Nam tính độc hại

Nhà văn Nguyễn Trương Quý
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sơn, bạn rượu vong niên và chuyên gia truyền thông yêu văn chương chìa điện thoại cho nhà văn Nam xem một bài có vẻ dài trên mạng. “Nó bảo văn của anh nam tính độc hại.” Nam nheo nheo mắt, không mang kính thì chịu chết. “Nam tính độc hại à?” Anh cười khục một cái rồi rít hơi thuốc, khóe miệng miết ra hai bên.

Sơn nói đấy là bài của một nhà nghiên cứu, hình như ở một trường đại học. Có vẻ như người viết là nữ, chỉ trích Nam có xu hướng phân biệt giới, tác phẩm đậm đặc tuyên ngôn mang tính gia trưởng và hạ thấp phụ nữ. Nam thờ ơ nghe, nghĩ cả sáng nay ngồi chưa được việc gì. Từ sau cuốn tiểu thuyết ra mắt năm kia, Nam đang ở trạng thái cùn bút. 

Nam đã in vài cuốn tiểu thuyết, nghe đâu anh sẽ được xét tặng một giải thưởng mang tính cống hiến. Sơn nói tầm này trao giải cho Nam đã là muộn. Anh đã là một tên tuổi được bảo chứng từ lâu từ giới chuyên môn lẫn bạn đọc. 

Sơn vẫn nói các bài phê bình kiểu này thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Đúng là nó không theo kiểu phê bình cơ bản đánh giá cao, chỉ thêm một phần “những điểm hạn chế” ở cuối bài. Kiểu đó thì sẽ rất yên tâm cho nhà văn như Nam. Một vài ý kiến ngược chiều chắc gì tổn hại nổi vị thế văn chương đã được xác lập của anh. “Thôi đi ông tướng, ông bán rượu cho tôi mà nói như tiến sĩ văn học. Mày chơi với tao như thế mà còn nói giọng ấy à”- Nam chửi. Sơn cười xòa, nghĩ không biết Nam đọc xong sẽ phản ứng thật sự ra sao.

Họ ngồi lơ đãng trong quán cà phê. Năm nay rét muộn, vừa mới có gió mùa về đêm qua. Nam càu nhàu: “Tao đang chán viết, lại bị mất ngủ, già mẹ nó rồi”. Vài người quen mặt nhận ra Nam, kéo ghế ngồi xuống, bàn về trận bóng trên tivi đêm qua.  

Một mùi thơm lướt qua cùng gió. Cả đám quay ra nhìn. Ba cô gái trẻ mặc váy ngắn, chân đi guốc cao gót, lách qua lối đi hẹp. Một vị khách trung niên huýt sáo nhạc bài Cô gái vót chông. Một cô gái trẻ cằm nhọn, mũi cao bất thường quay ra nhìn, nét mặt căng mịn không rõ thái độ lườm hay khiêu khích. Ông khách chuyển sang hát: “Ai nhanh tay vót bằng tay em, chim hót không hay bằng tiếng hát em…”. Lần này thì cô gái lườm thật, rồi cô huýt sáo tiếp luôn đoạn giả thanh của bài hát, trong khi mặt tỉnh bơ chăm chú nhìn vào điện thoại. Mấy ông há hốc mồm rồi trầm trồ với nhau, ông vừa hát định ra làm quen nhưng Nam kéo áo ngăn lại. “Vui mà anh”, ông khách cười. Nam lắc đầu, “báu gì”.

Nam tính độc hại - ảnh 1
Minh họa: Họa sĩ Đình Tân 

*         *         *
Buổi tối, con gái Nam bỗng nhiên nhìn anh cười rất tinh quái. Nam chột dạ, không biết có chuyện gì. Vợ anh thắc mắc: “Cười cười thế là lại xin xỏ gì à? Hay ra mắt bạn trai?”. Con gái lườm mẹ: “Mẹ nghĩ không có gì để cười ngoài tin lấy chồng à?”. Vợ Nam nhún vai, giờ thế hệ mới động đến chuyện gia đình là như đỉa phải vôi.

