Những cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số

Bà và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cộng tác viên dân số là lực lượng có vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số, đồng thời, là nhân tố quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Đến khu tập thể Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, không ai là không biết đến bà Nguyễn Thị Kim Liên, cộng tác viên dân số phường Kim Liên. Bà Liên không chỉ là người nhiệt tình, tận tâm mà còn là người cống hiến không mệt mỏi về công tác dân số cũng như các hoạt động an sinh xã hội khác.

Tỏ dân phố số 13 có 225 hộ dân, trong đó, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 30%, phần lớn là các cán bộ hưu trí sinh sống trong các căn hộ tập thể cũ. Bà Liên vừa là cộng tác viên dân số, vừa là bí thư chi bộ của Tổ dân phố số 13, nên trong các cuộc họp của tổ dân phố, bà thường lồng ghép các kiến thức về dân số, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, tầm soát trước sinh - sơ sinh… vào các buổi họp.

Bà Liên còn chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng truyền thông dân số, tự tìm kiếm các kiến thức về dân số trên sách báo, các phương tiện truyền thông, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn chuyên môn để có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động các đối tượng vững vàng. Vào chiến dịch truyền thông dân số, bà xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề theo nhóm về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, khám sức khoẻ tiền hôn nhân, tầm soát trước sinh và sơ sinh…

Những cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số  - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, cộng tác viên dân số phường Kim Liên.

Theo bà Liên, ở tổ dân phố, người cao tuổi có tỷ lệ khá cao nên bà tập trung đẩy mạnh việc tư vấn khám, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, tuyên truyền cho người thân biết cách chăm sóc người già. Bà thường xuyên hỏi thăm, thậm chí xắn tay hỗ trợ chăm sóc những cụ già cao tuổi trong tổ dân phố. Khi có các chiến dịch khám, sàng lọc sức khoẻ và bệnh cho người cao tuổi ở địa phương, bà lại sốt sắng, dậy sớm ra điểm khám để xếp hàng, lấy số, sau đó, dắt đỡ những cụ cao tuổi đi lại khó khăn mà không có người thân hỗ trợ đến khám. Như cụ Phùng Thị Bảy, sinh năm 1948, bị nhiều bệnh, hễ có đợt khám, bà đều hỗ trợ cụ suốt quá trình khám, sàng lọc.

Đối với người trẻ, bà Liên tập trung tư vấn, trao đổi về khám tiền hôn nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh, tầm soát trước sinh và sơ sinh, không lựa chọn giới tính khi sinh… Như trường hợp một phụ nữ 23 tuổi, sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm chăm sóc em bé, bà vừa nhận tắm bé, vừa hướng dẫn người mẹ tận tình chăm sóc trẻ…

Bà Liên nói, nhiều người vẫn nghĩ cán bộ dân số là chỉ đi phát... bao cao su. Thế nhưng, công tác dân số hiện nay có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như tuyên truyền cách chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, khám tiền hôn nhân, tuyên truyền thay đổi nhận thức về giới tính…

Quan tâm đầu tư cho trẻ em gái

Là Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, kiêm cộng tác viên dân số tổ dân phố số 25 nơi bà đang sinh sống, bà Vũ Thị Thanh Thuý cho biết, đó là điều kiện thuận lợi để bà làm tốt nhiệm vụ của mình. Hội Phụ nữ phường thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, toạ đàm về chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, thanh niên và người cao tuổi; truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các kiến thức về giới tính, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, trong đó có trẻ em gái…

Bà Thuý đã có hơn 17 năm gắn bó với công tác dân số. Công việc của người cộng tác viên dân số tưởng chừng như nhàn hạ nhưng “có làm mới thấu hiểu”. Các cộng tác viên dân số vừa đi tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng sinh đủ hai con để nuôi dạy con tốt; vận động sàng lọc trước sinh và sơ sinh; vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, cập nhật kịp thời thông tin của các hộ biến động…

Để làm được điều đó, các cộng tác viên dân số luôn cố gắng trang bị những kỹ năng mà khi đi tuyên truyền vận động cần đến như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu hiểu, kỹ năng đặt câu hỏi mở, kỹ năng xử lý tình huống...

Những cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số  - ảnh 2
Bà Vũ Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình kiêm cộng tác viên dân số tổ dân phố số 25.

