Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam
(PNTĐ) - Hòa bình đẹp không? Hòa bình đẹp lắm, đẹp như ánh ban mai sau đêm dài giông bão. Hãy đến với Việt Nam, quê hương tôi, để lặng im ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, những phố phường yên bình, để hiểu rằng mỗi phút giây yên ả hôm nay đều được đánh đổi bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm.
Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam
Mùa xuân Đại thắng - rực cờ hoa
Thống nhất Bắc Nam hiệp một nhà
Tranh đấu trường kỳ đà kết thúc
Hòa Bình hàn gắn buổi can qua
Gia đình phân tán nay sum họp
Đất nước nối liền hết cách xa
Đoàn kết chung lòng cùng đổi mới
Việt Nam muôn thuở vững Sơn Hà.
( Mùa Xuân Đại Thắng - Ngọc Ẩn Nhi Huyền)
Hòa bình đẹp không? Hòa bình đẹp lắm, đẹp như ánh ban mai sau đêm dài giông bão. Hãy đến với Việt Nam, quê hương tôi, để lặng im ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, những phố phường yên bình, để hiểu rằng mỗi phút giây yên ả hôm nay đều được đánh đổi bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm. Và tôi đã có cơ hội lắng nghe câu chuyện về những tháng ngày gian khổ ấy qua cuộc gặp gỡ đầy xúc động với bác Phạm Tuân - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người phi công từng viết nên huyền thoại giữa bầu trời khói lửa.
Có lẽ chưa bao giờ tôi cảm nhận những câu thơ ấy sâu sắc như sau lần tôi được trung tướng Phạm Tuân - người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô. Trước đó, trong những giờ học văn, tôi đã từng được giảng, tìm hiểu về bác qua tranh ảnh, ngày hôm nay có cơ hội gặp bác, trong lòng tôi dấy lên một cảm xúc khó tả… Là nhân chứng lịch sử cho chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, non sông thu về một mối, bác Phạm Tuân - trong cuộc gặp gỡ đầy xúc động ấy đã khiến tôi như được sống lại những giây phút lịch sử hào hùng, tràn đầy khí phách Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Trung tâm hữu nghị Việt – Nga, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Ngoại Giao Việt Nam - Liên Bang Nga. Tôi được đi cùng đoàn sinh viên Học viện Ngoại giao, hỗ trợ chương trình giao lưu thân tình với Trung tướng bác Phạm Tuân. Ngay khi bác bước vào, tôi nhận ra ngay: không phải hào quang hay những huân chương trên ngực áo làm nên sự ngưỡng mộ trong lòng tôi, mà chính là ánh mắt hiền từ, nét mặt chất phác và phong thái khiêm nhường. Trong bác vẫn còn in lại dấu ấn của một thời đạn lửa.

Bác nói chuyện với chúng tôi như thể đang kể chuyện cho những người cháu nghe. Bằng giọng trầm ấm và chậm rãi, bác kể về những ngày tháng tuổi trẻ trong chiến tranh. Bác kể cuộc đời bác thật là vinh dự khi được làm một người lính, một người phi công. Khoảng thời gian bác du học bên Liên Xô bác được giao một nhiệm vụ rất khó mà chưa một phi công mới tốt nghiệp nào có thể làm: Đi bay đêm. Ngày hôm ấy trời rất tối, bay trên cao khiến rada bị nhiễu, bác kể rằng: “Tiếng nhiễu phát ra từ màn hình điều khiển, ngoài trời thì tối mù mịt. Tôi phải đối mặt với nỗi sợ, nhưng nhớ rằng mình là một người lính”. Trả lời cho câu hỏi về những năm tháng du học Liên Xô của bác, bác nói rằng: “Khi học bên đó, họ coi tôi như sĩ quan nước họ, không lấy của Việt Nam một đồng nào. Họ còn nói: “ riêng Việt Nam là phải được ưu tiên”. Bác cũng kể về những năm tháng học tập, bác nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của người Liên Xô:
- Họ với tôi lúc nào cũng gọi là con, là cháu, yêu thương tôi hết mực ấy! Ngày quay về Việt Nam (để chuẩn bị tham gia chiến tranh), các bà bếp của trường ra cầm tay tôi nói: “thôi con ở lại, đừng có đi, nguy hiểm lắm”. Thầy tôi còn đùa bảo: “Khi bay nhớ quay đầu 360 độ, kẻo bị bắn từ phía sau, chết đấy. Tôi đối với người Liên Xô rất sâu nặng, giờ ngẫm nghĩ lại thấy họ tốt với tôi quá thì phải”.

