Khiếu kiện kéo dài, cả người dân và Nhà nước đều thiệt hại

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô nhận đơn và kiến nghị của chị Nguyễn Thị Loan, đại diện cho gia đình bà Trần Thị Chút (đã mất năm 2019) ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình kêu cứu khẩn cấp về việc nhà chị bị lún, nứt do ảnh hưởng bởi công trình xây dựng trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội quận Ba Đình tại số 327 phố Đội Cấn.

Sự việc xảy ra đã gần 6 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng dẫn tới cả người dân và Nhà nước đều bị thiệt hại.

6 năm chưa đồng thuận

Bà Trần Thị Chút là chủ ngôi nhà số 2, ngõ 329 phố Đội Cấn. Ngôi nhà có diện tích 27m2 được chia làm 2 phần, phần 17m2 vợ chồng con trai thứ của bà Chút ở; phần còn lại 10m2 được xây dựng 3 tầng, tầng 1 bà Chút khi còn sống ở cùng các con gái; tầng 2, 3 có diện tích 17m2 chị Loan, con dâu cả của bà Chút và các con ở (chồng chị Loan đã mất).

Cuối năm 2015, khi công trình trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội quận Ba Đình được xây dựng đến tầng thứ 4 thì ngôi nhà 3 tầng của gia đình bà Chút bị nứt, lún. Sau khi gia đình có đơn kiến nghị lên UBND phường Liễu Giai, công trình xây dựng trên đã được tạm dừng thi công.

Chị Loan cho biết, sau nhiều cuộc họp với gia đình chị, lãnh đạo phường Liễu Giai cùng đơn vị chức năng quận Ba Đình đã đưa ra các phương án bồi thường xây dựng lại hoặc cải tạo lại ngôi nhà 3 tầng cho gia đình chị. Tuy nhiên, các phương án chưa đi đến đồng thuận nên chưa được thể hiện bằng văn bản.

Gia đình bà Loan phải chống cột trong nhàGia đình bà Loan phải chống cột trong nhà

Trong đó, phương án xây dựng lại nguyên trạng nhà 3 tầng được gia đình chị đồng ý, tuy nhiên lại vướng mắc vì tầng 2, 3 hiện có phần đua ra 1,2m ngang chạy xung quanh 2 mặt ngõ. Gia đình mong muốn vẫn giữ nguyên phần đua ra này bởi diện tích đất chỉ 10m2, mà hiện trạng tầng 2, 3 đang đua ra 1,2m (rộng thêm 7m2).

Về phương án bồi thường 184 triệu đồng được đưa ra tại Quyết định số 1041 của UBND quận Ba Đình ngày 13/5/2020, chị Loan cho rằng với mức này gia đình chị không xây dựng được ngôi nhà 3 tầng như nguyên trạng bởi hoàn cảnh rất khó khăn và chị tiếp tục đề nghị được bồi thường 400 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 14/4/2021, UBND quận Ba Đình đã có văn bản trả lời là không có cơ sở xem xét giải quyết.

Không thể để khiếu kiện tiếp tục kéo dài

Theo ông Đặng Thành Công, Chủ tịch UBND phường Liễu Giai, gia đình chị Nguyễn Thị Loan thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. UBND phường đã cố gắng giải quyết để gia đình chị có chỗ ở an toàn sau sự cố bị sụt, lún nhà nhưng gia đình đều không đồng ý với các phương án mà chính quyền đưa ra.

Theo ông Công, dự án xây dựng trụ sở Ngân hàng chính sách xã hội quận Ba Đình do quận Ba Đình làm chủ đầu tư. Trong quá trình xây dựng, năm 2015, sau khi gia đình bà Trần Thị Chút có kiến nghị nhà bị ảnh hưởng, cơ quan chuyên môn đã khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng; UBND quận và các phòng ban chuyên môn đã cấp phép cho gia đình bà Chút xây dựng 27m2. Con trai thứ 2 của bà đã xây dựng trên phần diện tích 17m2 vào năm 2016. Phần nhà còn lại, mẹ con chị Loan và các con gái bà Chút vẫn đang khiếu kiện về phương án bồi thường.

Năm 2017, chủ đầu tư công trình tiếp tục tổ chức khảo sát, giới thiệu đơn vị vào kiểm định thực trạng nhà của gia đình bà Chút. Tuy nhiên chị Loan và đơn vị kiểm định lại không thống nhất được nội dung ghi trong biên bản kiểm định. UBND phường đã hướng dẫn, giới thiệu để chị Loan mời đơn vị khác vào kiểm định, nhưng chị Loan vẫn chưa thực hiện.

Trở lại với công trình xây dựng trụ sở làm việc tại số 327 phố Đội Cấn. Do bị khiếu kiện kéo dài, công trình vẫn đang bị đình chỉ thi công nhiều năm qua. Phần khối nhà 4 tầng xây thô, chưa đổ mái đang bị bỏ hoang, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp. Trong khi đó, UBND quận Ba Đình lại phải sử dụng kinh phí Nhà nước để thuê trụ sở làm việc cho Ngân hàng chính sách xã hội Quận. Tính đến nay, số tiền tiêu tốn của Nhà nước đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể những tổn thất khác đến từ một công trình xây dựng bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, đưa ra phương án giải quyết thấu tình đạt lý. Không thể để khiếu kiện kéo dài gây thêm thất thoát tiền của của Nhà nước mà người dân cũng chịu thiệt thòi, tính mạng bị đe dọa do phải sống trong ngôi nhà mất an toàn.

HOÀNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.