Khát vọng khơi gợi bản sắc văn hóa Việt Nam qua hình tượng Rồng thiêng
(PNTĐ) - Thông qua hình tượng Rồng thiêng dưới triều Nguyễn được khắc họa và chuyển thể thành công từ nét vẽ tay của nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Như Hồng trên các sản phẩm hộp quà, đồ lưu niệm. Một lần nữa, sức mạnh của văn hóa truyền thống Việt Nam lại được khơi dậy và thể hiện rất rõ qua hình tượng con rồng, giúp chúng ta cùng nhìn lại quá khứ để từ đó càng thêm tự hào, phát triển đồng thời hướng tới giáo dục những giá trị lịch sử lâu đời.
Được biết, Rồng xuất hiện trong nghệ thuật Việt rất sớm, nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và hình thức biểu đạt.
Linh vật rồng tiêu chuẩn phải là sự hội tụ đầy đủ các đặc điểm được cho là tốt đẹp nhất của 9 con vật có thật: Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống. Và nếu là rồng tượng trưng cho hoàng đế thì thân phải có 81 vảy dương, 36 vảy âm, thân uốn 9 khúc (tức phải là số 9 hoặc bội số của 9 - con số lẻ - số dương cao nhất); chân rồng lại phải có 5 móng (số chính giữa trong hàng số lẻ).
Thiếu những yếu tố trên, rồng không còn là linh vật rồng đích thực nữa mà là những biến thể của nó. Những biến thể này thường được dùng tượng trưng cho hoàng tử, hoàng thân và các quan lại, hay đơn giản chỉ dùng để trang trí như mãng long, giao long, long mã…
Thời Nguyễn, các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng nay vẫn bảo tồn được vô số. Trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo phải kể đến là những chiếc ấn báu của Hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá.
Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng: uốn khúc tư thế chầu, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngửa… hình dáng sinh động nhưng vẫn giữ được vẻ oai nghiêm. Trên bình phong thì thường tạo tác thành từng đôi đối xứng kiểu rồng chầu mặt trời, chầu mặt trăng hoặc hình mặt rồng nhìn thẳng.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, hình tượng rồng được tạo hình và phát triển trên nhiều chất liệu, trong đó có thể kể đến chất liệu đồng, gốm, đá, gỗ sơn son thếp vàng, mây tre đan. Riêng trong thời nhà Nguyễn, các nhà nghiên cứu đã tìm được 15 chất liệu được người xưa dùng để tạo hình con rồng.
Ngày nay, với khát vọng mong muốn truyền tải những nét văn hóa giá trị lịch sử lâu đời, nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Như Hồng đã kết hợp cùng đơn vị thương hiệu Kabi Home để khắc họa và chuyển thể thành công từ nét vẽ tay hình tượng rồng triều Nguyễn lên các sản phẩm hộp quà, đồ lưu niệm bằng gỗ qua bộ sưu tập “Dấu ấn Hoàng Triều”.
Bộ sưu tập “Dấu ấn Hoàng Triều” bao gồm các sản phẩm gỗ như hộp rượu, hộp quà… với những nét vẽ tinh tế, mềm mại mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Như Hồng chia sẻ, bản thân tôi đã có nhiều năm theo đuổi và tìm hiểu về văn hóa và lịch sử nước ta xưa kia. Rồng thời Nguyễn có dáng vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế như ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt), chầu hoa cúc, chầu chữ thọ...
Trong đó hình tượng con rồng được khắc họa, giúp chúng ta gợi nhớ về nguồn gốc “Con Rồng cháu tiên”. Hình ảnh con rồng đối với tôi luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức của người Việt. Thông qua các sản phẩm trong bộ sưu tập “Dấu ấn Hoàng Triều” lần này, tôi muốn truyền tải được tới đông đảo người dân về những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn cùng tinh thần cao thượng để từ đó chúng ta càng hiểu thêm giá trị lịch sự, nét văn hóa và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Đại diện thương hiệu Kabi Home – Đơn vị thực hiện chuyển thể thành công từ nét vẽ tay của nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Như Hồng trên các sản phẩm trong bộ sưu tập “Dấu ấn Hoàng Triều” cho hay, bộ sưu tập là sự kết hợp tinh tế giữa triết lý phương Đông với mỹ thuật hiện đại, kết hợp tài hoa giữa nghệ thuật vẽ tay mềm mại tỷ mỷ với công nghệ in UV, cắt khắc laser hiện đại thể hiện trên chất liệu gỗ, kết hợp tài tình giữa yếu tố truyền thống với tính thực tế, đa dụng trong cuộc sống hiện đại.
Từng tác phẩm với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo thể hiện được tâm thức về tôn giáo tín ngưỡng, xu hướng thẩm mỹ, sinh hoạt văn hóa của người Việt, đó là luôn hướng về thiên nhiên và phản ánh lối ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Các tạo tác thể hiện tinh thần Rồng của Hoàng triều Nguyễn, các nét vẽ, chi tiết được chọn lọc cẩn trọng có sự kết nối, kế thừa và phát huy lưu giữ tinh hoa nghệ thuật điêu khắc của hoàng triều.