“Mẹ đọc chưa? Bài về bố đấy”. Đứa con gái rúc rích. Vợ Nam vốn quen với việc chồng thỉnh thoảng được lên báo, nên hờ hững cầm cái điện thoại của con. Nam sực nhớ đến bài viết Sơn nói. Anh vẫn chưa đọc. Linh cảm chẳng lành, anh vội ghé mắt vào cạnh vợ nhưng rồi thấy vợ im ắng bất thường, anh ra một góc sofa lấy cái iPad ra tìm kiếm. Bài viết lại chỉ có trên mạng xã hội, anh không dùng nên đâm ra tò mò. Trước tới giờ, Nam nhất định không dùng điện thoại thông minh: “Tao là người tiền sử. Kệ bọn mày với ba thứ lăng nhăng”. Con gái Nam thì bảo: “Văn của bố bạn con bảo nhiều từ cổ, đọc khó”. Nam vẫn dè bỉu Sơn xu thời, bị mạng chi phối: “Mày giống con gái tao, suốt ngày hóng tin giật gân như chó hóng tát ao”. Sơn cãi: “Nhưng bán hàng trên mạng hơi bị tốt anh ạ”.
Đã hơi lâu cho việc đọc một bài viết ba nghìn từ mà chưa thấy vợ Nam phản ứng gì.

Nam bước ra ban công, châm điếu thuốc. Vợ anh không thích khói thuốc.

Đứa con gái tọc mạch hỏi mẹ: “Mẹ thấy có chuẩn không?”. Vợ Nam vẫn im từ nãy, bỗng sửng cồ: “Chuẩn cái con khỉ!”. Mắt ầng ậng nước, cô quay ngoắt đi vào phòng ngủ để lại đứa con gái lúng túng đứng nhìn Nam đang ngần ngừ bước vào phòng khách. Nam đợi một tiếng dập cửa nhưng chỉ có một thoáng cạch nhẹ của khóa trong. Đột nhiên mặt Nam râm rấp nóng, có thể cảm thấy như một sự tê sượng đang lan trên da.

Đêm ấy Nam tiếp tục không ngủ được. Anh trằn trọc trên cái sofa, rồi nghĩ thế nào mở iPad ra xem những bài viết liên quan đến mình trên mạng. Anh bỏ qua bài của những nhà phê bình văn học anh vẫn quen biết, nhiều người đã từng uống rượu với anh, mà bị hút vào những đường liên kết dẫn tới những trang mạng xã hội. Anh tặc lưỡi, nhấp con trỏ vào đăng ký tài khoản, lấy một cái tên có vẻ nữ, Bích Lam. Loay hoay mãi anh cũng mới có được quyền đăng nhập. Anh hối hả đọc.

Nam cứ thế đọc cho đến sáng rồi thiếp đi. Tỉnh dậy, anh bàng hoàng, định thần nhìn xung quanh và nhớ lại những gì đã xảy ra. Nam khẽ khàng đi quanh nhà, khác hẳn với phong thái bình thường. Vợ con anh đã ra khỏi nhà. Nam ngồi thừ một lúc rồi gọi cho Sơn. 

Sơn bảo phải rút củi đáy nồi, nguyên tắc truyền thông là thế: “Mình phải đi trước, nói rõ quan điểm của mình. Không có tin tức nào xấu, chỉ xấu khi không có tin tức”. Nam thở dài: “Nói cái gì bây giờ, truyện thì đã viết rồi, chẳng lẽ lại bảo tôi xin quay xe à. Hay cái gì mà bọn trẻ cứ bảo anh sai rồi anh xin lỗi em đi“. Sơn bật cười: “Anh cũng nắm vững trend quá nhỉ. Để em lo vụ này cho. Cơ hội này hơi bị hay, anh đừng bỏ phí”. 

