15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:Vì một Hà Nội hiện đại, giàu bản sắc
Kỳ 3: Kiến tạo không gian phát triển Thủ đô lên tầm cao mới
(PNTĐ) - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008-1/8/2023), hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội đã thay đổi lớn về diện mạo, tăng tính kết nối với các tỉnh, thành phố; góp phần đẩy nhanh việc kiến tạo không gian ở các địa phương trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế, tạo thêm động lực cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Bước đột phá về hạ tầng giao thông
Sau 15 năm hợp nhất tỉnh Hà Tây (cũ), 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), hàng loạt dự án giao thông được triển khai, hoàn thiện, đưa vào sử dụng, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi. Điển hình như các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... Các đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, như: Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh niên, đường nối từ đường Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Tuyến đường Vành đai 2, tuyến đường Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi)…
Đặc biệt là tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được gọi là “siêu dự án”, mới khởi công ngày 25/6/2023, dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án có tổng chiều dài 112km, dự kiến hoàn thành vào năm 2027 với nhiều kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô và các vùng lân cận.
Cùng với mở rộng hệ thống đường giao thông, Hà Nội đã đầu tư đồng bộ lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, với mạng lưới xe buýt được điều chỉnh hợp lý để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, trước khi mở rộng, Hà Nội chỉ có 60 tuyến buýt và 2 tuyến buýt kế cận kết nối các tỉnh lân cận, với tổng cộng 940 xe.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Thành phố đã điều chỉnh, hợp lý hóa luồng, tuyến, nhằm mở rộng vùng phục vụ, hàng loạt tuyến buýt được mở mới hoặc kéo dài đến các khu vực ngoại thành, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần quan trọng hạn chế áp lực cho giao thông nội đô. Hà Nội cũng đầu tư mở thêm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 1 tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa; 9 tuyến xe buýt điện, 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng khí hóa lỏng CNG.
Đến nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên toàn Thành phố có 154 tuyến, đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Về sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Thành phố đã hình thành một mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức, giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngày một thuận lợi hơn.
Hạ tầng giao thông Hà Nội đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể, góp phần xóa đi khoảng cách địa lý giữa đô thị trung tâm với ngoại thành; giảm thiểu sự khác biệt về chất lượng sống.
Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%; vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được từ 50-55% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Sáng tạo không gian giàu bản sắc
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô văn hiến đã ôm trọn thế mạnh của cả 2 vùng đất “địa linh nhân kiệt” là Thăng Long và xứ Đoài tạo nên tầm cao, vị thế mới cho du lịch Thủ đô.
Hiện nay, du lịch Hà Nội có rất nhiều sản phẩm phong phú, trong đó, 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch làng cổ, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống, như: làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái; khảm trai Chuyên Mỹ… đã dần khẳng định thương hiệu hấp dẫn. Nhiều điểm du lịch của Thủ đô đã trở nên quen thuộc với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, khu nghỉ dưỡng Asean Resort; khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Tuần Châu - Quốc Oai; Glory Resort; khu vui chơi, nghỉ dưỡng Sky Lake and Golf Club Resort, Family Resort…
Một điểm nhấn khác là tour du lịch đường thủy trên sông Hồng, xuôi dòng về đến địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, nơi có không gian làng quê được ví đẹp như trên phim. Bởi nơi đây, những thửa ruộng vuông vắn, được “kẻ, vẽ”, tô điểm không chỉ bằng những hàng rau xanh, những hàng hoa đầy màu sắc, làng quê đã trở thành “Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân”, “Điểm du lịch của thành phố” đón nườm nượp những đoàn khách về.
Chia sẻ về hành trình tạo nên diện mạo đẹp của xã Hồng Vân, ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân khẳng định: Xuất phát từ chính những trăn trở, những nung nấu với bao tâm huyết của cả một tập thể lãnh đạo, cán bộ xã trong hơn 10 năm nay đã cùng ước mơ, quyết tâm chuyển hướng phát triển kinh tế. Qua bao khó khăn, chúng tôi vẫn đồng lòng, đoàn kết, cùng vì một mục tiêu xây dựng quê hương mình”.
Nói về du lịch làng quê Hồng Vân đã tạo sức hút đối với đông đảo du khách, ông Mai Văn Ngần cho hay, bình quân xã đón 3,5 vạn lượt khách mỗi năm, giá trị thu được từ du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng. Điểm du lịch xã Hồng Vân được Sở Du lịch Hà Nội đánh giá có chất lượng cao, có tiềm năng phát triển và từng bước đưa Hồng Vân trở thành một trong những trung tâm kết nối thương mại, dịch vụ, du lịch trong vùng, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện; phấn đấu đến năm 2030 huyện Thường Tín trở thành một quận của Thành phố. Trong đó xã Hồng Vân trở thành một phường xanh; lấy kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề là kinh tế chủ lực.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã phát triển loại hình sản phẩm du lịch cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch tạo nên tầm vóc, diện mạo mới cho du lịch Thủ đô. Giai đoạn 2011-2022, dịch vụ du lịch của Hà Nội tăng bình quân 6,77%/năm - cao hơn bình quân chung là 6,67%. Năm 2022, dịch vụ phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%).
Thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch bền vững theo hướng khai thác những tiềm năng, lợi thế vốn có vẫn gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa, xã hội, bản sắc riêng có.
(Còn tiếp)