Tăng mức lương cơ sở từ 1/7/2023:

Không thể chờ thêm nữa

NHÓM PV
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chính phủ đang trình Quốc hội dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở cho khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%) áp dụng từ ngày 1/7/2023. Dù mức tăng không nhiều, nhưng được xem có ý nghĩa lớn, giúp ổn định đời sống, tinh thần làm việc của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Không thể chờ thêm nữa - ảnh 1
Nhân viên y tế chống dịch Covid-19 làm việc rất căng thẳng với mức lương, phụ cấp thấp Ảnh: Int

Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8%; hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến từ ngày 1/1/2023.

Gỡ khó cho “tay hòm chìa khóa” của mỗi gia đình
Thực tế, đời sống của công chức, viên chức hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Thu 32 tuổi, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho biết, gia đình tôi cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, với thâm niên 12 năm vợ làm giáo viên trường tiểu học, chồng làm điều dưỡng ở bệnh viện, tổng thu nhập 2 vợ chồng mới được 15 triệu đồng/tháng. Công việc choán hết thời gian nên không thể làm “chân ngoài” được. Ngoài chi phí ăn học của 2 vợ chồng và 2 con, chúng tôi còn phải trả nợ ngân hàng do vay tiền mua nhà thu nhập thấp, nên phải co kéo rất khó khăn. Nay biết thông tin Quốc hội đang bàn về tăng lương cơ sở, tôi mong rằng việc này sớm được thực hiện bởi 3 năm nay không tăng lương mà dịch bệnh, giá cả các mặt hàng leo thang, cuộc sống của chúng tôi đã căng lắm rồi.  

Chị Nguyễn Thu Hiền, cán bộ Hội LHPN quận Cầu Giấy cho hay, chúng tôi mong chờ được tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023, bởi sau 3 năm chưa được tăng cùng với hơn 2 năm gồng mình lên chống dịch Covid-19, cuộc sống của gia đình tôi cùng rất nhiều chị em phải tiết giảm chi tiêu, thậm chí là rất khó khăn. Các cán bộ Hội ở cơ sở còn chỉ được hưởng phụ cấp ở mức 1,75 mà công việc nhiều, nên tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng ngay để kịp thời gỡ khó cho nhiều gia đình. Nếu đợi thêm 6 tháng nữa thì thật sự rất vất vả.

Bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cho rằng: Ba năm qua, mức lương cơ sở giữ nguyên trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, là bài toán khó đối với chị em “tay hòm chìa khóa” của mỗi gia đình. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mong muốn của người hưởng lương chúng tôi là kiến nghị tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023. Tăng lương cơ sở trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa và cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người lao động.

 “Tôi cho rằng, việc tăng lương tạo cơ hội, tăng thu nhập cho người lao động, tăng niềm tin để người lao động gắn bó với cơ quan, đơn vị mình. Và đây là món quà vô cùng ý nghĩa, đặc biệt quan trọng đối với người lao động, trong đó có chị em phụ nữ chúng tôi”- bà Thủy chia sẻ.

Tăng lương giữ chân cán bộ 
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất lớn. Trong khoảng 2 triệu biên chế hiện nay, có khoảng 1,15 triệu cán bộ, giáo viên và 250.000 cán bộ y tế. Trong khi, ngân sách không có khả năng chi trả mức lương cao như các nước. Đây là những vấn đề khiến nhiều vấn đề giáo dục, y tế luôn ở trong tình trạng căng thẳng, chỉ có thể được giải quyết trong thời gian được tính bằng hàng chục năm như nhiều nước trên thế giới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể nào đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới trong khi chi ngân sách và thu nhập của người dân lại ở mức thấp trên thế giới".

Là người gắn bó với nghề y gần 30 năm nay, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông chia sẻ: Với mức lương và khối lượng công việc như hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, nhất là bác sĩ. Việc tăng lương cơ sở là vô cùng cần thiết, kể cả việc tăng phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng từ 70% lên 100% là chính đáng, như vậy mới có thể giữ chân cán bộ. Lực lượng cán bộ và nhân viên y tế cơ sở chủ yếu là phụ nữ, các chị em rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Nhất là trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19, để hoàn thành nhiệm vụ, họ đã thực sự đã chiến đấu vì sự an toàn sức khỏe của cộng đồng. Còn bản thân họ, với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng cuộc sống rất eo hẹp, nhân viên y tế làm hợp đồng còn có lương 2,8 triệu đồng/tháng, họ đang rất cần được chia sẻ bằng việc tăng lương, phụ cấp. 

Tăng đầu năm thuận cho xây dựng kế hoạch 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: “Đã 3 năm qua, chúng ta chưa tăng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện tại vẫn giữ mức 1,49 triệu của năm 2019. Đời sống của không ít cán bộ, công chức, viên chức hiện nay cũng vô cùng khó khăn. Vấn đề tiền lương cũng là một trong những lý do khiến cán bộ, công chức, viên chức thôi việc thời gian qua. Cho nên, đến lúc này không thể không tăng lương được nữa”. Phương án Chính phủ trình đã được tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều và trong sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước.

Về thời gian tăng lương, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức lương cơ sở theo Nghị định 66 được bắt đầu áp dụng từ 1/7/2013. Sau đó, định kỳ hàng năm, Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế-xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, các điều kiện khác để điều chỉnh. Hầu hết các Nghị định về lương cơ sở trước đây đều bắt đầu áp dụng từ 1/7 và định kỳ hàng năm, nhưng 3 năm nay chưa điều chỉnh. Vì vậy, lần tới cần điều chỉnh mức lương cơ sở như thông lệ đối với mức lương tối thiểu, tức vào thời điểm đầu năm. Theo ông Quảng, nên tăng lương từ ngày 1/1/2023 vì đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đang gặp rất nhiều khó khăn, họ đã chờ đợi quá lâu. Hơn nữa, tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 sẽ trở thành tiền lệ cho những năm sau, thuận lợi cho xây dựng kế hoạch về tài chính, ngân sách.

Trả lời về công tác chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 (chiều 29/10), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Về việc chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TƯ năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi. Đến hết 2021, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng hơn 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng. Theo tính toán, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh cho lương hưu, các đối tượng chính sách, lương cơ sở, phụ cấp nghề… là khoảng 60.000 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua". 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.