Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Tạo bước đột phá phát triển Thủ đô

Kỳ cuối: Quy hoạch phải đi trước một bước

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việc xây dựng huyện trở thành đơn vị hành chính quận là một quá trình lâu dài và cần một nguồn lực rất lớn, bởi có rất nhiều tiêu chí cần hoàn thiện. Thực tế thời gian qua, cùng với sự quan tâm và nguồn vốn của TP. Hà Nội, các huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí lên quận.

Kỳ cuối: Quy hoạch phải đi trước một bước - ảnh 1
Dự án Thành phố thông minh sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho “quận” Đông Anh trong tương lai Ảnh: PV

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch 
Trình bày dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, dự thảo Chương trình đã xác định 132 nhiệm vụ, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 15. Trong đó, Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. 

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận, Hà Nội sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. 

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị. Hiện, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp. Đây không chỉ là đổi mới trong quy hoạch mà còn là điều kiện để phát huy kinh tế đô thị, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận mới đây, lãnh đạo 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì đã kiến nghị Thành phố tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông; hướng dẫn tiêu chuẩn của siêu thị mini; tính toán lại tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật. Cùng với đó là hướng dẫn thực hiện các tiêu chí: Mật độ đường giao thông đô thị; diện tích giao thông trên dân số; mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, du lịch trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Gỡ nút thắt 
Đại dịch Covid-19 khiến mục tiêu “từ làng lên phố” của TP Hà Nội đã gặp khá nhiều khó khăn. Mục tiêu huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020 đã không hoàn thành (mới đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận); đối với 4 huyện còn lại là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 cũng phải rất nỗ lực. 

Một người dân ở huyện Gia Lâm chia sẻ: Chuyện "từ làng lên phố" không đơn thuần chỉ là việc đổi con dấu từ xã sang phường, từ huyện sang quận mà nó là một sự thay đổi cơ bản về tập quán, thói quen, công việc mưu sinh của hơn 10.000 người dân mỗi xã. Vẫn cái làng ấy, từng ấy con người lâu nay đang tự hào về "văn hóa làng quê vùng Bắc Bộ" làm thế nào để thích nghi khi trở thành người phố thị là cả một vấn đề lớn, nếu không muốn nói là quá lớn.

Một thách thức lớn nữa đó là, tốc độ đô thị hóa cao cùng sự gia tăng dân số cơ học và mật độ công trình xây dựng có thể tạo thêm gánh nặng cho môi trường. Theo GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, khi thực hiện chuyển đổi lên quận, mật độ dân cư tăng lên, các hoạt động sản xuất dịch vụ tăng lên, rác thải, nước thải, khí thải và rất nhiều nguồn phát thải gây ô nhiễm khác sẽ tăng.

“Hiện nay, các làng nghề tại một số các huyện ngoại thành đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn còn sơ sài và thiếu các nhà máy, trạm xử lý nước thải. Cho nên, trước khi lên quận thì phải đầu tư thêm nguồn lực để xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đô thị. Các huyện có khu công nghiệp phải chú trọng thu gom rác thải, phân loại rác tại nguồn, xử lý ô nhiễm, tính toán thêm diện tích cây xanh" - GS.TS Đặng Kim Chi nhìn nhận.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, GS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng: "Các địa phương chuẩn bị lên quận cần có sự chuẩn bị trước về kịch bản môi trường để sẵn sàng phương án ứng phó. Đặc biệt, cần đi trước một bước so với các quy hoạch của hạ tầng kỹ thuật đô thị, trên cơ sở dự báo mức tăng cơ học của dân số, mật độ dân cư tại từng địa bàn, tốc độ tăng trưởng kinh tế, xu hướng phát triển của các hoạt động xã hội kèm theo".

Tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Từ nay đến hết năm 2025, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, chúng tôi dự kiến khai thác nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó hoàn thiện hạ tầng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 63,2ha; thực hiện quy hoạch, xây dựng 5 khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ với diện tích khoảng 199ha... Tổng nguồn lực dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách huyện được hưởng sau điều tiết khoảng 9.625 tỷ đồng.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, để duy trì, hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt trên địa bàn, 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, UBND huyện Đông Anh sẽ tiếp tục rà soát, tập trung nguồn lực để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành các tiêu chí cấp huyện, cấp xã đã được phê duyệt. Trong đó, linh hoạt trong các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức hay cá nhân, đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để từng bước hiện thực hóa các quy hoạch được phê duyệt.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho biết, thực hiện nội dung chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố, huyện đã rà soát lại toàn bộ các tiêu chí huyện lên quận và xã lên phường bảo đảm chuẩn xác về nội hàm và phương pháp tính. Về nguồn lực, tổng kinh phí để hoàn thành các tiêu chí quận khoảng 8.920,16 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố 4.769 tỷ đồng, ngân sách huyện 4.151,16 tỷ đồng; đối với các dự án nhằm nâng cao tiêu chí và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện được huyện bố trí theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Đối với huyện Gia Lâm, để hoàn thành tiêu chí cơ sở y tế cấp đô thị, huyện sẽ tập trung các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối thu chi ngân sách giai đoạn 2022-2025; đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án nâng cấp mở rộng bệnh viện Đa khoa Gia Lâm; đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện Vinmec Ocean Park nhằm đáp ứng tiêu chí cơ sở y tế cấp đô thị…

Theo các chuyên gia đô thị, để phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, việc đồng bộ quy hoạch, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh ở các huyện sắp lên quận, đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm là điều hết sức cần thiết đối với các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, khi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngoài xem xét các yếu tố phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc nghiên cứu quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị cũng cần được hoàn thiện, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: