ĐBQH đề xuất bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chiều 23/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe báo cáo và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đề nghị cần bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá.

Cụ thể, thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá trong luật để hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan nhà nước; khi cần thiết trình Ủy ban Thường vụ quyết định thay đổi danh mục này. Đối với mặt hàng điện, đại biểu đề nghị đưa vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng.

ĐBQH đề xuất bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phân tích: Về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luận bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên, không bao gồm giá điện.

Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá. Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. 

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết: Dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, đối với một trong các ý kiến đại biểu đã phát biểu tại phiên họp trước về việc điều tiết giá của Nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất là xác đáng, nhưng không thể tiếp thu vì lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn.

ĐBQH đề xuất bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá - ảnh 2
Quang cảnh phiên họp quốc hội chiều 23/5

Đại biểu cho rằng, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ, và khả thi, không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân. Giá thị trường hàng hóa dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa các lợi ích của đất nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ, tạo điều kiện phát triển mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. 

Tuy nhiên, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện. Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo luật, cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước quan trọng bậc nhất phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, triển khai thêm nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường

Các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, triển khai thêm nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường

(PNTĐ) - Ngày 27/12, tại Hà Nội,  Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) tổ chức Lễ khởi động Dự án "Đối tác Xanh do Phụ nữ lãnh đạo" (Dự án) nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nâng cao quyền năng của phụ nữ trong quá trình ra quyết định chính sách và hành động về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Lan tỏa văn hóa giao thông đến người dân Thủ đô

Lan tỏa văn hóa giao thông đến người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Sáng 27/12, tại Trường Liên cấp Newton (quận Bắc Từ Liêm), Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công an TP, Sở GTVT, Sở GD&ĐT, Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội… tổ chức Lễ tổng kết Chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô" năm 2024 và phát động Chương trình năm 2025.
Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - TheoCục Dân số, côngtác dân số hiện nay đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn đối mặt với một số vấn đề nảy sinh đòi hỏi cần có giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo các chỉ tiêu dân số, nâng cao chất lượng dân số.
Bước ngoặt lớn của công tác dân số trong tình hình mới

Bước ngoặt lớn của công tác dân số trong tình hình mới

(PNTĐ) - Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.