Câu chuyện “khát nước” xuyên nhiều thập kỷ

Kỳ cuối: Giải pháp giải tỏa “cơn khát”

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để giải “cơn khát” xuyên thập kỷ của hàng nghìn người dân ở các huyện ngoại thành, thành phố Hà Nội, các sở, ngành chức năng đã có những giải pháp gỡ khó để đảm bảo cung cấp nước sạch tập trung cho toàn Thành phố vào năm 2025 và khai thác tài nguyên nước ngầm hiệu quả.

Kỳ cuối: Giải pháp giải tỏa “cơn khát” - ảnh 1
Công nhân Nhà máy nước Sông Đà, Ba Vì - Công ty cổ phần Cấp thoát nước và môi trường Ba Vì đang vận hành máy.

Xây dựng các nhà máy khai thác nước mặt 
Hà Nội được đánh giá có trữ lượng nước ngầm dồi dào. Theo GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp, thoát nước và môi trường (Hội Cấp, thoát nước Việt Nam), tình trạng khai thác nước ngầm tự phát đã ảnh hưởng đến trữ lượng, chất lượng nước ngầm.

Nước ngầm là tài nguyên vô cùng thiết yếu cho cuộc sống, cần được con người bảo vệ, giữ gìn, khai thác và sử dụng hợp lý. Trong khi ở khu vực nông thôn hiện chưa có nước sạch tập trung thì hàng nghìn, thậm chí hàng triệu hộ dân đang phải tự khoan xuống lòng đất để có nước sử dụng. Có những vùng do địa chất, người dân phải cất công khoan nhiều lần mới được, thậm chí còn không được nước hoặc nước không đảm bảo chất lượng bởi nhiều tạp chất, việc xử lý lọc gặp khó.

Đánh giá của các chuyên gia, việc khai thác không hợp lý và tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến mực nước ngầm sụt giảm, gây ra sự sụt lún đất, ô nhiễm tạp chất, asen trong các tầng chứa nước. Minh chứng cho điều này chính là tình trạng sụt lún đã từng xảy ra ở các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ khiến dư luận quan tâm. Hơn nữa, thành phố ngày càng mở rộng về phía Tây sẽ càng xa nguồn nước ngầm là sông Hồng nên độ hạ thấp mực nước ngầm ngày càng lớn và lan xa.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng lộ trình có mốc thời gian, kế hoạch cụ thể để ngừng khai thác nước ngầm, nhằm quản lý tài nguyên nước hiệu quả để phát triển bền vững. Theo đó, các nhà máy khai thác nước ngầm trên địa bàn sẽ phải giảm dần công suất. Cụ thể, công suất hiện là 700.000m3/ngày - đêm. Dự kiến đến năm 2025, lượng nước ngầm khai thác sẽ giảm còn 615.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 25,8%); giai đoạn đến năm 2030 còn 504.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 17,7%) và giai đoạn đến năm 2050 còn 413.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 11,5%).

Theo đó, một số nhà máy khai thác nước ngầm sẽ đóng cửa hoàn toàn các giếng khai thác như: Nhà máy nước Hạ Đình (Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội); Nhà máy nước Pháp Vân, Nhà máy nước Tương Mai... Vì vậy, Thành phố đẩy mạnh xây dựng các nhà máy khai thác nước mặt của sông Hồng, sống Đuống, sông Đà... để bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng nước sạch trên toàn Thành phố.

Là đơn vị đang quản lý, cung cấp nước sạch cho 15 quận, huyện của Thành phố, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đang khai thác, cấp nước với công suất 680.000m3/ngày - đêm, 67% tổng nguồn cấp nước là từ nước ngầm. Theo lộ trình ngừng sử dụng các giếng khai thác nước ngầm, đơn vị đang thực hiện đóng dần một số giếng và bãi giếng tại một số nhà máy nước. Nhà máy của công ty này có 17 giếng ngầm, công suất khai thác 30.000m3/ngày - đêm. Hiện nhà máy đã đóng 8 giếng, còn 9 giếng đang luân phiên khai thác. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000m3/ngày - đêm và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả các giếng ngầm.

Cùng với việc giảm dần khai thác các giếng ngầm, tại Nhà máy nước Bắc Thăng Long, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội cũng chuyển từ khai thác nước ngầm (50.000m3/ngày - đêm) sang khai thác nước mặt sông Hồng với công suất 150.000m3/ngày - đêm và dự kiến nâng công suất lên 250.000-300.000m3/ngày - đêm vào năm 2030.

