Đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn ĐBQH Hà Nội:
Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi
(PNTĐ) -Trong phiên họp sáng 23/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình năm 2023. Theo đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn ĐBQH Hà Nội, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi để thích hợp với thay đổi của thực tiễn.
Làm rõ cho đề nghị của mình, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết, Luật về người cao tuổi đã ban hành ngày 23/11/2009 từ Quốc hội thứ 12 đến nay đã có một số điểm bất cập trong thực tiễn. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Theo số liệu Đề án 06 của Chính phủ hiện nay, chúng ta có 16,1 triệu người cao tuổi, trong khi theo con số thống kê là 12,580 triệu; trong đó người cao tuổi mà từ 60-70 tuổi là 9,1 triệu người. Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, con số này là một nguồn lực rất lớn và để phát huy được nguồn lực này thì việc sửa đổi luật là cần thiết.
Nếu như Luật Người cao tuổi hiện hành chủ yếu quy định về chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên từ xa xưa đến nay người cao tuổi luôn phát huy tốt vai trò của mình ở gia đình, cộng đồng và xã hội. Hiện có khoảng 6,5 triệu người cao tuổi vẫn lao động chân tay; khoảng 300.000 người cao tuổi đang là Bí thư chi bộ thôn bản và khoảng 350.000 người đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.
Mặt khác, việc chăm sóc người cao tuổi ngày nay có biến đổi sâu sắc khi mà 65% người cao tuổi ở với con cháu và 35% người cao tuổi sống độc thân, các gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống ngày càng giảm nên chăm sóc người cao tuổi ngày nay khác với trước đây, không chỉ còn ở gia đình mà ở cả xã hội và cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, hiện nay nhiều luật liên quan đến Luật Người cao tuổi đã có sửa đổi như Bộ luật Lao động có quy định về tuổi về hưu... nên cần sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như tương thích với thông lệ quốc tế.