Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi:

Mang di sản áo dài Việt vươn tầm quốc tế

Bài và ảnh: Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Maria Elena Di Terlizzi, nhà thiết kế nổi tiếng người Ý đã sang Việt Nam tham gia dự án “Áo dài di sản - Văn hoá của tình thương”, với vai trò một người nước ngoài thiết kế áo dài Việt. Sau một thời gian ở Việt Nam, đi khắp mọi miền để nghiên cứu văn hóa Việt, bản sắc áo dài Việt, những mẫu thiết kế đầu tiên của bà đã ra đời, tạo nên nhiều kinh ngạc về sự hòa quyện văn hóa sâu sắc, mở ra hy vọng cho tà áo dài Việt tiếp cận với thế giới. Báo Phụ nữ Thủ đô đã trò chuyện cùng nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi về hành trình của bà với áo dài Việt.

“Tôi muốn Áo dài - di sản văn hóa tuyệt diệu này được cả thế giới biết đến”

Công chúng cũng đã được thưởng thức những tác phẩm áo dài đầu tiên của bà trong bộ sưu tập “Áo dài di sản - Văn hóa của tình thương”, với bà để đi đến được thành quả đó, bà đã trăn trở ra sao? 

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi: Sứ mệnh được giao phó cho tôi, quả thực không hề dễ dàng. Trọng trách của tôi là phải đưa di sản áo dài của Việt Nam vươn đến tầm quốc tế, mang đến cho áo dài một phong cách hiện đại, nhưng đồng thời không được làm lu mờ đi những giá trị truyền thống, giá trị tinh thần và ý nghĩa lớn lao của tà áo dài đối với người dân Việt Nam. 

Mang di sản áo dài Việt vươn tầm quốc tế - ảnh 1
 Các thiết kế đầu tiên của dự án được ra mắt tại Hà Nội tháng 10/2022

Mang trên vai trọng trách to lớn đó, tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện, nhưng cũng không ít lần khiến tôi trăn trở, suy nghĩ. Bởi lẽ, tôi muốn di sản văn hóa tuyệt diệu này được cả thế giới biết đến và tôi muốn được nhìn thấy tà áo dài được mặc khắp muôn nơi. Tôi đã nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực kể từ những thiết kế, sản phẩm đầu tiên, và điều đó càng tiếp thêm sức mạnh để tôi tiếp tục đi trên hành trình màu nhiệm này.

Các thiết kế của bà có thể nói là đã đem đến cho áo dài Việt một sức sống mới, mang hơi thở của thời trang cao cấp Ý, hiện đại mà vẫn giữ được hồn cốt áo dài Việt. Vậy tiêu chí và chuẩn mực để bà thiết kế bộ sưu tập này như thế nào?

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi: Tôi tạo ra những bộ áo dài đầu tiên dựa trên các nguyên mẫu áo dài truyền thống mà tôi được chiêm ngưỡng trong thời gian ở Việt Nam. Sau khi đúc kết và đánh giá kỹ lưỡng, tôi đã tìm ra ý tưởng để giúp cho tà áo dài trở nên phóng khoáng và hiện đại hơn. Tôi đã áp dụng những tiêu chí may đo của quốc tế để tạo nên dáng vẻ mới cho tà áo dài, giúp cho tà áo dài trở nên dễ mặc hơn. Về phần nguyên liệu vải, tôi đã sử dụng những loại vải quý như lụa duchess, sa tanh, voan và vải gấm để in, thêu và dệt nên những bộ áo dài lễ phục quan trọng.

Theo dự kiến, Dự án sẽ thực hiện 60 thiết kế áo dài, chia thành 3 phong cách khác nhau: Nghi lễ, phong cách sống và thời trang công sở. Đối với bộ áo dài Phong cách sống và áo dài công sở, tôi sử dụng những chất vải thoải mái hơn, có tính co giãn, và cả những loại vải thân thiện với môi trường. Mục đích của tôi là làm sao để mọi người dễ mặc, dễ tiếp cận nhất được với Áo dài. 

Mang di sản áo dài Việt vươn tầm quốc tế - ảnh 2
 Các thiết kế đầu tiên của dự án được ra mắt tại Hà Nội tháng 10/2022

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thiết kế áo dài của bà khá hiện đại, khó nhận diện được đặc trưng của áo dài, bà nghĩ sao? Theo bà, phụ nữ thế giới sẽ tiếp nhận vẻ đẹp văn hóa thời trang này của người Việt chứ? 

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi:  Tôi tin rằng những thiết kế của mình luôn gắn liền với những giá trị của áo dài truyền thống. Bản thân tôi đã mang thử trên mình rất nhiều bộ áo dài để có thể hiểu được những nét đẹp và tìm ra những điểm chưa hoàn thiện cần được cải tiến. Sau khi đúc kết, tôi nhận thấy rằng một số chi tiết truyền thống có thể sẽ không phù hợp với tiêu chuẩn của một người phụ nữ châu Âu, nhất là với những bộ áo dài công sở dành cho những người phải dành nhiều giờ sau chiếc bàn làm việc. Đối với những buổi dạ tiệc, gặp gỡ, hội họp và các buổi lễ, người phụ nữ châu Âu cũng có những phong cách khác một chút so với người phụ nữ Việt Nam, và tôi hy vọng có thể thỏa mãn được những tiêu chuẩn đó trên những thiết kế áo dài mới.