Đừng lo quá anh ạ. Lúc đầu ai cũng thế, anh cứ xác định đấy như là chỗ quán cà phê anh ngồi tìm cảm hứng viết là được. Phương tiện nào tiện thì mình sử dụng. Anh ngồi viết ra giấy hay gõ bàn phím văn bản cũng thế thôi”.

*         *         *
Cô phóng viên trẻ có khuôn mặt xương xẩu đáng ngại phỏng vấn Nam nhưng cảm tưởng cô đang nhìn đi đâu. Nam cảm thấy mình giống như một thứ sinh vật vớ vẩn đang bị xét hỏi. Tuy còn trẻ nhưng mắt cô trông khá mệt mỏi, không có cái mướt mát của tuổi xuân. Nam cố dùng liệu pháp phân tâm rằng không được để ý đến ngoại hình. Con gái anh vẫn nói như vậy là bodyshaming, thứ “đáng bị ăn đòn nhất bây giờ”, nguyên văn lời nó nói.

Nam thủng thẳng đáp: “Tôi chẳng có gì phải thanh minh thanh nga gì về những thứ đã viết. Có thể giờ là lạc thời, nhưng ai không thích đọc thì thôi”. “Thế anh không ý thức gì về việc thế giới này khác rồi à? Nhà văn như anh lẽ nào lại như con ếch trong hang?”.
Nam bắt đầu nóng mặt. Anh cố trấn tĩnh, đây chỉ là chiêu trò phỏng vấn thôi. “Ừ thì hoàn cảnh nhận thức lúc đó như vậy…” Nam bỏ dở câu nói, nghĩ thật là chán. Anh chán chính mình. Mười năm rồi anh chưa in được cuốn truyện mới nào. 

“Anh nghĩ thế nào về nữ quyền trong văn học?” - cô gái vẫn không tha.

Nam thở dài: “Này em gái, có câu hỏi nào đỡ búa bổ hơn không?”. 

Phóng viên trề môi, nhún vai, làm điệu bộ giơ bàn tay hất sang ngang như một người bất lực. Kiểu động tác Nam hay thấy ở dân Pháp hay Ý.

Nam rảo bộ ra về, đi qua Bờ Hồ để tĩnh tâm lại. Ở ghế cạnh hồ, một cặp chắc chưa đến hai mươi ghì nhau hôn ngấu nghiến. Nam bần thần nghĩ, nhân vật của mình sau năm mươi trang mới hôn nhau có lẽ lạc hậu thật.

Bài báo phỏng vấn Nam được giật một cái tít khá ồn: “Đàn ông sao lại phải viết giống đàn bà?”. Sơn bực dọc, đã dàn xếp thế rồi mà ông anh này làm hỏng hết cả. Trả lời kiểu gì mà để thành miếng mồi cho bọn kền kền. Một người nổi tiếng nhiều ảnh hưởng trên mạng chia sẻ lại bài này và viết hoa: “Liệu có thể trao giải thưởng cho một tác giả có lỗ hổng về kỳ thị giới?”.

Sơn nóng bừng mặt như chính mình bị chỉ trích: “Nam thích viết về chuyện tình ái của một gã đàn ông thế hệ ông ta, cái thời một kẻ chinh phục phụ nữ bằng ám chỉ tình dục được coi là thường trong xã hội… Một loại văn xuôi như thế có đáng được tung hô?”.

Bên dưới bài viết là hàng trăm bình luận, từ giễu cợt đến phẫn nộ, thậm chí có hẳn mục cho ý kiến đồng tình hay không việc trao giải thưởng cho Nam. Chết dở.

Sơn qua gặp Nam, cáu kỉnh: “Thôi được rồi. Để em bắt bọn nó đổi”. Nam cười: “Đổi mà làm gì. Cãi nhau càng vui”.

Sơn cũng không biết là mình thích văn hay con người Nam. Những gã đàn ông trong truyện của Nam rắn câng, táo tợn. Những kẻ luôn giữ một sự nam tính “cổ điển”. Sơn có phần thần tượng Nam vì thế. Nhưng cứ kiểu bất chấp vậy, thời buổi này khó sống. 

