Định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Hiện thực hóa khát vọng phát triển

Kỳ 2: Sáu trụ cột phát triển Thủ đô

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong những quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội được các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đưa ra, yếu tố hàng đầu là phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nhân tố con người sẽ được phát huy, lấy vai trò làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực và là mục tiêu của phát triển.

Kỳ 2: Sáu trụ cột phát triển Thủ đô - ảnh 1
Quan điểm “Xây dựng Hà Nội là trung tâm hội nhập quốc tế, Thành phố kết nối toàn cầu” cần dựa trên nền tảng kết nối giao thông, du lịch và trung tâm tài chính/ văn hóa.
Ảnh: PV

Quan điểm chung trong quy hoạch phát triển Thủ đô

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cho biết, trong 5 khâu đột phá đưa ra, ngoài những "trụ cột" cơ bản về thể chế, quản trị; hạ tầng kết nối và nguồn lực, các đơn vị tư vấn đề xuất thêm 2 thành tố: Đô thị và dịch vụ bất động sản; môi trường và cảnh quan. Trong đó, mô hình đô thị TOD trong cải tạo chỉnh trang để tạo diện  mạo đô thị văn minh - hiện đại. Mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) khu vực mới phát triển để tập trung nguồn lực, khai thác có hiệu quả không gian phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ tốt nhất mọi nhu cầu nâng cao cuộc sống văn minh, hiện đại của người dân.

Về yếu tố môi trường và cảnh quan, việc khai thác không gian hồ và các dòng sông vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô xanh - sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, vừa tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng để phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Từ định hướng này, các đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện, làm rõ hơn bằng những ý tưởng mang tính đột phá, thể hiện khát vọng phát triển trong Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Với 3 kịch bản phát triển kinh tế đưa ra, theo đề án, cơ cấu kinh tế Hà Nội trong tương lai vẫn xác định phát triển dịch vụ là trọng tâm. Đây sẽ là khu vực tạo ra trụ cột chính đóng góp phần lớn cho sự phát triển của Hà Nội, trong đó gồm dịch vụ đô thị, logistic, di sản văn hoá, tài chính ngân hàng và dịch vụ bất động sản.

Công nghiệp Hà Nội vẫn giữ vai trò ổn định, dẫn dắt sản xuất công nghiệp trong vùng, đi vào công nghệ cao và sản phẩm IT, trong đó Hà Nội phải dẫn đầu về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nông nghiệp Hà Nội được phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái, kết hợp với du lịch chứ không phải là nông nghiệp thương phẩm thông thường và phải tạo ra sản phẩm mang tính dẫn dắt.

Chia sẻ về những trụ cột phát triển Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay, 6 trụ cột phát triển Thủ đô gồm: Thành phố toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại; thể chế và năng lực quản trị, văn hoá và di sản; đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; xã hội số đô thị thông minh/kinh tế số; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, việc làm…

Quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội được các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đưa ra, đó là: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thủ đô của đất nước trên 100 triệu dân, đến năm 2030 cơ bản thành nước công nghiệp, thu nhập trung bình cao; Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, Thành phố kết nối toàn cầu; là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế; phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; an ninh, an toàn, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới…
Quy hoạch luôn đóng vai trò quan trọng
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, công tác quy hoạch luôn đóng vai trò quan trọng. Đó là định hướng, công cụ quản lý, và là căn cứ giúp các cấp, ngành trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu về công tác quy hoạch trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch chậm có tác động ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 Một số vấn đề khó khăn mà Hà Nội gặp phải như tốc độ tăng dân số cơ học nhanh; các chung cư cao tầng được xây dựng với mật độ cao, giảm diện tích công cộng; kết cấu hạ tầng chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao các tòa nhà có tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đề án quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Người dân Hà Nội nói chung và khu đô thị sông Hồng nói riêng rất phấn khởi khi quy hoạch được phê duyệt.

PGS.TS Phạm Tuấn Anh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải khi nói về định hướng quy hoạch liên quan đến quan điểm phát triển Thủ đô đã cho rằng, để đạt được quan điểm Thành phố “Xanh”, cần có bài toán quy hoạch sử dụng đất ngay từ thời điểm hiện tại. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người; trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt, tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6 - 7m2/người.

Như vậy, quỹ đất dành cho cây xanh cần tăng lên để đạt được tiêu chí này. Tại các khu vực ngoại thành, quỹ đất còn nhiều, nhưng lại ưu tiên cho phát triển khu đô thị, trong khi quỹ đất dành cho cây xanh, hạ tầng chưa đảm bảo. Vì vậy kiến nghị khi phê duyệt các dự án khu đô thị mới, mật độ cây xanh, hạ tầng phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu nêu trên.

Ngoài ra, yếu tố “thông minh” trong định hướng Quy hoạch Thủ đô chưa được làm rõ. “Thông minh” ở đây có thể hiểu là hạ tầng giao thông thông minh, kết nối đô thị thông minh hay quản lý bằng các giải pháp số hóa thông minh... Cần làm rõ mục tiêu đạt được trong thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các mức độ thông minh đạt được của từng giai đoạn. Từ đó sẽ có chủ trương, phân bổ nguồn vốn cho phù hợp với từng giai đoạn đó. Sau này sẽ ráp nối tổng thể thành một hệ thống đồng bộ, hiện đại. Một lưu ý là có thể số hóa thông tin công trình ngay trong giai đoạn lập, hoàn thiện các dự án cấp mới để có cơ sở xây dựng dữ liệu số cho toàn bộ đô thị.

Quan điểm “Xây dựng Hà Nội là trung tâm hội nhập quốc tế, Thành phố kết nối toàn cầu” cần dựa trên nền tảng kết nối giao thông, du lịch và trung tâm tài chính/ văn hóa. Cần xác định rõ thế mạnh của Hà Nội khi muốn trở thành trung tâm hội nhập. Nếu là trung tâm du lịch, văn hóa, cần trọng tâm đến giữ gìn, trùng tu các di sản, các công trình văn hóa, các di sản phi vật thể để làm điểm nhấn.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xét xử nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng

Xét xử nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng

(PNTĐ) - Sáng ngày 30/11/2023, Toà án Nhân dân huyện Thanh Oai đã mở phiên toà xét xử nhóm thanh niên sử dụng “phóng lợn”, vỏ chai bia ném, đuổi đánh nhau gây mất trật tự công cộng tại đường tỉnh lộ 427 thuộc địa phận thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Thuốc lá điện tử: Hiểm họa cho sức khỏe và tinh thần giới trẻ

Thuốc lá điện tử: Hiểm họa cho sức khỏe và tinh thần giới trẻ

(PNTĐ) -Hiện nay, một số loại thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá sợi còn được cho thêm ma túy để gây tác dụng mạnh hơn so với ma túy truyền thống. Các loại thuốc này đang được rao bán trên các mạng xã hội với giá cao gấp đôi, gấp ba so với loại bình thường. Tình trạng này đang gây lo lắng cho nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh. Bởi đa phần người sử dụng TLĐT là học sinh, sinh viên.