Phát triển nông thôn Hà Nội thành miền quê đáng sống

Thu Hà - Phạm Hằng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị, bền vững hơn với quá trình đô thị hóa, trở nên phồn vinh, văn minh và hiện đại, Hà Nội đang từng bước phát triển nông thôn thành miền quê đáng sống, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của toàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Phát triển nông thôn Hà Nội thành miền quê đáng sống - ảnh 1
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại huyện Hoài Đức 
Ảnh: PV

“Quyết sách” bám sát thực tiễn
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (Chương trình Mục tiêu quốc gia). Mục tiêu của Chương trình là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 5 năm triển khai giai đoạn 1, ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg, Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã nhanh chóng triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Đồng thời cụ thể hóa thành những Chương trình hành động, đưa vào Nghị quyết để thực hiện. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội, Chương trình số 04 của Thành ủy đã đề ra mục tiêu xây dựng NTM hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Theo đó, xây dựng nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, trình độ sản xuất tiến tiến, hiện đại và chuyên nghiệp. Sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có... 

Ngày 26/4/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố. Sau những kết quả đạt được, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 04). Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội làm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình. Ngay từ giai đoạn đầu tiên bước vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Năm 2019, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Hà Nội đã đạt được, và khẳng định Hà Nội đã đóng góp nhiều kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng NTM. Bởi Hà Nội chính là nơi thực hiện chương trình xây dựng NTM với quy mô nhiệm vụ lớn nhất cả nước khi có tới 17 huyện, 386 xã trên diện tích ngoại thành hơn 2.230km2, số dân 4,1 triệu người ở nông thôn (khoảng 1/2 dân số Thủ đô sống ở nông thôn). 
Bấy giờ, Thủ tướng cũng yêu cầu nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các trung tâm đô thị vệ tinh; xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. Dù vậy, nông thôn Hà Nội cũng cần gìn giữ văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, thanh lịch.

Đầu tàu cả nước phong trào xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm xây dựng NTM, Hà Nội đạt được kết quả nổi bật. Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã “về đích”. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và huyện Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022. Đến nay, với 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mặc dù tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng khu vực nông thôn Hà Nội vẫn là nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho Thủ đô, là bệ đỡ phát triển dịch vụ, công nghiệp. 

Dạo quanh các vùng nông thôn ngoại ô Hà Nội hôm nay, dễ dàng nhận thấy được thành quả của chương trình xây dựng NTM. Cuộc sống ở những miền quê ngoại ô Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang.

Từ đê sông Hồng nhìn xuống, xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) hiện ra là những ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp, minh chứng cho sự trù phú của một ngôi làng ven sông. Hay như tại huyện Mê Linh, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, cả 16/16 xã trên địa bàn huyện đều chưa đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Vậy mà chỉ thông qua việc thực hiện tốt các phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” và lan tỏa mô hình tự quản “Khu dân cư an toàn sáng, xanh, sạch, đẹp”, giờ đây Mê Linh đã xây dựng được hàng chục km tuyến đường tự quản xanh, sạch đẹp, kiểu mẫu. 

Tại huyện Chương Mỹ, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện đã huy động được gần 7.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp... Trong đó, người dân đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng để xây dựng NTM. 

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội chia sẻ, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Không chỉ giữ vị trí đầu tàu ở chức năng đô thị của cả nước, Hà Nội còn phấn đấu đưa vùng ngoại ô trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước, để nông thôn của Hà Nội trở thành miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh của đất trăm nghề, gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch nông thôn.

Tích hợp xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí của đô thị
Đối với công tác xây dựng huyện NTM nâng cao, hiện huyện Đan Phượng là huyện đi đầu của Thành phố về xây dựng NTM. Đến nay đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đang rà soát theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Hà Nội sẽ tập trung cho giai đoạn xây dựng NTM nâng cao tại các xã. Đối với nhiệm vụ này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương tập trung huy động nguồn lực, thực hiện việc nâng cấp các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao có trọng tâm, tránh dàn trải; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiệm cận các tiêu chí phát triển đô thị. 

Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ đạo các sở, ngành ưu tiên nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu; nhất là các huyện, các xã đăng ký hoàn thành trong năm 2022. Đồng thời tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, với phương châm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đặc biệt tập trung cho các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia, về nước sạch và vệ sinh môi trường.

Nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2022 từ 2,5-3%; hoàn thành xây dựng NTM tại 3 huyện còn lại (Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức) để đến hết năm 2022, 100% huyện của Hà Nội đạt huyện NTM; đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 25 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.