Liên tiếp xảy ra các vụ chồng bạo hành vợ nghiêm trọng
(PNTĐ) -Hai vụ việc chồng bạo hành vợ liên tiếp xảy ra, gây phẫn nộ lớn trong dư luận. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống bạo lực gia đình cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Đó là chị Bùi Thị Tuyết G, thai phụ 38 tuổi, hiện lánh nạn tại nhà mẹ ruột ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang sau khi nỗ lực thoát khỏi nhà chồng ở Hải Dương. Chị bàng hoàng kể lại, người chồng đầu gối tay ấp luôn dọa “đánh cho tôi chết từ từ”. Mỗi ngày, chị đều phải sống trong sợ hãi. Bất kể lúc nào không hài lòng, gã chồng vũ phu đều lôi chị ra đánh, có ngày 2-3 trận. Anh ta còn giam lỏng chị trong nhà khiến chị chẳng thể trốn thoát.
Đó cũng là hành trình đi tìm chốn bình yên của chị Phương U, một giảng viên đại học ở TP Hồ Chí Minh bị chồng bạo hành suốt 3 năm ròng rã. Chị U kể, gã chồng vô nhân tính tới mức thường nhằm vào nơi hiểm yếu như ngực, bụng của chị để ra đòn. Chị từng bị chồng kéo lê giữa phố cả 100m. Cổ tay của chị cũng bị khuyết tật do chồng đánh. Cơ quan giám định pháp y kết luận chị U bị trầm cảm nghiêm trọng với tổn thương tâm thần lên tới 22,7%. Bi kịch hôn nhân của chị khi được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nên cơn “chấn động” trong dư luận. Nhiều người đã ký vào lá tâm thư, thể hiện mong muốn đòi lại công lý cho chị U.
Có thể thấy, nạn nhân trong các vụ việc nêu trên đều giống nhau khi bị chồng bạo hành dã man trong thời gian dài, bị uy hiếp tinh thần, bị giam lỏng.
Xót xa cho các nạn nhân, bất kỳ ai có lương tri trong chúng ta đều không khỏi day dứt. Đó là bởi, giữa xã hội đang ngày một văn minh, tiến bộ, vẫn còn những gã đàn ông cậy mình có sức mạnh giới tính để đánh đập, hành hạ người phụ nữ nhỏ bé, yếu thế, chưa nói đó còn là vợ của họ, mẹ của các con họ. Chúng ta cũng day dứt khi vẫn còn nhiều rào cản khác trên hành trình xóa bỏ bạo lực gia đình. Đó là việc chưa thực hiện tròn vai trách nhiệm của cơ quan chức năng, cộng đồng. Trong các sự việc bạo lực nêu trên, thủ phạm bạo lực ngang nhiên phạm tội trong một thời gian dài, vô hiệu hóa khả năng phát hiện của các lực lượng, cộng đồng xung quanh. Bi kịch đã chỉ hé lộ khi chính nạn nhân tự tìm cách trốn thoát.
Nguyên nhân còn đến từ những định kiến xã hội vẫn đang tồn tại, như trong sự việc của chị U. Theo lời chia sẻ của chị, biết con gái có ý định ly hôn gã chồng vũ phu, mẹ của chị cũng cho rằng: “Vợ chồng mâu thuẫn là bình thường, có gì mà ly hôn”. Rồi tới khi chị quyết tâm tố cáo sự việc, bà lại ngăn cản với quan niệm: “Đâu cần phải tố cáo, đuổi cùng giết tận chồng”. Và trong nhiều vụ việc bạo lực gia đình khác, nguyên nhân còn đến từ ý thức tự bảo vệ và bảo vệ bản thân người phụ nữ. Nhiều chị (không ngoại trừ cả các nạn nhân trong các sự việc trên) đều cố gắng cam chịu bị chồng bạo hành nhiều năm với ý nghĩ “chồng sẽ sửa đổi” dù cho không có dấu vết nào chứng tỏ điều đó hay tự bào chữa “mình làm sao đó thì mới bị đánh”. Chỉ tới khi rơi vào đường cùng, họ mới thoát chạy.
Do vậy, cuộc chiến phòng chống bạo lực gia đình vẫn cần mạnh mẽ hơn nữa, với những giải pháp đến từ các cấp, ngành, các tổ chức. Những ngày gần đây, cùng với nhiều hoạt động đã triển khai trước đó, Hội LHPN Hà Nội đang nỗ lực xúc tiến thành lập “Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại” trực thuộc Hội. Mô hình là một trong các nội dung thuộc Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026” do UBND TP Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 3101/QĐ-UBND. Hội đã thành lập các đoàn công tác học tập kinh nghiệm về triển khai cơ chế phối hợp liên ngành và thăm các mô hình nhà tạm lánh, một điểm dừng hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành bạn khác.
Có thể thấy, chúng ta đang rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng cuộc chiến này sẽ còn phải tiếp tục, kiên trì và mạnh mẽ hơn nữa với sự hợp sức của nhiều lực lượng.