Độc đáo “Làng họa sĩ”

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ trung tâm Hà Nội lên vùng núi Ba Vì chừng 70km, có một ngôi làng nhỏ có biệt tài là vẽ, đó là làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì được gọi tên “làng họa sĩ”. Với nét đẹp về văn hóa làng độc nhất vô nhị ấy, nơi đây đang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Mạch nối… từ những nét vẽ

Chia sẻ về lịch sử của ngôi làng đã có tên tuổi hàng nghìn năm, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô Nguyễn Minh Đức cho biết: Từ xa xưa, làng Cổ Đô có tên trang Cổ Sắt, có từ thời vua Hùng Vương. Đặc biệt con gái vua Hùng Định Vương thứ 9, là công chúa Hoàng Phủ Thiếu Hoa về trang Cổ Sắt, dạy nhân dân nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa... Nhân dân cảm kích công ơn của công chúa, đã lập miếu thờ. Sau này lụa Cổ Đô trở thành sản vật quý để tiến vua, và đi vào ca dao nức tiếng trong cả nước: “Lụa này thật lụa Cổ Đô/ Chính tông lụa cống các cô ưa dùng”. Trải qua hàng nghìn năm, tên làng, xã thay đổi nhiều lần, nay có tên làng Cổ Đô, xã Cổ Đô. Làng Cổ Đô xưa nổi tiếng với nghề dệt lụa, là sản vật tiến vua.

Làng Cổ Đô còn được trời phú cho một nét đẹp văn hóa, chính là sự hiện diện của sắc màu hội họa, người yêu mến gọi là “Làng họa sĩ”. Lý giải về cái tên “Làng họa sĩ” thì rất dễ hiểu bởi Cổ Đô có nhiều người trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, cũng đã học qua các trường lớp. Đặc biệt là những họa sĩ không chuyên là những người nông dân cũng biết cầm cọ vẽ tranh, yêu thích, đam mê hội họa, mỹ thuật. Đây chính là điểm nhấn thú vị, có thể nói là làng “độc bản”, “độc nhất vô nhị” trên cả nước.

Độc đáo “Làng họa sĩ” - ảnh 1
Họa sĩ Hoàng Việt, Chủ nhiệm CLB MT Cổ Đô hướng dẫn học sinh tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô.

Các họa sĩ Cổ Đô sáng tác chủ yếu theo trường phái hiện thực, các tác phẩm được tạo nên bởi những chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu nước, chủ yếu miêu tả những hình ảnh như: Cảnh làng quê, con trâu, hàng cau, bụi chuối, góc vườn… ghi lại những hoạt động thường ngày của cuộc sống rất đỗi bình dị, hòa hợp với tâm hồn người dân quê.

Ông Nguyễn Ngọc Nho, Trưởng thôn Cổ Đô cho biết, điều đặc biệt nữa của “làng họa sĩ” nơi đây có 2 bảo tàng mỹ thuật. Đó là, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô nằm đối diện với đình Cháy và Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình. Nơi đây thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận về các tác phẩm đã hoặc đang hoàn thiện.

Cổ Đô còn có Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Cổ Đô với 40 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Các tác phẩm của hội viên được trưng bày ngay tại bảo tàng. Từ năm 2018 đến nay, ngoài đào tạo cho con em trong làng, CLB còn dạy cho con em ở các địa phương lân cận đến học vẽ.

Cố họa sĩ Sĩ Tốt- người được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại các bảo tàng lớn ở Pháp, Đức, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển... Họa sĩ Sĩ Tốt từng dạy vẽ và truyền tình yêu hội họa cho các thế hệ người dân Cổ Đô, nhiều người đã trở thành họa sĩ chuyên nghiệp và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Độc đáo “Làng họa sĩ” - ảnh 2
Các cháu thiếu niên tham gia cuộc thi vẽ với chủ đề “Em vẽ về Cổ Đô”.