Trước khi bay vào trụ, bác gặp: Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch hội đồng nhà nước Trường Chinh, thủ tướng Phạm Văn Đồng, và đại tướng Võ Nguyên Giáp .. Các bác dặn bác Tuân rằng: “ Con là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã để lại dấu ấn trên thế giới : Chống Pháp rồi chống Mỹ. Vậy nên các cháu nhớ phải gắng, để cố làm rạng danh đất nước, con người Việt Nam”. Mang theo lời dặn dò và sứ mệnh cao cả bác bay vào vũ trụ. Bác nói rằng: “ khi vừa nhìn thấy vũ trụ, trong tôi nhớ về lời tuyên ngôn của Bác, về dân tộc mình và về hoà bình của đất nước. Lúc ấy tôi cảm thấy tự hào về tấm quốc huy trên ngực áo mình. Trong tay cũng là lá cờ Việt Nam - biểu tượng của lịch sử. Hơn bao giờ mình cảm thấy vinh dự vì là người Việt Nam”.
Khi quay trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, những "pháo đài bay" B-52 của Mỹ nối đuôi nhau gầm rú, gieo rắc bom đạn xuống mảnh đất ngàn năm văn hiến. Giữa Bầu trời đêm ấy, vẫn có một ý chí kiêu hãnh rực sáng - đó là chiếc MIG-21 do bác Phạm Tuân điều khiển. Trong màn đêm khói lửa, với lòng dũng cảm và ý chí thép, bác đã điều khiển con chim sắt lao thẳng vào đội hình kẻ thù. Chỉ với vài phút ngắn ngủi, nhưng cũng là khoảnh khắc nghìn cân treo sợi tóc, bác đã ấn nút... quả tên lửa xé toạc không trung. Một tiếng nổ chấn động. Ngọn lửa bùng lên - chiếc B-52 khổng lồ bị bắn hạ. Bác kể ngay lúc ấy bác nhận nhiệm vụ: Phải bắn hạ B-52, khi thực hiện nhiệm vụ bác nhớ tới lời của vị chủ tịch kính yêu Hồ Chí Minh: “ Mỹ sẽ thua trên bầu trời Hà Nội, dẫu có B-52, thì vẫn thua”, hay khẩu hiệu: “ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Dù là một nhiệm vụ khó khăn gian lao, nhưng lòng quyết tâm đã giúp bác vượt qua khỏi nỗi sợ hãi. Ngay sau khi bắn hạ B-52 chiếc én bạc Mig-21 lập tức vòng về, bác được khen ngợi, tuyên dương khi đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu…

Nhờ những con người như bác, những năm tháng máu lửa đã khép lại để đất nước nối liền một dải. Non sông thống nhất, một giấc mơ ngàn đời của dân tộc đã trở thành hiện thực. Và ngày 30/4/1975, thời khắc thiêng liêng ấy, như một bản hùng ca bất diệt, đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người Việt Nam. Ngày mà những giọt nước mắt lăn dài không còn vì đau thương, mà vì vỡ òa hạnh phúc. Ngày mà non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà.
Cùng với ngày Quốc tế Lao động 1/5 - biểu tượng của khát vọng hòa bình, tự do và công bằng - hai ngày lễ trọng đại ấy nhắc nhở chúng ta về giá trị thiêng liêng của cuộc sống hôm nay, về sự đánh đổi máu xương của biết bao thế hệ. Và hôm nay, giữa mùa xuân của hòa bình, khi đất nước đã tròn 50 năm thống nhất, tôi gặp bác Phạm Tuân - vẫn là dáng hình giản dị mà vững vàng ấy, vẫn là ánh mắt sáng ngời chất chứa biết bao dấu vết của lịch sử. Trong câu chuyện bác kể, tôi như nhìn thấy cả một thời đại hào hùng, như nghe lại bản hùng ca dựng nước và giữ nước ngân vang trong lòng dân tộc.

Hình ảnh bác Phạm Tuân - người anh hùng từng viết nên kỳ tích trên bầu trời, người chứng kiến giây phút đất nước thu về một mối - giờ đây trở thành nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nguồn cảm hứng bất tận để thế hệ trẻ tiếp tục câu chuyện hòa bình, tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, tiếp tục dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Bước qua dấu son 30/4 lịch sử, hướng tới kỷ nguyên 50 năm thống nhất non sông, thế hệ trẻ hôm nay mang trong tim sức mạnh của lịch sử, niềm tự hào dân tộc và khát vọng đổi mới, khát vọng đưa đất nước Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, sánh vai cùng năm châu bốn bể. Những ngày này, tôi đang miệt mài ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10 - ước mơ được học tại ngôi trường tôi hằng mơ ước, THPT Việt Đức. Có lúc tôi áp lực, có lúc tôi nản chí, thấy bản thân nhỏ bé và mỏi mệt giữa hàng chồng đề văn, đề toán, giữa những buổi học thêm về khuya, sáng dậy thật sớm. Nhưng sau buổi gặp gỡ ấy, tôi thấy mình như được truyền thêm một nguồn năng lượng khác – không còn là sự gồng mình, mà là lòng biết ơn. Bác Phạm Tuân không dạy tôi cách làm bài, không khuyên tôi học ngày học đêm, nhưng bác khiến tôi hiểu rằng: việc tôi đang làm hôm nay, chính là một phần của hành trình gìn giữ Đất Nước - bằng chính cách sống có trách nhiệm, nỗ lực và biết ơn.