Thúc đẩy các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chia sẻ tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, chiều 18/5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cần thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn.

Thúc đẩy các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại buổi họp báo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Về công nghiệp, sản xuất công nghiệp tháng 4 có dấu hiệu cải thiện khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 7%); ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%).

Nhìn chung, sản xuất của ngành công nghiệp nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 4 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam yếu, các doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng mới, tồn kho hàng thành phẩm tăng, một số doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm số lượng việc làm cũng như giảm mua hàng hóa đầu vào.

Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm cộng với nhu cầu suy yếu, một số doanh nghiệp đang có xu hướng giảm giá bán hàng hóa để kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Về xuất nhập khuẩu hàng hóa, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,73%), trong đó xuất khẩu giảm 13% (cùng kỳ tăng 17,18%); nhập khẩu giảm 17,7% (cùng kỳ tăng 16,27%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng năm 2023 xuất siêu 7,55 tỷ USD.

Những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,18%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,44 tỷ USD, giảm 14,9%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,71 tỷ USD, giảm 12,4%, chiếm 74,4%.

Đáng chú ý, trong khó khăn xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 8,5% về lượng và tăng 7,2% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 88% về lượng và tăng 98% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.

Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. So với so với 4 tháng đầu năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Thúc đẩy các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp - ảnh 2
Quang cảnh buổi họp báo

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu; Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai, gồm:

Về đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Cụ thể, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay).

Ngoài ra, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Trên cơ sở đó, tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về phát triển thị trường trong nước, thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; tăng chi tiêu của Chính phủ; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử.

Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.

Đồng thời, cần thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp như: Bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực; tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.