Vai trò liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:

Sạch từ “trang trại” tới “bàn ăn”

LAN CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thành lập chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một trong những hướng đi bền vững có ý nghĩa quan trọng không chỉ với người sản xuất mà còn với người tiêu dùng khi được sử dụng những sản phẩm sạch từ “trang trại” tới bàn ăn. Đó là lý do, thời gian qua, cùng với các cơ quan chức năng, Hội Phụ nữ cũng đang tham gia xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông nghiệp sạch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Đối với chuỗi phát triển có nguồn gốc động vật, Hà Nội đã phát triển được 59 chuỗi theo 2 hình thức cụ thể.

Thứ nhất là mô hình chuỗi khép kín do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả như: Chuỗi thực phẩm A- Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu...

Sạch từ “trang trại” tới “bàn ăn” - ảnh 1
Hoạt động trưng bày, giới thiệu nông sản sạch do Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm tổ chức

Thứ hai là mô hình chuỗi liên kết, lấy các tổ chức nông dân tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của Thành phố làm trọng tâm, từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, sơ chế, cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có liên kết hoạt động có hiệu quả như: Chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi gà đồi Sóc Sơn, chuỗi gà đồi Ba Vì, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai, chuỗi sữa Ba Vì...

Đối với các chuỗi có nguồn gốc thực vật, Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 82 chuỗi bao gồm các chuỗi gạo, chè, rau an toàn, chuỗi trái cây. Một số chuỗi thực vật hiệu quả như cam đường Kim An, bưởi Quế Dương, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, chuối Vân Nam, chuối Cổ Bi, phật thủ Đắc Sở, bưởi thồ Bạch Hạ, gạo thơm Bối Khê, chè Bắc Sơn, gạo bồ nâu Thanh Văn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. 

Bà Bùi Thu Hồng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch khẳng định sự cần thiết của chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản. Song bà khẳng định, chuỗi nông sản không thể thành công, nếu chỉ có một mình nhà sản xuất “đơn thương độc mã”.

Chia sẻ điều này, bà Hồng muốn nhắc tới vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong việc góp sức cùng doanh nghiệp xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Những năm qua Hội LHPN Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới và tham gia bảo vệ môi trường.

Nhiều mô hình sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng nông sản an toàn đã được nhân rộng như “Sản xuất lúa chất lượng cao theo công nghệ sinh học”, “Nuôi gà an toàn sinh học”; “sản xuất rau an toàn”, “Điểm phân phối thực phẩm an toàn. 

Chính từ hiệu quả này mà công ty của bà Hồng đã quyết định triển khai chương trình hợp tác với Hội Phụ nữ trong phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn kỹ năng thực hành về cách ủ rơm rạ, làm nấm men; phân bón và ứng dụng của vi sinh trong nông nghiệp cho cán bộ, hội viên phụ nữ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hai bên đã phối hợp tổ chức 5 lớp tuận huấn cho trên 1.600 cán bộ, hội viên phụ nữ tại 5 quận với thông điệp cùng những người mẹ bảo vệ các con, cùng những người phụ nữ bảo vệ gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Huyền,  Giám đốc HTX Ba Chữ, huyện Đông Anh cũng cho rằng, với sự khác biệt là đem lại lợi ích kinh tế, môi trường và có tác động, ảnh hưởng tốt đến cộng đồng cùng với sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ sẽ giúp phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Trong quá trình vận hành, HTX Ba Chữ thường xuyên được các cấp Hội mời tham gia trưng bày sản phẩm tại “Ngày hội sáng tạo”, hội chợ, trưng bầy gian hàng giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó Hội Phụ nữ xã cũng có một số hoạt động hỗ trợ HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số chi hội trưởng Phụ nữ là nhà cung cấp (đầu mối) đưa sản phẩm của HTX tới các siêu thị, bếp ăn tập thể.  Theo bà Huyền, chính sự hợp tác “nhiều bên” này đã giúp cho việc xây dựng và phát triển chuỗi nông nghiệp thành công.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

(PNTĐ) - Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; hướng tới mục tiêu chung đó là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.