Dự án DISA (Di sản áo dài - văn hóa của tình thương) do Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý và Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam, Golden Heritage cùng phối hợp thực hiện với khát vọng đưa áo dài đến với thế giới đã nhận được sự quan tâm rất lớn trong năm qua.

“Tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp đất nước, con người, văn hóa truyền thống Việt Nam…”

Mỗi tác phẩm áo dài của bà trong bộ sưu tập đều kể một câu chuyện, một dấu ấn rất rõ nét về Việt Nam, như về phố đêm Hà Nội, về phố cổ… Có thể cảm nhận bà đã nhìn ngắm, quan sát rất kỹ những nơi từng qua, những điểm từng đến để sáng tạo. Trong quan sát của bà, Việt Nam, Hà Nội có điều gì đặc biệt khiến bà yêu thích?

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi: Với tôi, được tiếp xúc với văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời khám phá đất nước Việt Nam xinh đẹp và lịch sử hào hùng của nước bạn thực sự là một đặc ân lớn. Tôi đã dành 15 ngày để đi thăm khắp nơi ở Việt Nam trong lần đầu tiên tới thăm nước bạn. Ấn tượng của tôi là người Việt Nam vô cùng thân thiện, mến khách và đặc biệt, họ tôn trọng truyền thống của dân tộc mình bằng cả tâm trí và tinh thần. Khi mới bắt đầu hành trình, tôi không ngờ đất nước Việt Nam lại đẹp đến như vậy, không chỉ đơn giản là sự phát triển của công nghệ mà tất cả mọi thứ đều khiến tôi mê mẩn. 

Những cảm hứng ấy đã trở thành báu vật quan trọng giúp tôi tạo ra tà áo dài hiện đại như các bạn đã thấy. Ví như lần tôi đến Hà Nội vào một buổi chiều cuối tháng 8, trên chiếc xe xích lô, len lỏi vào từng con ngõ của Hà Nội và dừng chân ngay tại hồ Hoàn Kiếm, ngay lúc ánh hoàng hôn bao phủ. Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến những người phụ nữ Việt, ở những vùng quê ven đô, quay trở về nhà sau một ngày tất bật công việc. Đó giống như khung cảnh hoàng hôn của Hà Nội vậy, dù thành phố có tất bật, hối hả đến đâu nhưng giờ khắc chiều tà ấy, tất cả lại dịu dàng đến lạ kỳ. Và tôi đã thiết kế một bộ áo dài có chủ đề hoàng hôn bên hồ Hoàn Kiếm thơ mộng như vậy, bằng cách sử dụng những hình vẽ, họa tiết được làm thủ công tỉ mỉ trên nền lụa bóng. 

Mang di sản áo dài Việt vươn tầm quốc tế - ảnh 3
 Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi và ông Hà Huy Thanh, 
Chủ tịch tổ chức Golden Heritage, đơn vị thực hiện dự án 
 

Hay như thiết kế có tên Hoa khôi. Đối với tôi, hoa khôi là hình ảnh của một người con gái đẹp nhất, không phải ý chỉ nhan sắc mà còn là cốt cách, phẩm chất. Giống như khi tôi được chạm tay vào bộ áo dài cổ của Hoàng hậu, được tận tai lắng nghe câu chuyện về nó và được tận mắt nhìn những bức tranh thêu tỉ mỉ, hoàn toàn thủ công từ những nghệ nhân làng nghề. Với tâm huyết của mình, tôi đã quyết định đưa hình ảnh những bông hoa đó vào, thêu trên một tấm lụa voan tuyệt đẹp, gợi nhớ đến dòng áo dài truyền thống, chấm phá và sáng tạo bằng điểm nhấn ở vòng eo.

Rồi như thiết kế “Hoa hồng” được tôi lấy cảm hứng từ những gánh hoa rong được bán trên đường phố - một hình ảnh rất Hà Nội hay những bông hoa trên những chiếc bình gốm sứ, bởi những nhà sưu tập tài ba, những người đã gìn giữ chúng khỏi sự lãng quên của thời gian. Thiết kế “Đêm thành phố” được ra đời vào một đêm khi tôi đứng trên cao từ một tòa nhà chọc trời và ngắm nhìn toàn cảnh Thủ đô Hà Nội lúc ấy. 

Tôi thật sự đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp đất nước, con người, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, lâu đời, cuộc sống bình dị của Việt Nam. Những gì tôi sáng tạo trên áo dài đều giúp tôi kể một câu chuyện về Hà Nội, về Việt Nam ở góc quan sát của tôi. 