Bà Thuý trăn trở, hàng ngày, chúng ta vẫn nghe những thông tin về trẻ em gái vị thành niên bị lừa bán đi nước ngoài, nào là bị lạm dụng tình dục, bị đối xử phân biệt giới rồi nạo phá thai ngoài ý muốn... đã gióng lên hồi chuông báo động đối với toàn xã hội. Chính vì thế, việc đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là hết sức quan trọng.

Nhận thức được vấn đề đó, bà Thuý thường xuyên tiếp xúc với các gia đình có con trong độ tuổi này để tuyên truyền cho họ hiểu: Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên không phải chỉ đầu tư về kinh tế: Tạo điều kiện cho con cái được học hành đến nơi đến chốn mà còn phải đầu tư về thời gian: Gần gũi, chia sẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, những kỹ năng trong cuộc sống như tự bảo vệ mình và nhất là việc đối xử công bằng trong gia đình (không phân biệt trai gái).

Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, được sự ủng hộ của mọi người, bà Thuý đã “hoá giải” nhiều ca “oái ăm”. Bà nhớ lại, 5-6 năm trước, bà nghe tin, có một gia đình định tổ chức đám cưới cho con gái chưa đầy 16 tuổi. Giữa đêm hôm, bà lựa thời gian đến nhà tâm sự với mẹ cháu bé. Người mẹ thở dài cho biết, con gái bà kiên quyết không học tiếp và muốn cưới chồng vì đã “yêu quá” rồi, không thể bỏ được.

Bà Thuý phân tích, việc tổ chức đám cưới cho con gái trước 18 tuổi là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Cháu bé kết hôn sớm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu làm mẹ sớm mà còn chưa đủ kỹ năng để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hôn nhân. Cháu còn trẻ, cần được vui chơi và trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng sống.

“Tôi đến ba bốn lần, vừa phân tích cả bố mẹ lẫn cháu bé. Tôi khuyên nếu các cháu yêu thương nhau thì có thể duy trì tình yêu đẹp đó, đến khi học xong, có đủ kỹ năng, có công việc ổn định, thì có thể kết hôn, lúc đó chưa muộn” - bà Thuý nói. Cuối cùng, nhờ sự vào cuộc kịp thời và khéo léo của bà Thuý đã ngăn một vụ tảo hôn xảy ra, đồng thời giúp cháu bé tiếp tục đến trường và ứng xử đúng đắn với tình yêu tuổi mới lớn của mình…

Nói về một số kết quả khi làm cộng tác viên dân số, bà Thuý mỉm cười: Đến nay, 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao thể lực. Thanh niên đến tuổi kết hôn đều được đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Nhiều trẻ em gái đã có những vị trí nhất định, nâng cao nhận thức của người dân, xoá bỏ định kiến giới, trọng nam khinh nữ trên địa bàn…

“Khi đi tuyên truyền, chúng tôi thường chú trọng nhiều đến những người lao động thuê trọ vì những người này ít có thời gian tiếp cận với thông tin hơn. Dù đây là một việc làm tương đối khó vì họ đi làm đến tối mịt mới về, nhưng những cộng tác viên dân số như chúng tôi đều… cố chờ đợi để có thể giúp họ hiểu hơn về các chính sách dân số” – bà Thuý cho biết. Bà cũng mong muốn, để đảm bảo tỷ số giới tính khi sinh hợp lý, Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với các phòng khám tư nếu bằng cách này hay cách khác, họ tiết lộ giới tính của thai nhi” - bà nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11/2024

Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11/2024

(PNTĐ) - Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11, với chủ đề "Giao lộ sáng tạo". Việc tổ chức các hoạt động nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Những “viên gạch” xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, hòa bình

Những “viên gạch” xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, hòa bình

(PNTĐ) - Thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc Việt Nam với hơn 1.000 năm văn hiến đã và đang vươn mình mạnh mẽ cùng sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực và thế giới. Không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, Hà Nội còn được mệnh danh là “Thành phố vì hoà bình”.
Câu chuyện pháp luật

Câu chuyện pháp luật

(PNTĐ) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) mới đây đã ra quyết định khởi tố 2 bị can Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Văn Dũng cùng sinh năm 2004, trú tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.