Người mang ước mơ quảng bá lụa Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hương, giám đốc Cty TNHH TM và SX Đông Hương, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

 
Với mong muốn ngày càng có nhiều người biết và sử dụng lụa Việt Nam, chị đã tìm tòi, đưa lụa vào sản xuất nhiều sản phẩm thời trang, phụ kiện làm đẹp, đồ lưu niệm, trang trí… Ngày 14/10 tới, chị là 1 trong 10 phụ nữ có ý tưởng sáng tạo được biểu dương trong Ngày hội Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức.
 
Người mang ước mơ quảng bá lụa Việt - ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Thu Hương đưa lụa Việt đi quảng bá tại nhiều sự kiện lớn

 
Chị Hương không sinh ra ở làng lụa Vạn Phúc nhưng rất quen với dệt vải, may vá. Chị từng sang Nga học dệt, sau khi về nước lại làm công nhân may. Vì thế, khi kết hôn với anh Trần Quang Đông, thợ dệt lụa của làng Vạn Phúc, chị có điều kiện cùng chồng phát triển nghề truyền thống của gia đình. “Chồng tôi dệt lụa làm nguyên liệu để tôi may gia công sản phẩm thời trang cho các công ty xuất khẩu” - chị Hương nhớ lại.
 
Gần 10 năm làm thuê, lần thứ hai, chị Hương táo bạo rủ chồng thuê cửa hàng, tự bày bán các sản phẩm do mình sản xuất. Từ thời điểm đó, chị đã hình dung muốn tạo dấu ấn với khách hàng, sản phẩm từ lụa phải mang phong cách riêng. Dù không được học về mỹ thuật, thời trang, nhưng chỉ cần nhìn những sấp lụa đủ màu sắc, hoa văn là chị Hương lại đầy ắp các ý tưởng thiết kế.
 
Cùng một tấm lụa, chị có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như váy, áo, túi xách, ví, vòng cổ, khăn… Riêng sản phẩm áo cũng có rất nhiều mẫu mã như áo sơ mi truyền thống, áo xẻ vạt, cổ tròn, vuông… Túi xách, qua mắt nhìn của chị cũng đa dạng hình thù, nhiều kiểu trang trí như đính cườm, hoa lụa….
 
Qua các sản phẩm, chị góp phần tạo nên gu thời trang cho khách hàng. Chị là một trong những người đầu tiên đưa ra thị trường kiểu áo dài cách tân, phần trên là áo dài nhưng ở dưới là váy. Sau đó, mẫu áo này từng rất thịnh hành, được nhiều chị em đón nhận. Cửa hàng của chị cũng sớm bày bán mẫu áo ngắn mặc với quần cạp cao trong khi mọi người vẫn quen áo phải dài tới hông. Những chiếc đầm dạ hội bằng lụa do chị thiết kế với hai tà dài, xẻ hai bên, ở trong may ôm cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích. 
 
Chị Hương cho biết, lụa là nguyên liệu rất “kén” thợ. Chỉ có ai yêu lụa, biết đặc tính của lụa và có tay nghề tốt mới có thể làm ra các sản phẩm đẹp. Không giống các loại vải khác có thể sản xuất công nghiệp, đa phần sản phẩm do cơ sở lụa Đông Hương sản xuất ra vẫn được làm kiểu thủ công. Vì thế, thời gian hoàn thành sản phẩm lụa cũng lâu hơn. Chẳng hạn, để hoàn thành một chiếc khăn dài, người thợ có thể mất 5 tiếng vê mép khăn, trong khi nếu may bằng máy chỉ cần 15-20 phút. Một chiếc cà vạt từ cắt, ép mếch, khâu tay cũng mất 3 tiếng mới hoàn thành.
 
Chiếc chăn trần lụa cần tới 5 công thợ ghim lược, khâu tay… vì không thể trần trên máy. Một người thợ mỗi ngày cũng chỉ làm được 3 chiếc váy có trang trí vì phải bỏ công đính tay hàng trăm miếng vải nhỏ… Song, chính sự tỉ mỉ, kỳ công ấy đã giúp chị Hương nâng được giá trị của sản phẩm lụa lên nhiều lần. Nhiều mặt hàng khách truyền tai nhau, chỉ đến cửa hàng của gia đình chị mới có. 
 
Không dừng lại ở đó, chị Hương còn tiếp tục sáng tạo hình thức vẽ trên lụa cao cấp. Thực ra, trên thị trường hiện vẫn đang bày bán nhiều sản phẩm từ vải được vẽ màu trang trí. Tuy nhiên, cách vẽ này có nhược điểm là khiến mặt vải bị cứng, phần màu rễ bị rạn sau một thời gian sử dụng. Sau nhiều lần thử thất bại, số vải lụa phải bỏ đi không ít, chị Hương đã tìm ra bí quyết vẽ trên lụa riêng. Màu vẽ thấm vào từng sợi vải tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh tế theo đúng ý đồ của họa sĩ mà sản phẩm vẫn mềm mại như nguyên bản.
 
Chị Hương cho biết, để có thể vẽ được trên lụa, người thợ phải biết tính toán độ ấn của bút, dùng mực chặn để kiểm màu không bị loang. Từ một tấm lụa trắng, để tạo nên hoa văn người thợ sẽ dùng phương pháp thủy ấn, vảy màu trên nước sau đó mới nhẹ nhàng đặt lụa lên. Không chấp nhận vẽ, chép lại tranh có sẵn, chị Hương tự thiết kế, cùng với thợ đưa vào lụa những bức vẽ riêng như phong cảnh đồng quê, Tháp Rùa, chùa Một Cột, hoa sen, cúc…
 
Vì thế, sản phẩm lụa vẽ tay của chị Hương chỉ độc bản, không bức nào giống bức nào. Sự độc đáo, điêu luyện trong từng tác phẩm lụa vẽ tay đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước, đến với với nhiều tỉnh, thành, quốc gia ở châu Á, châu Âu… Nhiều hội nghị lớn mời chị đưa sản phẩm lụa Việt tới trưng bày, giới thiệu với quan khách.   
 
Chị Hương tâm sự: Tôi rất muốn mọi người biết và sử dụng nhiều hơn lụa Việt Nam. Vì thế, sản phẩm do chị sản xuất ra vừa mang tính nghệ thuật cao, nhưng luôn có tính ứng dụng. Mọi người có thể thoải mái mặc áo lụa, quàng khăn lụa, đeo cà vạt lụa, đội mũ lụa, đeo vòng lụa… hàng ngày. Bằng cách đó, lụa Việt sẽ trở nên gần gũi với mọi người.
 
 
Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 89 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, ngày 14/10 tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tổ chức ngày hội Phụ  nữ Thủ đô sáng tạo khởi nghiệp nhằm khẳng định những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ, thế hệ cán bộ Hội các cấp; tôn vinh tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Thủ đô. 
 
 Một số hoạt động trong ngày hội gồm: Triển lãm, trao giải Cuộc thi ảnh “Nét đẹp phụ nữ Thủ đô”; Trao giải Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức; Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có ý tưởng, sản phẩm sáng tạo năm 2019;  Trưng bày giới thiệu sản phẩm của phụ nữ Thủ đô và sản phẩm làng nghề truyền thống; Phiên tuyển dụng việc làm trực tiếp...
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” trở về cội nguồn đoàn tụ.
Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Triệu trái tim hướng về Điện Biên

Triệu trái tim hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, Điện Biên tuy xa mà gần gũi, có sức sự lan toả trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.