Cuộc tấn công văn chương tưởng chỉ được vài ngày, nhưng rồi đã châm ngòi cho một chiến dịch. Cuộc xét giải thưởng văn học đã phải hoãn thêm ba tháng vì dư luận dai dẳng mãi, chẳng những thấy bộ tiểu thuyết của Nam có vấn đề mà hai tác phẩm vào chung khảo khác cũng có “phốt”. Bạn văn bực dọc với Nam vì đã không xin lỗi từ sớm, chỉ tổ làm cho đám đông đã thành kiến giới viết văn giờ thêm cớ dè bỉu giới văn sĩ là chẳng làm gì tốt cho xã hội lại còn cho ra sản phẩm “độc hại”. Vợ con Nam cũng không nói chuyện với anh, bữa cơm nào cũng im lìm. Dần dà Nam bỏ bữa, đi uống một mình ở ngoài quán. Hàng phố cũng đột nhiên quan tâm đến chuyện của anh, xì xào bàn tán.

Nam tính độc hại - ảnh 2
Minh họa: Họa sĩ Đình Tân 

*         *         *

Con gái rút cục nói chuyện trở lại với Nam nhân một hôm bắt gặp anh đi ra ngoài chập tối. “Bố ở nhà ăn cơm đi. Bố cứ đi suốt, người ta nghĩ là mẹ con con đuổi ra khỏi nhà đấy”. Vợ Nam không nói gì, chỉ lặng lẽ đi lấy đủ bát đũa cho cả nhà. 

Nam nhờ Sơn đổi tên tài khoản trên mạng xã hội thành tên thật và đăng một bài “xin lỗi về những lầm lạc của người viết”. Thật bất ngờ, bài viết của Nam được rất nhiều lượt thích, thậm chí thả “tim” và chia sẻ suốt những ngày sau đó. Nhiều người viết bình luận đầy cảm kích về sự “sám hối” của một tác giả tên tuổi. Dường như những tháng xáo trộn đã qua như một vận hạn tầm thường lúc ngoảnh nhìn lại.

Nam thử viết những mẩu vui vui ghi lại những quan sát đời sống trên trang của mình. Dần dà anh có rất đông người kết bạn và người theo dõi qua mạng. Nhiều tờ báo đặt anh viết tản mạn: “Bác cứ viết cho em kiểu những bài nhẹ nhàng như thế, độc giả thích, lại dễ đăng”. Tất nhiên là anh có thu nhập khá đều, ít nhất thì tuần nào cũng có thể đãi bạn một bữa nho nhỏ.

Sơn cười: “Anh thấy em bảo đúng không nào? Cuộc sống ảo mà biết chơi cũng đâu có tệ. Miễn là mình hiểu luật của nó”.

Nam chỉ hơi khó chịu vì thấy mình có tâm lý muốn vào mạng thường xuyên. Sơn trấn an: “Đừng lo quá anh ạ. Lúc đầu ai cũng thế, anh cứ xác định đấy như là chỗ quán cà phê anh ngồi tìm cảm hứng viết là được. Phương tiện nào tiện thì mình sử dụng. Anh ngồi viết ra giấy hay gõ bàn phím văn bản cũng thế thôi”.

Một ngày xuân đẹp trời, Nam quyết định quay lại viết bằng việc khởi sự một truyện ngắn mới. Ừ, sao anh không viết về chính sự thay đổi của mình nhỉ. Nam không thể ngờ rằng khi bắt tay vào viết anh cảm giác mình giống như người vừa giác ngộ một điều gì đó. Anh vẩn vơ nghĩ, cố tìm lại sự băn khoăn, thôi thúc từng có trước đây. Anh thử cóp những mẩu đã viết trên mạng vào trang soạn thảo văn bản, hy vọng cấu tứ được gì đó.
Anh nhìn chăm chăm vào chúng rồi thở dài.

Hiện lên trên màn hình chỉ còn là những dòng nhợt nhạt. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.