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, mà còn để lại di chứng dai dẳng đi suốt cuộc đời của nạn nhân.

Xác định mua bán người là tội phạm nguy hiểm, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng đẩy lùi vấn nạn mua bán người từ công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm và hỗ trợ nạn nhân. Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 với nhiều quy định, chế tài để xử lý loại hình tội phạm nguy hiểm này. Để nâng cao nhận thức cho toàn dân về vấn đề này, ngày 10/5/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".  

Cùng với đó là sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cụ thể Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán. Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về tại mô hình “Ngôi nhà Bình yên”. Đồng thời, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương cũng hỗ trợ dịch vụ liên quan như: Trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… cho hàng ngàn nạn nhân mua bán người. 

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đẩy lùi vấn nạn mua bán người trong bối cảnh ngày càng diễn biến phức tạp. Chương trình đặt mục tiêu bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố. 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố. 90% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết, xét xử…

Để công tác phòng chống mua bán người có hiệu quả, đòi hỏi công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các hình thức phòng chống mua bán người đến người dân cần được nâng cao hơn nữa, và bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu. Từ đó, mỗi người, mỗi gia đình tự nâng cao cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng buôn người. Cùng với đó, các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân phải thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất phù hợp với pháp luật khu vực, quốc tế và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khởi động tuyến du lịch vàng “Hai Quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam

Khởi động tuyến du lịch vàng “Hai Quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam

(PNTĐ) - Chiều tối 28/3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch các tình, thành phố Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “Hai Quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam.
Thành phố  Hà Nội dự kiến trao hơn 121.000  suất quà tới các đối tượng chính sách dịp kỷ niệm 27/7

Thành phố Hà Nội dự kiến trao hơn 121.000 suất quà tới các đối tượng chính sách dịp kỷ niệm 27/7

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), Hà Nội dự kiến trao 121.215 suất quà tới các đối tượng với tổng kinh phí là 192,888 tỷ đồng. Trong đó, mức quà cá nhân (bằng tiền mặt) 2.000.000 đồng/người tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.
Quảng Bình phát hiện thêm nhiều hang động đẹp

Quảng Bình phát hiện thêm nhiều hang động đẹp

(PNTĐ) - Bên cạnh hang Sơn Đoòng thuộc quần thể di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã nổi tiếng khắp thế giới, mới đây, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vừa tiến hành khảo sát vùng núi đá vôi ở Quảng Bình và phát hiện hệ thống hang động còn nguyên sơ. Trong đó, có nhiều hang có không gian lớn, thạch nhũ đẹp, một số hang động có chiều dài suối ngầm chưa thể biết bắt nguồn từ đâu.