Nhà tái định cư: Đầu tư tiền tỉ, xuống cấp vẫn hoàn xuống cấp!
PNTĐ-Trước Tết Nguyên đán, TP Hà Nội đã chi hàng chục tỷ đồng để cải tạo nhiều khu tái định cư, thế nhưng chất lượng sống của cư dân khu tái định cư vẫn không được cải thiện.
Hơn một tháng nay, một chiếc thang máy ở tòa nhà N2A, khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính đã bỏ không, đắp chiếu. Bảng cảnh báo thang máy có sự cố dán ở cửa thang. Các phương tiện xe máy, xe đạp của người dân gửi ở tầng 1 lấp kín lối vào thang máy khiến ai cũng ngao ngán, mệt mỏi, nhất là những hộ dân sinh sống từ tầng 7 trở lên.
Ông Lê Quý Hồng là tổ trưởng tổ 39, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cũng mất ăn mất ngủ. Đã 3 lần chạy đôn chạy đáo đến Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (đơn vị quản lý tòa nhà) để yêu cầu đơn vị này khẩn trương sửa chữa thang máy đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, nhưng mọi nỗ lực của ông Hồng đều… rơi vào im lặng. Chờ mãi không được, cực chẳng đã, hôm chủ nhật vừa rồi, ông Hồng chủ động nhờ người quen đến bảo dưỡng thang máy miễn phí. Giờ thang máy đã tạm thời được hoạt động trở lại, nhưng đang nằm trong thời gian phải theo dõi sát sao vì thang mới chỉ được bảo dưỡng chứ chưa được sửa chữa triệt để “căn bệnh”.
![]() |
Thang máy tòa nhà N2A khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính bị hỏng cả tháng trời |
Thang máy hỏng hóc đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” không chỉ ở tòa nhà N2A, mà cả N2E, N2F, N3A, N3B khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính... Hầu hết các khu này đều là những tòa nhà cao 15-17 tầng nên nhiều người phải di cư đến nhà họ hàng sinh hoạt nhờ vì không thể leo bộ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện tổ dân phòng nhà N2A cho biết: “Không chỉ bức xúc chuyện thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà cũng rất tạm bợ. Trước Tết, phía ban quản lý thu toàn bộ bình gas chữa cháy để mang về… bảo dưỡng và hứa sẽ hoàn trả trước Tết nhưng mãi sau Tết mới trả về. Dịp Tết Nguyên đán 2015 vừa rồi, nhiều khu nhà bặt không một bình chữa cháy, cư dân nơm nớp sống trong sợ hãi. Để phòng thân, tổ trưởng tổ 39 phải bỏ tiền túi mua tạm 2 bình chữa cháy đặt dưới tầng 1. Đúng trưa 29 Tết, hố chứa rác của nhà N2A bén lửa từ tàn thuốc lá, than tổ ong… khói nghi ngút bốc lên tận tầng 9. Cả khu náo loạn lấy 2 bình chữa cháy duy nhất để dập lửa. May mà người dân phát hiện và xử lý đám cháy kịp thời…”.
Theo ông Lê Quý Hồng, chiểu đúng Luật Nhà ở thì nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng những hỏng hóc ở các tòa nhà là lấy từ quỹ bảo trì 2%. Nhưng trên thực tế khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính vẫn chưa có quỹ bảo trì 2%, cũng chưa có ban quản trị nên mọi hỏng hóc đều do người dân tự phát hiện, tự sửa chữa”. Thực tế, việc quản lý nhà chung cư hầu như tự phát. Những nơi không có ban quản trị, tổ trưởng tòa nhà nhiều khi… bất lực.
Chính sự yếu kém trong quản lý chung cư khiến hạ tầng cơ sở ở nhiều khu tái định cư xuống cấp trầm trọng như khu tái định cư Dịch Vọng (Cầu Giấy), Đền Lừ (Hoàng Mai), Đồng Tàu (Hoàng Mai), Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì)… Bà Trần Thanh, người dân tòa A1, khu tái định cư Đền Lừ đã phải sơ tán từ trước Tết Nguyên đán, đến nay vẫn chưa dám về nhà vì lo ngại tình trạng sụt lún, nứt tường dài cả chục cm.
GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi truờng cho rằng, các cơ quan quản lý luôn hô cao khẩu hiệu nhà tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ của người dân nhưng chưa có khu tái định cư nào đáp ứng được yêu cầu bằng nơi ở cũ. Chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy chất lượng xây dựng chung cư tái định cư bấy lâu nay làm theo kiểu… cho qua chuyện. Để lấy lại quyền lợi cho người dân, cần phải có những điều khoản luật rõ ràng và chặt chẽ, nhất là yêu cầu bắt buộc các khu nhà phải có ban quản trị (BQT).
Ngọc Lê