Hệ sinh thái khởi nghiệp cần thiết cho sự phát triển quốc gia đến năm 2045

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm 2016, khi Chính phủ quyết định đây là năm Quốc gia khởi nghiệp, Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được phê duyệt. Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ đó dần hoàn thiện và hiện lên với những mảng sáng đầy hy vọng.

Để có cái nhìn cận cảnh về bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay, báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi phỏng vấn TS. Đinh Việt Hòa - chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp cần thiết cho sự phát triển quốc gia đến năm 2045 - ảnh 1
TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia. 

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam khi Đề án 844 chưa ra đời?

Sau khi trải qua chiến tranh và một thời kỳ dài bao cấp, tới năm 1986, chương trình đổi mới đất nước mới bắt đầu thực hiện. Thời kỳ đó, hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chưa được tập trung nhiều. Trước năm 2006, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam được thành lập với con số rất khiêm tốn, trung bình (từ 10.000 - 20.000 doanh nghiệp/ năm); cao nhất  là năm 2005, nhưng con số cũng chỉ ở mức 60.000 doanh nghiệp/ năm. 

Với dân số lúc đó là gần 90 triệu dân, tính ra tổng số doanh nghiệp của chúng ta mới chỉ hơn 400.000 đơn vị trên  cả nước. Như vậy  hơn 200 người mới có 1 doanh nghiệp. Đây là một con số rất khiêm tốn. Trong khi các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc hay Singapore, trung bình số lượng doanh nghiệp là 45 đến 60 người một doanh nghiệp. Như vậy, thực sự bức tranh về hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta là một bức tranh thiếu hụt về doanh nghiệp, thiếu từ khoảng 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp nữa. 

Bên cạnh đó, trước năm 2016, tại Việt Nam, ở đâu đó cũng đã có những chương trình cổ vũ, huấn luyện cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng đó mới chỉ là những chương trình nhỏ lẻ, chưa tạo nên tiếng vang, độ ảnh hưởng lớn.

Vậy sự ra đời của Đề án 844 đã đem đến những thay đổi nào cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?

Có thể khẳng định, các chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia trong đó có Đề án 844 xuất hiện đã tạo được nhiều sự thay đổi và sự thay đổi lớn đến từ sự thay đổi về tư duy của người dân, thay vì những chương trình đơn lẻ trước đó, khiến mọi người chưa thể hiểu sâu thế nào là khởi nghiệp. Phần lớn người dân trong xã hội, thường có xu hướng chờ đợi sự giúp đỡ, thay vì chủ động trong cuộc sống, nên các bậc phụ huynh thường có tư duy tìm kiếm trường học cho con nhằm mục tiêu xin việc, mà chưa bao giờ hình dung ra rằng con mình cũng có thể trở thành những ông bà chủ trong tương lai.  Những chương trình sau này mà Chính phủ triển khai đã tác động trực tiếp đến tư duy của toàn dân và giúp họ nhận ra được rằng khởi nghiệp chính là đường hướng đúng đắn cho sự phát triển cá nhân, gia đình và xã hội.

Hệ sinh thái khởi nghiệp cần thiết cho sự phát triển quốc gia đến năm 2045 - ảnh 2
Một buổi đào tạo nhân lực thuộc chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp do Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia tổ chức

Chính vì vậy, vào năm 2016, khi Chính phủ quyết định đây là năm Quốc gia khởi nghiệp, hàng loạt các chính sách về doanh nhân doanh nghiệp đã được thông qua, và nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh ngh được phê duyệt. Tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam được lan tỏa, hàng nghìn người đã bước ra thành lập doanh nghiệp. Năm 2016, Việt Nam đã có tới 110.000 doanh nghiệp được thành lập. Một con số thành lập mới kỷ lục. Sang những năm sau, số lượng doanh nghiệp mới tiếp tục tăng mạnh, bằng chứng năm 2017 có tới 120.000, năm 2018 gần 130.000 doanh nghiệp được thành lập, năm 2019 có tới 143.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Đáng nói, trong số 110.000 doanh nghiệp này, có rất nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nói cách khác là các doanh nghiệp startup. Đó là các doanh nghiệp triển khai một cách sáng tạo, làm về công nghệ, và luôn có chiều hướng, cơ hội được phát triển mạnh hơn. 

Từ những thành quả ban đầu Đề án 844 mang lại, ông kỳ vọng như thế nào về sự phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian sắp tới? Và làm sao để Đề án 844 phát huy hiệu quả tốt nhất?

Sự ra đời của Đề án 844 cũng như sự đầu tư, chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một chủ chương đúng đắn và là điều kiện cần cho sự phát triển của quốc gia trong tầm nhìn đến năm 2045. Cá nhân tôi cũng như nhiều người hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo luôn kỳ vọng hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta ngày càng hoàn thiện, phát huy mạnh mẽ vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Để Đề án 844 phát huy hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới, tôi nghĩ Chính phủ, Nhà nước cần có những chủ chương, đường lối của tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân hay nói một cách cụ thể, đó là Nhà nước định hướng và đưa ra nhiều chính sách giúp cho những doanh nhân, nhà khởi nghiệp có cơ hội được phát triển mạnh mẽ hơn. Các vấn đề về hành lang pháp lý, thuế cũng cần được giải quyết hợp lý nhằm tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Với tư cách là một chuyên gia, tôi nghĩ các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng nên dành thời gian trau dồi kiến thức, nâng tầm bản thân. Sự phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc vào tâm và tầm của chủ doanh nghiệp đó. 

Tôi có thể tin tưởng rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tinh thần quật cường như những những lũy tre. Không ai nhìn thấy đằng sau một thân non mềm là một sức sống mãnh liệt đang bám gốc bám rễ vươn lên đội nắng đội mưa, ngày càng phát triển bền bỉ và sẵn sàng đương đầu với mọi giông gió thương trường, vươn lên xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Tôi đang nói về Hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta không thể đi lên một mình được, phải có những cây măng, cây tre khác cùng bám rễ phát triển, tạo thành một lũy tre đoàn kết và bền bỉ đi lên.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.