Miền Bắc bước vào đợt rét nhất của năm

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngay sau đợt không khí lạnh tràn xuống hôm 20/1, ngày và đêm nay (22/1), thêm một đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh sẽ tăng cường và ảnh hưởng đến thời tiết Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung bộ.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc bộ phổ biến từ 7-10 độ, khu vực vùng núi Bắc bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ, khu vực Bắc Trung bộ từ 9-11 độ.

Cụ thể, ngày 22/1, vùng núi Bắc bộ, nhiệt độ thấp nhất xuống còn 6-9 độ, vùng núi cao dưới 2 độ, các nơi khác ở Bắc bộ xuống còn 9-12 độ, Bắc Trung bộ từ 11-13 độ. Từ đêm 22 đến ngày 23/1, vùng núi Bắc bộ xuống còn 3-6 độ, có nơi dưới 0 độ, các nơi khác ở Bắc bộ từ 7-10 độ.

Miền Bắc bước vào đợt rét nhất của năm - ảnh 1

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có thể kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong đó đỉnh điểm của rét đậm, rét hại sẽ tập trung từ 23-26/1. Đây được nhận định có thể là thời gian rét nhất của mùa đông năm nay. Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 22/1, miền Bắc có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ 23-26/1, miền Bắc tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn, làm gia tăng cảm giác rét buốt trong những ngày này.

Chiều 21/1, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, từ 22/1, khu vực Hà Nội có những ngày rét đậm, rét hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục căn cứ thông tin dự báo thời tiết vào 6h sáng hằng ngày, các trường học trên địa bàn thành phố chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục theo dõi thông tin nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội trong những ngày rét đậm, rét hại được phát tại bản tin dự báo thời tiết trong chương trình "Chào buổi sáng" trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và chương trình "Hà Nội buổi sáng" trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào 6h sáng hằng ngày.

Căn cứ vào thông tin này, hiệu trưởng các nhà trường trên địa bàn thành phố chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10⁰C; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7⁰C.

Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.

Đặc biệt, các nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại. Các trường phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm.

Nhà trường không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét; đồng thời tăng cường kiểm tra và sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn,... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Khuyến sinh” để đảm bảo chất lượng dân số

“Khuyến sinh” để đảm bảo chất lượng dân số

(PNTĐ) - Trước tình trạng mức sinh giảm sâu tại một số vùng kinh tế-xã hội trọng điểm, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp tại các vùng này. Một số địa phương cũng đã đề ra biện pháp khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế.
Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

(PNTĐ) - Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 là “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, trong đó, “khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp được đưa ra để ngành y tế và chính quyền các địa phương cùng chung tay thực hiện.
Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.