Nhà thiết kế Maria Elena là người bắc cây cầu văn hóa qua áo dài 
“Maria Elena là một nhà thiết kế tài năng mà dự án DISA (Di sản) may mắn mời được bà tham gia. Bà luôn có những câu chuyện đằng sau mỗi sự sáng tạo của mình. Sự sáng tạo của bà là không có giới hạn và luôn kết nối với những điều thật cụ thể của đời sống, lấy cảm hứng từ sự “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp” để ra đời những tác phẩm thời trang mang giá trị văn hóa và di sản. Có thể nói, Maria Elena là người dùng thời trang để bắc cây cầu văn hóa và di sản giữa Việt Nam và Italia. Ở đó, bà đã mang tất cả tinh hoa của ngành công nghiệp thời trang châu Âu để làm tà áo dài truyền thống trở nên hiện đại, dễ tiếp cận và xứng đáng với giá trị tiềm ẩn lớn lao của áo dài Việt Nam. 
Với định hướng thiết kế áo dài trong công sở, áo dài trong đời sống và áo dài trong lễ hội, Maria Elena và dự án DISA hướng tới hoàn thiện khát vọng đưa áo dài trở thành sản phẩm thời trang của đời sống hiện đại đầy cảm hứng và sắc màu nghệ thuật”.
Ông Hà Huy Thanh - Chủ tịch tổ chức Golden Heritage, 
đơn vị thực hiện dự án Áo dài DISA 

Trước khi đến Việt Nam tham gia dự án “Áo dài di sản - Văn hóa của tình thương”, bà đã từng biết đến áo dài của Việt Nam chưa? 

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi: Trước đây, tôi mới chỉ mơ hồ biết đến tà áo dài qua những trang sách về lịch sử thời trang thế giới. Cho tới khi có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt tà áo dài, tôi mới thực sự đem lòng yêu mến di sản văn hóa này. Và đến khi được trực tiếp mang trên mình một bộ áo dài, tôi thực sự chỉ muốn hòa mình với giá trị, với dáng vẻ, với từng đường kim mũi chỉ, với từng cái khuy áo và với sự sang trọng vốn có của nó. Người Việt Nam các bạn mặc áo dài với một niềm hân hoan, với sự tự hào và kiêu hãnh, vì đó là một phần không thể thiếu của dân tộc các bạn. Khi bản thân tôi mang trên mình bộ áo dài đầu tiên, tôi cũng đã phần nào trải nghiệm được cảm giác tuyệt vời ấy, tôi cảm thấy mình đang được hòa vào lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, và điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khôn tả.

Sau những thiết kế áo dài đầu tiên đã được trình diễn tại Lễ ra mắt dự án DISA hồi tháng 10/2022, và sự kiện thời trang tại Ý tháng 11/2022, bà có thể tiết lộ về hành trình tiếp theo của dự án được không?

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi: Trong năm 2023, tôi sẽ tiếp tục miệt mài làm việc và tạo nên những bộ áo dài mới, song song với đó là tìm cảm hứng thông qua những câu chuyện lịch sử của Việt Nam. Trong năm tới, tôi sẽ tập trung vào việc nâng tầm áo dài cho thời trang cao cấp với những họa tiết và tranh thêu sang trọng và thanh tao, đồng thời, tôi sẽ cố gắng mang những bộ áo dài may sẵn với chất liệu mềm mại và cơ bản hơn đến với đại chúng. Chúng tôi sẽ ra mắt toàn bộ bộ sưu tập Áo dài DISA này vào tháng 3 ngay tại Thủ đô Roma, khẳng định tầm quan trọng của áo dài Việt Nam trên trường quốc tế.

Trân trọng cảm ớn bà và chờ đón những thiết kế của bà trong năm 2023! 

Áo dài cần được quốc tế hóa và phải ở vị trí xứng đáng
“Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử và di sản văn hóa đáng tự hào, áo dài là một di sản vừa mang giá trị vật thể và phi vật thể, áo dài cũng mang cả giá trị lịch sử của Việt Nam đến khắp bạn bè năm châu trên thế giới và cả nhiều thế hệ mai sau.

Vì vậy, áo dài cần được quốc tế hóa và phải ở một vị trí xứng đáng với giá trị của nó: Ở cấp độ thời trang quốc tế cũng như trong đời sống hàng ngày trên toàn thế giới. Với dự án “Áo dài di sản - Văn hóa của tình thương”, lần đầu tiên áo dài được thiết kế và sản xuất tại Italia với việc sử dụng các vật liệu quý, trang trí thủ công nhằm tối ưu hóa sự truyền thống, chất lượng và công nghệ của Italia. Mục tiêu là mang đến cho áo dài một hơi thở quốc tế mà vẫn luôn tôn trọng bản sắc dân tộc truyền thống địa phương, nhưng đồng thời cũng cố gắng làm cho áo dài trở nên phù hợp và dễ dàng tiếp cận hơn trong việc sử dụng hàng ngày với mọi người”.

Ông Michele D’Ercole  CEO Golden Heritage, đơn vị thực hiện dự án Áo dài DISA

Mang di sản áo dài Việt vươn tầm quốc tế - ảnh 4

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.