Người lao động nhận thưởng Tết Âm lịch 2025 bình quân 7,72 triệu đồng
(PNTĐ)- Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ổn định tình hình quan hệ lao động và tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ).
Về tình hình lương và thưởng Tết, thông tin của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiền lương năm 2024 của NLĐ ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023, cụ thể: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng; Doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.
Tiền thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 với mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% mức thưởng dịp so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
Tình hình quan hệ lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong năm 2024, cả nước xảy ra 76 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 18 cuộc so với cùng kỳ năm 2023. Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 44/76 cuộc, chiếm 57,89% tổng số cuộc; tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế với 44/76 cuộc, chiếm 57,89% tổng số cuộc.
Trước Tết Nguyên đán 2025 (số liệu tính tháng 12/2024 và tháng 01/2025), cả nước xảy ra 7 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 5 tỉnh, thành phố, giảm 8 cuộc so với dịp trước Tết Nguyên đán năm 2024, xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI. Các cuộc ngừng việc tập thể giảm cả về tính chất và quy mô.
Nguyên nhân chủ yếu đẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc dịp trước Tết là do người lao động không đồng tình với mức thưởng Tết của doanh nghiệp, không đồng tình việc thay đổi cách tính lương, thưởng…
Ngay khi xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn cấp huyện, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Ban quản lý khu công nghiệp, các cơ quan chức năng cấp huyện trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết.
Nhìn chung, qua quá trình đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động, tập thể người lao động với sự hỗ trợ, hướng dẫn, chứng kiến của các cơ quan chức năng, hầu hết các yêu cầu của người lao động đã được người sử dụng lao động giải quyết toàn bộ hoặc một phần, sau đó tập thể người lao động đã trở lại làm việc bình thường.