Còn Nhà máy nước Tương Mai có công suất thiết kế 30.000m3/ngày - đêm cũng đang giảm dần khai thác nước ngầm xuống còn 20.000m3/ ngày - đêm. Dự kiến đến năm 2025 còn 15.000m3/ngày - đêm, năm 2030 còn 5.000m3/ngày - đêm, và đến năm 2050 sẽ đóng hẳn các giếng nước ngầm. Tương tự, Nhà máy nước Pháp Vân có công suất thiết kế 30.000m3/ ngày - đêm, đang giảm khai thác xuống còn 5.000m3/ngày - đêm; đến giai đoạn sau năm 2030 ngừng khai thác các giếng nước ngầm, đưa về chế độ dự phòng…

Để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, Hà Nội sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn nước mặt. Theo đó, thành phố đang đôn đốc, sớm đưa vào hoạt động Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày - đêm; nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống theo lộ trình; đầu tư xây dựng mới Nhà máy nước Xuân Mai sử dụng nguồn nước mặt sông Đà... 

Đáng chú ý, Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền để người dân không tiếp tục khai thác giếng khoan, mà tiến tới sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung của Thành phố sau khi được đầu tư xây dựng.

Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn Thành phố đạt trên 1.530.000m3/ngày - đêm. Mức này cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho 100% nhân dân khu vực đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hiện nay, 85% người dân khu vực nông thôn ở 274 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của Thành phố. 

Kỳ cuối: Giải pháp giải tỏa “cơn khát” - ảnh 2
Kỳ cuối: Giải pháp giải tỏa “cơn khát” - ảnh 3
Nhà máy nước Sông Đà, Ba Vì - Công ty cổ phần Cấp thoát nước và môi trường Ba Vì.

Hiện toàn Thành phố còn 149 xã chưa được kết nối với mạng cấp nước của Thành phố, trong đó, có 28 xã thuộc khu vực địa hình khó khăn, chưa có nhà đầu tư; đáng chú ý là có 105 xã đã giao dự án cho nhà đầu tư trong giai đoạn 2015-2020 song chưa thực hiện.

Để mở rộng mạng cấp nước cho các xã còn lại, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa nước sạch tới 100% địa bàn nông thôn, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi 2 dự án và điều chỉnh 1 dự án. Với các xã chưa kết nối mạng cấp nước, 9 đơn vị đang thực hiện 11 dự án mở rộng mạng cấp nước. Trong đó có 1 dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai, cấp nước cho khu vực miền núi các xã: Khánh Thượng, Ba Vì, Minh Quang). 

Đối với địa bàn 21 xã của huyện Ứng Hòa và 26 xã của huyện Mỹ Đức do Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam đầu tư mở rộng mạng cấp nước, kết nối nguồn cấp bổ sung từ tỉnh Hà Nam. 21 xã còn lại của huyện Thường Tín do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đầu tư mạng cấp nước, đấu nối bổ sung thay thế nguồn nước ngầm cho các trạm cấp hiện có.

Tại huyện Thanh Oai còn 10 xã do Công ty Cổ phần Viwaco triển khai, phối hợp với Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông khớp nối đồng bộ với hệ thống mạng cấp nước hiện có trong khu vực. 11 xã của huyện Chương Mỹ và 2 xã của huyện Quốc Oai do tiếp giáp, đan xen với hệ thống cấp nước của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai đang quản lý, đầu tư nên đơn vị đề xuất điều chỉnh dự án mở rộng vùng cấp nước cho các xã trên.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, đang thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định để các đơn vị mở rộng vùng cấp nước cho khu vực thực hiện.

Với các khu vực đã giao cho nhà đầu tư gồm có 4 xã tại huyện Ba Vì, 8 xã huyện Đan Phượng, 4 xã huyện Chương Mỹ, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2023-2025, Thành phố xác định hoàn thành 2 dự án phát triển nguồn nước sạch, gồm: Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày - đêm) và Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất từ 300.000m3/ngày - đêm lên 600.000m3/ngày - đêm. Thành phố triển khai hệ thống cấp nước Xuân Mai, dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì và nghiên cứu dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ cấp nước sạch cho khu vực nông thôn lên 90%. Trong đó, có thêm 3 xã huyện Đông Anh, 10 xã huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, 3-5 xã huyện Thạch Thất, 5 xã tại huyện Chương Mỹ, 5 xã huyện Sóc Sơn sẽ được kết nối với hệ thống mạng cấp nước của Thành phố.

Hy vọng, với nỗ lực của Sở Xây dựng, UBND các huyện ngoại thành cùng các doanh nghiệp sẽ sớm đưa nước sạch về các địa phương để giải “cơn khát” của người dân đang trông mong từng ngày, từng giờ.

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.