“Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”
PNTĐ-Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ và quyền bình đẳng của phụ nữ là nội dung quan trọng khi làm cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhà cách mạng đi đầu, giương cao ngọn cờ chống áp bức và nô dịch phụ nữ trong thế kỷ XX.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc, giải phóng con người cũng gắn liền với giải phóng phụ nữ. “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức bóc lột nặng nề hơn”. Chỉ có đấu tranh giải phóng dân tộc đi tới giải phóng xã hội, giải phóng con người và gắn chặt chẽ cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ với sự nghiệp giải phóng dân tộc thì người phụ nữ mới có tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Trong tư tưởng của Người, thì: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Và muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, “Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”...
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ và quyền bình đẳng giữa nam và nữ là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Cả về hai mặt pháp lý và đạo đức, quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người. Trong tư tưởng của Người: sự bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu, mà chủ yếu là do chế độ kinh tế - xã hội.
Vì vậy, “thực hiện nam nữ bình quyền” không chỉ là những lời hô hào chung chung, mà phải được thực hiện ở những lĩnh vực cụ thể, cơ bản nhất đối với phụ nữ trong hoạt động sản xuất, xã hội và trong hôn nhân gia đình.
Trong công tác phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi ở cả hai phía: Tổ chức Đảng, Chính quyền và bản thân người phụ nữ. Trong quan niệm của Người, kính trọng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ là bản chất của chế độ ta, trong đó, vị trí xã hội của phụ nữ được Người đặc biệt quan tâm. Người phê phán một bộ phận nhân dân chưa hiểu đúng sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Giải phóng phụ nữ, theo Người không chỉ là “hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát”, “mà phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội, để phụ nữ tham gia vào các công việc, ngành nghề như nam giới”. Cũng từ hệ thống pháp luật của Nhà nước cách mạng mà đấu tranh với những ảnh hưởng còn lại từ thời phong kiến, đồng thời lại phải chống tư tưởng tự ti, ỷ lại của chị em phụ nữ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cũng như nam giới, phụ nữ có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những công việc lớn của đất nước, của cách mạng. Người luôn quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong các tổ chức của hệ thống chính trị, mong muốn ngày càng có nhiều chị em tham gia các công tác xã hội, trong các cấp uỷ Đảng, cũng như trong các tổ chức quần chúng. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đây cũng là một thiếu sót của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo, quản lý là do: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”.
![]() |
Để thực hiện bình quyền, bình đẳng nam nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”.
Người nhắc nhở chị em “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập” và các cấp uỷ Đảng và Chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”.
Trong suốt những chặng đường cách mạng, phụ nữ Việt Nam nhiều lần được Bác Hồ khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực xây dựng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trước khi đi xa, Người còn dành một phần trong bản Di chúc thiêng liêng để nói về quyền bình đẳng của phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
* *
Thành tựu đổi mới của đất nước đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho phụ nữ Việt Nam thêm cơ hội thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Cũng nhờ những cố gắng tự thân, nỗ lực bền bỉ, vượt lên những khó khăn, thách thức và cả những định kiến giới mà vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định. Phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn hơn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của đại bộ phận chị em được cải thiện. Kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian qua đã được quốc tế đánh giá như một điểm sáng.
T.S Ngô Vương Anh