Niềm đam mê vẽ ở làng Cổ Đô được lớp lớp người đi trước truyền lại cho con cháu một cách rất tự nhiên. Ông Nguyễn Ngọc Nho, Trưởng thôn Cổ Đô cho biết, hàng năm, làng lại mở những lớp học nghề vẽ cho các em từ 8-15 tuổi. Ngoài việc được học vẽ bài bản theo các lớp học thì những đứa trẻ cũng học ngay từ chính ông cha trong gia đình mình.

Vì thế, như một lẽ tự nhiên, những trẻ em sinh ra ở làng Cổ Đô, lớn lên đã biết cầm bút vẽ và nhiều em đã say sưa với những sắc màu tạo nên những bức tranh sinh động; đến những lão nông cao niên cũng cầm cọ vẽ tranh. Những họa sĩ làng lúc nào cũng có thể sáng tác ngay một bức tranh đẹp.

Xây dựng điểm đến văn hóa thu hút du lịch

Nhìn ra cơ hội cho phát triển du lịch cộng đồng, từ cuối năm 2017 đến 2019, UBND huyện Ba Vì đã có kế hoạch hành động cụ thể, từng bước xây dựng và hoàn chỉnh sản phẩm du lịch tại đây; Sở Du lịch Hà Nội cũng đã hỗ trợ về bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, xây dựng ấn phẩm tuyên truyền, kết nối với các đơn vị lữ hành vận chuyển đưa khách du lịch đến với Cổ Đô.

Huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cộng đồng dân cư, hội viên câu lạc bộ họa sĩ và cán bộ địa phương. UBND xã Cổ Đô cũng thường xuyên bố trí tại khu vực Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô có các họa sĩ tổ chức các hoạt động vẽ tranh, ký họa, mở các lớp dạy vẽ, giao dịch các sản phẩm của họa sĩ cho khách du lịch.

Cùng với di sản tài hoa của những họa sĩ, làng Cổ Đô còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Đền Cẩm Sơn hơn 700 năm, đình làng Cổ Đô được 400 năm hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý; khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ về thăm Cổ Đô (ngày 8/7/1958); 2 di tích quốc gia là Nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Phạm Sư Mạnh và nhà thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân (là hai người con ưu tú đại diện cho truyền thống hiếu học của làng Cổ Đô)...

Độc đáo “Làng họa sĩ” - ảnh 3
Lễ hội làng Cổ Đô năm 2023 vừa diễn ra ngày 28/10.

Để làng họa sĩ Cổ Đô trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách, địa phương đã thực hiện trồng hoa dọc đường liên thôn, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, xã cung cấp hệ thống đèn chiếu sáng, bảng thông tin, định kỳ thay đổi tranh trưng bày, lựa chọn một số hộ dân có điều kiện đón và phục vụ ẩm thực cho khách du lịch…

Ngày 28/10/2023, tại lễ hội truyền thống làng Cổ Đô, Phòng Văn hóa huyện Ba Vì phối hợp với UBND xã Cổ Đô đã tổ chức các hoạt động quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa của Ba Vì tới đông đảo nhân dân và du khách. Tại đây, không thể thiếu cuộc thi vẽ tranh, năm nay cuộc thi vẽ dành cho trẻ em với chủ đề: “Em vẽ về Cổ Đô”.

Hoạt động này nhằm hưởng ứng "Lễ hội thiết kế, sáng tạo Hà Nội năm 2023" của thành phố Hà Nội, góp phần kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Hơn 100 thiếu niên từ 8 đến 15 tuổi đã tham gia cuộc thi vẽ.

Ông Nguyễn Ngọc Nho cho biết, hằng năm, các cháu nhỏ ở địa phương tham gia nhiều cuộc thi vẽ của thành phố và cả nước. Những tác phẩm của các cháu đoạt giải cũng như các họa sĩ chuyên nghiệp được trưng bày ở bảo tàng để người dân và du khách đã có những trải nghiệm thú vị và mãn nhãn khi về làng họa sĩ Cổ Đô.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...