Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội hoa đào, quất cảnh, sản phẩm OCOP
(PNTĐ) - Chương trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức, được khai mạc vào tối 26/1 vừa qua, tại Không gian văn hoá sáng tạo quận Tây Hồ và diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 26/01 đến ngày 01/02/2024.
Đây là hoạt động “Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị - Phát triển bền vững” những giá trị làng nghề truyền thống nói chung, tôn vinh nét đẹp làng nghề “Đào Nhật Tân”, “Quất cảnh Tứ Liên” quận Tây Hồ gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; là dịp để nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn, mua sắm phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đồng thời là sự kiện quan trọng trong kết nối làng nghề gắn với du lịch, thúc đẩy phát triển sản xuất chất lượng cao, an toàn, thân thiện và minh bạch thông qua chương trình OCOP để thực hiện thắng lợi Chương trình Nông thôn mới.
Phát biểu tại Lễ hội, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, Hà Nội có hơn 5.922 di tích lịch sử; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, làng có nghề. Đây là những kết tinh của giá trị văn hóa con người hòa quyện cùng với dòng lịch sử. Để duy trì, bảo tồn và phát huy trầm tích được trao truyền qua bao đời, hàng năm, Hà Nội tổ chức 1.661 lễ hội và gần 200 chương trình xúc tiến đầu tư thương mại du lịch; Hà Nội trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế; năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch).
“Có thể nói Đào Nhật Tân và quất Tứ Liên, Quảng Bá của Tây Hồ đã được người dân gieo trồng, tạo tác hàng ngàn năm nay để là niềm tự hào về thương hiệu nổi tiếng của Thủ đô. Để duy trì giá trị văn hóa phi vật thể tao nhã về du xuân và thưởng lãm Hoa đào và Quất cảnh cho người dân Thủ đô và du khách trong nước và quốc tế thì việc bảo tồn, duy trì nghề trồng hoa đào và quất cảnh là một việc làm quan trọng, được Lãnh đạo Thành phố, ngành NNPTNT, quận Tây Hồ rất quan tâm và xác định đây là nét văn hóa không thể thiếu được đối với quận Tây Hồ để kết nối với các chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, làng nghề và trải nghiệm của du khách và người dân Thủ đô” - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Đến với Lễ hội lần này, du khách không chỉ được đắm chìm trong không khí của sắc Xuân đất Việt giàu bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn được hòa mình trong không gian sinh cảnh lung linh sắc màu của hoa đào, quất cảnh, sen Tây Hồ, hoa cây cảnh, điểm nhấn trung tâm là linh vật “song long hội tụ” khổng lồ được tạo hình nghệ thuật bằng hoa quả.
Đặc biệt trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội sẽ diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất Nước đổi mới” hội tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi; đồng thời chiêm ngưỡng bộ sưu tập cây cảnh nghệ thuật độc đáo; tìm hiểu phong tục thờ cúng gia tiên, nghệ thuật bài trí đồ thờ, sắp xếp mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người Việt; trải nghiệm các trò chơi dân gian, thú chơi hoa cây cảnh, nhạc cụ dân tộc, thưởng trà, khai bút đầu xuân vô cùng hấp dẫn...
Bên cạnh việc tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề truyền thống hoa Đào và Quất cảnh, Lễ hội đã tổ chức không gian 100 gian hàng các sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền hội tụ tại Tây Hồ để lan tỏa hương vị đặc sắc đượm vị quê hương của các vùng miền đến các gia đình đoàn viên trong Tết cổ truyền của dân tộc.
Phát biểu chào mừng lễ hội, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ hy vọng sự kiện quy tụ sản phẩm đặc sắc này sẽ đem đến cho du khách không gian tham quan, thưởng ngoạn, mua sắm, kết nối giao thương đầy ý nghĩa, kích thích sản xuất, tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời có sự trải nghiệm nhiều ý nghĩa thiết thực, tôn vinh nét đẹp truyền thống dân tộc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.