Khi mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch

Chia sẻ

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, nhiều gia đình ở Hà Nội đã tích cực tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, trở thành những “pháo đài” vững chắc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, lan toả các giá trị tốt đẹp.

Cả nhà đi… trực chốt

Tại chốt kiểm dịch ngõ Nguyễn Đổng Chi - Hồ Tùng Mậu, ai cũng bất ngờ khi thấy em Trần Quốc Anh (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) ngày ngày trực chốt cùng mẹ. Em vừa nhận được thông báo trúng tuyển cả 3 nguyện vọng trong kỳ thi đại học, cao đẳng và đang trong thời gian chờ làm thủ tục nhập trường.

Chị Nguyễn Linh Dung, mẹ Quốc Anh là một thành viên tích cực của tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương. Thấy mẹ và mọi người đi sớm về muộn, lăn xả trước các nguy cơ lây nhiễm cận kề, Quốc Anh đã tình nguyện đăng ký tham gia làm dân quân tự vệ hoặc hỗ trợ Đoàn thanh niên trong hoạt động trực chốt, phục vụ điểm tiêm vắc-xin Covid-19… Biết điều này, chị Dung rất ủng hộ con. Trong màu áo xanh, Quốc Anh đã xung kích, tình nguyện tham gia phản ứng nhanh hỗ trợ tại các điểm xét nghiệm, trực chốt tại điểm cách ly, đi chợ hộ, hậu cần cho những người làm nhiệm vụ phòng dịch, người dân bị ảnh hưởng do Covid-19... “Đây là một trải nghiệm khó quên để em tự tin bước vào đời, nhất là khi trong quá trình ấy, em luôn có mẹ là “đồng nghiệp lớn” luôn đồng hành, hỗ trợ kỹ năng, kiến thức phòng chống dịch, tiếp thêm động lực mạnh mẽ” em nói.

Chị Tạ Thị Hạnh (bên trái) trao quà hỗ trợ cho các gia đình khó khăn trong phường và các địa bàn lân cậnChị Tạ Thị Hạnh (bên trái) trao quà hỗ trợ cho các gia đình khó khăn trong phường và các địa bàn lân cận.

Đồng hành cùng mẹ và anh trai, bé Trần Phương Linh (10 tuổi, con gái chị Dung) cũng tham gia vào công cuộc chống dịch của gia đình bằng việc làm các loại bánh tặng người đang làm nhiệm vụ phòng dịch. Những ngày thời tiết khắc nghiệt, hai anh em Anh - Linh lại cùng mẹ nấu chè, nước chanh gừng tặng các cô chú chốt trực và các lực lượng tuyến đầu. “Ba mẹ con tôi mới làm 10kg muối vừng và đèo nhau mang đến tặng Trung tâm y tế quận. Trong lúc đất nước dịch bệnh, những đóng góp của gia đình tôi dù rất nhỏ bé nhưng nếu làm được gì có ích thì sẽ kiên trì làm, mong cả nước nhanh chiến thắng đại dịch”- chị Dung nói.

Tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, hiện đang công tác tại một phòng khám đa khoa gần nhà, khi Thành đoàn Hà Nội kêu gọi các tình nguyện viên tham gia chống dịch, Vũ Thị Thu Hà, Bí thư Chi đoàn thôn Thượng (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã làm đơn đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Hà cho biết, khi đăng ký tình nguyện vào miền Nam, cô không dám nói cho bố mẹ vì… sợ phản đối. Thế nhưng, bố cô – ông Vũ Hồng, đội trưởng thôn Thượng không bất ngờ khi biết tin đó bởi “con gái tôi luôn nhiệt huyết và say mê cống hiến”. Hằng ngày, trong quá trình chờ đợi được gọi lên đường, Hà còn tình nguyện trực chốt bảo vệ “vùng xanh” đều đặn từ 17h30 đến 23h15 tại khu dân cư. Ông Hồng cũng miệt mài tham gia tổ Covid-19 cộng đồng. Ngoài việc cùng lực lượng chức năng tham gia bảo đảm an ninh trật tự, trực chốt kiểm soát tại Tổ dân phố số 2, sau giờ trực, ông  lại đến từng gia đình thống kê, lập danh sách người chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các hộ khó khăn cần xin hỗ trợ, tặng quà để giúp đỡ họ. “Đây là trách nhiệm, với cộng đồng trong việc giữ vững ổn định trật tự và sự bình an cho mọi người” – ông Hồng nói.

Vợ chồng chị HạnhVợ chồng chị Hạnh

Lan toả tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng

Khi đề xuất với gia đình ý tưởng nấu cơm tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch, chị Tạ Thị Hạnh (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) được cả gia đình tán thành, ủng hộ. Chồng và mẹ chồng chị còn đề nghị “được” hỗ trợ trong quá trình nấu và giao đồ ăn. Những ngày đầu, hai mẹ con chị cùng đứng bếp. Sau đó, chị Hạnh phát động lên trang facebook của địa phương, việc làm của hai mẹ con đã được lan tỏa và nhận nhiều hưởng ứng. Đều đặn mỗi ngày, căn bếp của mẹ con chị Hạnh nấu gần 100 suất ăn phục vụ bữa trưa và bữa tối. Ngoài ra, “bếp chị Hạnh” còn phục vụ cả bữa đêm bằng các món cháo, súp gà…

 “Ban ngày, một số chị trong tổ phụ nữ hỗ trợ mang cơm đến các chốt trực, còn ban đêm, vợ chồng tôi tự đưa đến. Từ đầu đợt giãn cách xã hội đến nay, vợ chồng tôi không hôm nào ngủ trước 2h sáng và dậy sau 6 giờ sáng. Dù mệt, nhưng những đóng góp của mình có ích cho xã hội, đồng thời, gia đình tôi càng gắn bó, hiểu nhau hơn” – chị Hạnh san sẻ.

Không chỉ mang đến những bữa ăn ấm tình, vài tháng nay, vợ chồng chị Hạnh còn quyết định dành hẳn căn nhà mới xây với 20 phòng trọ trang bị đầy đủ tiện nghi để làm nơi ở miễn phí cho những người cần hỗ trợ. “Sau khi xin ý kiến và được sự ủng hộ của chính quyền phường, tôi nhanh chóng thông báo về kế hoạch qua mạng xã hội”, chị Hạnh nói. Chỉ sau ít ngày, bà chủ trọ bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại nhờ giúp đỡ. Đến nay, gần như các phòng của tòa nhà đã có người đến ở, mỗi phòng có 1-2 người, chủ yếu là lao động khó khăn, sinh viên bị kẹt lại Hà Nội và gặp vấn đề về chỗ trọ. Khi nhắc đến hành động đẹp của mình, chị Hạnh luôn dành lời cảm ơn đến mẹ chồng mình. Là gia đình có truyền thống cách mạng, nên trong suốt thời gian dịch bệnh, cả nhà đều có những đóng góp thầm lặng cho công tác phòng chống dịch. “Đó là nguồn động lực lớn để tôi phấn chấn, làm thêm nhiều việc có ích cho cộng đồng”- chị Hạnh cho biết.

Trước sự chứng kiến của ông bà, bố mẹ, Thùy Trang đập chú lợn đã tiết kiệm suốt mười mấy năm quaTrước sự chứng kiến của ông bà, bố mẹ, Thùy Trang đập chú lợn đã tiết kiệm suốt mười mấy năm qua.

Đại gia đình bà Đặng Thị Vì, hội viên Chi hội Phụ nữ số 8 Hội LHPN phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đã giảm tiền trọ cho sinh viên, người đi làm bị mắc kẹt lại Hà Nội từ 50-100% tiền nhà trọ mỗi tháng, với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Bà Vì là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ thuộc Chi hội 8. Trong đợt giãn cách xã hội, bà Vì và con trai, con gái đã phát quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, trứng sữa… cho các người dân khó gặp khó khăn, giảm tiền điện, nước, vận động người thuê trọ làm đơn xin trợ cấp Covid-19, tuyên truyền giữ vệ sinh, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh… Con trai bà nhận nhiệm vụ chở rau, lạc về phát miễn phí cho người dân. Nhiều năm liền, đại gia đình bà đều đạt gia đình văn hoá tiêu biểu của phường, quận, thành phố. 

Được sự ủng hộ của mẹ, em Nguyễn Thuỳ Trang (SN 2001, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã mổ lợn, trao số tiền 20 triệu đồng cho Hội LHPN xã Hồng Hà. Với số tiền đó, Trang đã gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn, mất thu nhập do dịch bệnh 53 suất quà gồm nhu yếu phẩm, gạo, trứng, sữa, mì tôm… “Sự đóng góp của em là rất nhỏ bé, nhưng em đã nhận lại một bài học về sự ấm áp tình người, tình làng nghĩa xóm trong lúc khó khăn!”- Trang cho biết. 

Trước đó, Trang thường xuyên cùng mẹ và chị gái đi phát quà hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Mẹ cô – chị Doãn Thị Dung, bán tạp hoá nhỏ lẻ, thu nhập gia đình trong đợt dịch cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi thấy con muốn giúp đỡ người nghèo khó hơn, chị không phản đối, bởi đây cũng là cách để con học được sự sẻ chia, đồng cảm với người khó khăn hơn. Câu chuyện Thùy Trang đập lợn, góp tiền chống dịch đã lan tỏa mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội của địa phương và huyện Đan Phượng, nhận được nhiều lời khen ngợi. 

Quốc Anh và em gái đang đi trao muối vừng cho Trung tâm y tếQuốc Anh và em gái đang đi trao muối vừng cho Trung tâm y tế.

Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một “chiến sỹ”, mỗi gia đình, tổ dân phố là một “pháo đài” chống dịch và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, không ít gia đình ở Thủ đô Hà Nội đã và đang có nhiều thành viên cùng tham gia trên mặt trận chống dịch. Đây không chỉ là truyền thống tương thân tương ái mà còn thể hiện sự gắn kết, lan toả những giá trị đẹp trong gia đình, vai trò làm gương của thế hệ trước đối với thế hệ sau, sự sẻ chia đồng cảm cùng nhau trong cuộc sống… Những ngày khó khăn vẫn đang còn ở phía trước, nhưng việc làm ý nghĩa của họ sẽ giúp cộng đồng cư dân có thêm tình đoàn kết, là hành trang quý báu cho nhiều bạn trẻ vững tin bước vào đời.

HỒNG NHUNG – QUỲNH ANH

 

Tin cùng chuyên mục

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

(PNTĐ) - Hiện nay, ở nhiều thư viện ở các trường đại học vẫn thu hút được nhiều sinh viên đến phòng đọc, tuy nhiên hình ảnh lật giở từng trang sách giấy như trước đây không còn nhiều mà thay vào đó sinh viên sử dụng laptop để đọc sách số, lướt web,...
Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

(PNTĐ) - Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, là  cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.
Phụ nữ huyện Thanh Trì đồng diễn dân vũ mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì đồng diễn dân vũ mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn 4.000 nghìn hội viên, phụ nữ 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì đồng loạt thực hiện màn đồng diễn dân vũ. Đây là những màn đồng diễn được thực hiện trên nền nhạc 3 ca khúc "Qua miền Tây Bắc", "Chiến thắng Điện Biên" và "Inh lả ơi".
Phụ nữ Ba Đình đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Ba Đình đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5, tại vườn hoa Vạn Xuân (Ba Đình, Hà Nội) Hội LHPN quận Ba Đình đã tổ chức đồng diễn dân vũ với sự tham gia của đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn quận. Dự chương trình có  đồng chí Nguyễn Thị Hiền Thúy - UVTV, Chánh Văn phòng Hội LHPN thành phố Hà Nội; đồng chí Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình và đại diện lãnh đạo hội phụ nữ cơ sở.