Nâng cao quyền của phụ nữ

Chia sẻ

Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống là cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước. Vì thế Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề phát triển phụ nữ, và có các giải pháp thúc đẩy quyền của phụ nữ thực thi ngày càng đầy đủ hơn.

Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống là cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước. Vì thế trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề phát triển phụ nữ, và có các giải pháp thúc đẩy quyền của phụ nữ được thực thi ngày càng đầy đủ hơn. Đây chính là xu hướng phát triển chung của nhân loại, là tương lai của đất nước, và cũng là thước đo của xã hội văn minh.

Nữ đại biểu Quốc hội - minh chứng cho tiến trình bình đẳng giới ở Việt Nam.Nữ đại biểu Quốc hội - minh chứng cho tiến trình bình đẳng giới ở Việt Nam. (Ảnh: P.V)

Tiêu chí để đảm bảo và nâng cao quyền của phụ nữ chính là bình đẳng giới, không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, gia đình. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta cam kết trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Công ước về quyền chính trị của phụ nữ, Công ước Liên Hợp Quốc CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới... Đặc biệt gần đây nhất, Việt Nam đã ký kết tham gia Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 5 dành riêng để nói về bình đẳng giới "đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái". Hiến pháp năm 2013 cũng nhấn mạnh: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”(Điều 26).

Tuy nhiên trong thực tế, quyền của phụ nữ vẫn còn bị hạn chế bởi những rào cản đối với vai trò và vị thế của họ trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Rào cản thứ nhất xuất pháp từ khung văn hóa. Tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào nếp nghĩ, tâm lý và hành động, quan niệm xã hội của đại đa số người Việt, trong đó có phụ nữ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn gây trở ngại lớn cho việc phát triển phụ nữ trên nhiều phương diện. Thuyết tam tòng tứ đức đã cột chặt người phụ nữ với gia đình, với người chồng, với nam giới. Một bộ phận nam giới có tư tưởng không phục tùng phụ nữ, không muốn làm việc dưới sự lãnh đạo của cán bộ nữ. Tư tưởng Nho giáo cũng khiến cho một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên, giải phóng mình khỏi sự bất bình đẳng.

Phụ nữ trí thức tham chính - một thành tựu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội cũng đồng nghĩa với việc họ phải gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn, phải chia sẻ quỹ thời gian làm nhiều phần hơn. Xã hội và gia đình đều đỏi hỏi và đặt yêu cầu cao đối với phụ nữ khiến họ phải đối diện với thách thức, áp lực của dư luận về "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Đây cũng là nguyên nhân khiến cho phụ nữ trở thành nạn nhân bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức.

Rào cản thứ hai là những hạn chế của luật pháp, chính sách. Hiện nay, các quy định khác biệt về độ tuổi giữa nam và nữ về đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm với sự chênh lệch là 5 năm đã hạn chế cơ hội đối với sự phát triển của cán bộ nữ. Do có sự phân biệt về độ tuổi nghỉ hưu nên dẫn đến một sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ. Nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ, gánh nặng công việc gia đình, những định kiến về năng lực quản lý của phụ nữ gây cản trở đối với họ khi tham gia vào lĩnh vực chính trị. Sự bất bình đẳng trong vấn đề tham chính của phụ nữ khiến phụ nữ khi bước chân ra xã hội khó thăng tiến như: Cơ quan có thẩm quyền thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sắp xếp cán bộ nữ... Ngoài ra, các chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ, hay chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ đi học có con nhỏ... chưa được xây dựng, thực hiện đồng bộ dẫn tới thiếu hành lang pháp lý, thiếu chính sách khuyến khích, ủng hộ phụ nữ sau đại học và tham gia vào các hoạt động chính trị. Những rào cản này khiến cho phụ nữ không thể nâng cao quyền của mình.

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chính là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội. Vì thế, để nâng cao quyền của phụ nữ, giải pháp đưa ra là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật vì mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới. Các chính sách pháp luật này phải được tiến hành đồng bộ theo 3 hướng chủ yếu: Cụ thể hóa các quy định của Luật Bình đẳng giới; Sửa đổi các quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành cho phù hợp với quy định Luật Bình đẳng giới: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội về giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thấy rằng vị trí thấp kém của phụ nữ so với nam giới không phải là "điều kiện tự nhiên" mà là kết quả của sự phân biệt đối xử với phụ nữ theo một hệ thống. Gia đình và xã hội phải nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của phụ nữ trong tiến trình phát triển của xã hội, tôn trọng phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ vừa thực hiện quyền của mình, vừa đóng góp công sức xây dựng đất nước.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

5 điểm tập kết, trông giữ phương tiện phục vụ thăm, viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lân cận

5 điểm tập kết, trông giữ phương tiện phục vụ thăm, viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lân cận

(PNTĐ) - Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa ùn tắc, phục vụ nhân dân và du khách đến thăm, viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lân cận, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan thống nhất tổ chức 5 địa điểm tập kết, trông giữ phương tiện.