Sau khi nghỉ việc, người lao động được hưởng những khoản tiền nào?

NHẬT MINH
Chia sẻ

Bạn đọc gửi thư hỏi Báo Phụ nữ Thủ đô: sau khi nghỉ việc thì người lao động có được hưởng nhứng khoản trợ cấp nào không và đó là những khoản tiền nào? Về việc này Báo PNTĐ trả lời bạn như sau:

Căn cứ Bộ Luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật, người lao động khi nghỉ việc, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể nhận được các khoản tiền dưới đây:

1. Trợ cấp thôi việc/mất việc

Theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 Bộ Luật Lao động 2019 thì: 

Điều 46. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Điều 47. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Theo đó, khi nghỉ việc người lao động sẽ được nhận trợ cấp thôi việc/mất việc nếu thỏa mãn những điều kiện nêu trên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc/mất việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho công ty/doanh nghiệp trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được phía doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc.

Sau khi nghỉ việc, người lao động được hưởng những khoản tiền nào? - ảnh 1
Người lao động khi nghỉ việc sẽ nhận được các khoản tiền theo quy định của pháp luật tùy theo từng trường hợp ( ảnh minh họa )

2. Trợ cấp thất nghiệp

Tiền trợ cấp thôi việc/mất việc thì sẽ do doanh nghiệp chi trả. Tuy nhiên, tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013 thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

Căn cứ Điều 50 Luật việc làm 2013 thì người lao động đủ điều kiện sẽ được trả trợ cấp thất nghiệp theo mức sau:

Mức hưởng hàng tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%

Lưu ý: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Tiền ngày phép năm chưa nghỉ hết

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019 thì:

Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

...

3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho doanh nghiệp và tùy theo điều kiện làm việc thì có 12, 14, 16 ngày nghỉ hằng năm. Đối với trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm thì được doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Lưu ý: Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm. (Căn cứ khoản 1 Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

4. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì:

Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

Theo đó, người lao động sau khi nghỉ việc thuộc các trường hợp trên thì có thể làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. 

Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

 5. Khoản trợ cấp mà hai bên thỏa thuận hoặc công ty tự nguyện cho thêm

Đối với một số công ty/doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ tốt thì sau khi nhân viên nghỉ việc, doanh nghiệp có thể chi thêm khoản trợ cấp mà hai bên thỏa thuận hoặc công ty tự nguyện cho thêm để ghi nhận sự đóng góp cho doanh nghiệp của chính người lao động đó. 

Lưu ý: việc công ty/doanh nghiệp tự nguyện trả thêm hoặc thỏa thuận về khoản trợ cấp sau khi người lao động nghỉ việc thì đây phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của chính doanh nghiệp đó và pháp luật không có quy định bắt buộc phải thực hiện.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi ” Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội“

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi ” Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội“

(PNTĐ) - Hưởng ứng Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 được Hội LHPN Hà Nội phát động từ tháng 1 đến hết tháng 3/2024, Hội LHPN huyện Thanh Trì đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội và phát động cuộc thi tới 100% Hội cơ sở.
Tọa đàm khoa học “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”

Tọa đàm khoa học “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”

(PNTĐ) -  Thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Bắc Kinh ký ngày 30/10/2022, trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Triển lãm  “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm“Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh).