Giải “cơn khát” vốn cho nhà nông làm giàu

HOÀNG NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hơn 20 năm qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần tích cực trong thực hiện sứ mệnh xóa đói giảm nghèo và là “đòn bẩy” giúp bà con nông dân làm giàu.

Giải “cơn khát” vốn cho nhà nông làm giàu - ảnh 1
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng nho. Ảnh: Lưu Phượng

Trong những năm qua, đồng hành thiết thực với người nông dân, một “đặc sản” của Hà Nội đã phát huy hiệu quả rõ rệt chính là Quỹ Khuyến nông. Nhờ vốn vay từ Quỹ, người nông dân tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường. Thu nhập của các mô hình được vay vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội đạt từ 300-400 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha mỗi năm, thậm chí có những mô hình thu được hàng tỷ đồng/ha/năm. 

20 năm qua (2002-2022), Quỹ Khuyến nông Hà Nội giải ngân cho trên 4.300 lượt hộ vay vốn, trong đó 3.979 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất; 321 lượt hộ vay vốn phát triển cơ giới hóa.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, về mặt xã hội, hoạt động của Quỹ Khuyến nông góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. Quỹ cũng góp phần nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Đồng thời, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động nông thôn có thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, Quỹ Khuyến nông đã góp phần giảm việc cho vay nặng lãi ở nông thôn…

Giải “cơn khát” vốn cho nhà nông làm giàu - ảnh 2
Mô hình nuôi trồng thủy sản ở Ba Vì

Hiện nay, có hai hình thức vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội là sản xuất và cơ giới hóa, điều kiện là cần có phương án sản xuất phù hợp. Bà Phùng Thị Thu Hằng ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì cho biết, những năm qua, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá bán đầu ra sản phẩm lại bấp bênh. Gia đình bà đã mạnh dạn nhờ đến nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội để đầu tư mua thêm con giống, thức ăn và mở rộng quy mô chuồng trại, bước đầu ghi nhận đã có hiệu quả.

Theo bà Phan Thị Xuân Hương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì, để quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích và tránh rủi ro, thất thoát, Trạm đã xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết trình Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Mỗi năm, Trạm Khuyến nông Ba Vì tổ chức từ 2 đến 3 đợt kiểm tra, kịp thời gỡ khó cho các hộ vay vốn trên địa bàn huyện. Việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích sẽ bị thu hồi trước thời hạn; còn những hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, gặp khó khăn sẽ được xem xét gia hạn trả nợ.

Cùng với việc được vay vốn, người nông dân rất cần hỗ trợ, tư vấn khâu tiêu thụ sản phẩm. “Chúng tôi hướng dẫn cho nông dân cách liên kết với nhau để sản xuất thành hàng hóa, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng, số lượng nhiều mới tiêu thụ được. Những mô hình liên kết trong sản xuất lúa, rau, gà thả vườn an toàn sinh học… đã ghi nhận được hiệu quả”- bà Hương chia sẻ. 

Thời gian tới, trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất lại, Quỹ Khuyến nông Hà Nội sẽ cho vay đối với những mô hình, hộ theo chuỗi giá trị, từ đó sẽ nâng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm cũng như thu nhập của người nông dân. Vì vậy, trong quá trình giải ngân, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao; phát triển và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Giải “cơn khát” vốn cho nhà nông làm giàu - ảnh 3
Mô hình vay vốn Khuyến nông ở xã Phụng Thượng, Phúc Thọ

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng tiêu thụ cho các sản phẩm an toàn, góp phần hình thành một nền nông sản bền vững, cung ứng cho người dân Thủ đô. Hiện Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, 14.000ha rau an toàn; 50 vùng trồng hoa chất lượng cao, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn. Thành phố có 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Để nâng cao hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, các đơn vị cần phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn ở các vùng sản xuất tập trung, cần mua thiết bị để cơ giới hóa trong sản xuất. Cùng với đó, tiến hành thẩm định, giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân. Hơn nữa, cũng tăng cường tập huấn cho nông dân để nắm bắt tiến bộ khoa học, nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất; cũng như nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông nắm rõ cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản lý Quỹ và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho nông dân.

“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nỗ lực xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng, quốc gia

Nỗ lực xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng, quốc gia

(PNTĐ) - Từ năm 2012, Liên hợp quốc đã chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đến nay, đã có 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã bày tỏ ủng hộ và cam kết cùng hành động tích cực để xây dựng thế giới, quốc gia hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Và đó cũng chính là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2025: “Hạnh phúc cho mọi người”.
Tuyên truyền pháp luật đến người dân thông qua “phiên toà giả định” tại quận Bắc Từ Liêm

Tuyên truyền pháp luật đến người dân thông qua “phiên toà giả định” tại quận Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Được xây dựng từ các tình tiết của vụ án có thật,“phiên toà giả định” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân do Hội LHPN Hà Nội tổ chức tại quận Bắc Từ Liêm đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp người ân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.