Về miền hoa Ban
(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Địa chỉ đỏ ghi dấu lịch sử oai hùng
Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi sắc hoa bồ đề, hoa ban nở trắng sườn núi, sắc hoa phượng nhuộm đỏ đồi A1 cũng là lúc dòng người từ khắp mọi miền cả nước nườm nượp tìm đến với mảnh đất Điện Biên. Chẳng ai hẹn ai, nhưng điểm đầu tiên mọi người đều đặt chân tới là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, hay Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Đây chẳng những là địa chỉ đỏ ghi dấu chiến công oai hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp; mà còn là điểm du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, để người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc.
Nhắc tới các địa điểm du lịch mang yếu tố lịch sử, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tự hào cho biết: Ngoài vinh dự có Di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Điện Biên còn có 45 điểm di tích văn hoá - lịch sử đặc biệt quan trọng, gồm các khu đề kháng của địch, nơi ta tấn công để đánh giặc, và các di tích liên quan đến quá trình hành quân đưa vũ khí, pháo, đạn dược vào chiến trường. Đây cũng là sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo nhất của Điện Biên, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tới thăm quan hàng năm.
Tính đến tháng 4/2024, Điện Biên đã có 33 di tích văn hóa phi vật thể được xếp hạng. Trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh. Với việc nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái Trắng thị xã Mường Lay được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện nay tỉnh Điện Biên đã chạm mốc 20 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Trong số này, 2 di sản được UNESCO ghi danh là Nghệ thuật xòe Thái và Di sản thực hành Then.

Một nét ấn tượng khác của Điện Biên, theo miêu tả của ông Vừ A Bằng ấy là giữa nơi trập trùng đồi núi vùng Tây Bắc, lại có một thung lũng lòng chảo rộng lớn rất đẹp với cánh đồng lúa Mường Thanh trải dài bát ngát; hệ thống suối khoáng nóng được thiên nhiên ưu ái (như suối khoáng Hua Pe, Uva); cao nguyên đá Tủa Chùa với lớp lớp “măng” đá mang vẻ đẹp hút hồn; cùng vô số danh thắng đẹp như hồ Pá Khoang, Huổi Phạ, động Pa Thơ, Khó Chua Là, vườn cây di sản… “Chưa kể, Điện Biên còn là mảnh đất đa sắc màu văn hóa với 19 dân tộc anh em, nhiều vỉa, tầng văn hóa độc đáo. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp văn hoá, ẩm thực, khám phá, nghỉ dưỡng” - ông Vừ A Bằng cho hay.
Đặc biệt, đến Điện Biên vào thời điểm tháng 4, tháng 5 dương lịch, du khách còn được thưởng lãm một thành phố Điện Biên Phủ với cờ hoa rợp trời hoà cùng sắc xanh của núi rừng, sắc trắng hoa ban tung bay trong gió. Lễ hội hoa Ban hàng năm luôn là điểm nhấn nhấn níu chân du khách, bạn bè muôn phương đến trải nghiệm, khám phá.
Năm nay, “Lễ hội hoa Ban 2024” được tổ chức hoành tráng, công phu hơn khi gắn với chuỗi sự kiện của Năm du lịch quốc gia - Điện Biên Phủ 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thể hiện được cả truyền thống văn hóa, lịch sử của mảnh đất và con người Điện Biên.
Lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”, tổ chức vào tháng 3/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; du lịch Điện Biên sẽ trở thành điểm đến của lịch sử, bản sắc hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh Điện Biên hướng đến và đang tích cực phấn đấu, thực hiện.

Vẻ đẹp nao lòng của Điện Biên trong mùa hoa ban nở. Ảnh: Int
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng, phát triển du lịch cũng là một trong 12 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng được tỉnh Điện Biên xác định là một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ.
Trên cơ sở chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 7/5/2021 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ: Lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển; trong đó, xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch…”. Với tầm nhìn chiến lược này, tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Trên cơ sở ấy, những năm qua công tác quản lý Nhà nước về du lịch của Điện Biên không ngừng được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; không gian phát triển du lịch được quan tâm. Một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai khác thu hút khách tham quan tìm hiểu và trải nghiệm; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được chú trọng, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin; tăng số lượng khách du lịch được tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, dịch vụ theo chiều sâu, qua đó góp phần quan trọng thu hút du khách đến với Điện Biên.
Hiệu quả từ sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống đã được thấy rõ bằng những con số cụ thể. Năm 2023, tỉnh lần đầu tiên cán mốc 1 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 23% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm trước đó. Cuối năm 2023, Dự án đầu tư, xây dựng và mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã hoàn thành, đi vào hoạt động, trực tiếp kết nối Điện Biên với hai trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cho tỉnh một lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh Tây Bắc. Toàn tỉnh hiện có 210 cơ sở lưu trú du lịch với 2.846 buồng/5.190 giường; có 11 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp và phục vụ khách, 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho 83.000 lượt khách du lịch cùng một thời điểm.
Những con số ấn tượng trên kết hợp với việc tỉnh Điện Biên vừa tổ chức thành công nhiều hoạt động quảng bá du lịch vào những tháng cuối năm 2023, đầu 2024 như: Tuần văn hóa, du lịch Điện Biên tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, khai mạc Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên, các giải marathon, đua xe đạp, Lễ hội hoa Ban 2024, cuộc thi ảnh “Lung linh miền hoa ban 2024”… đã tái hiện hình ảnh một miền hoa ban xinh đẹp, giàu bản sắc và thân thiện, mến khách; tạo đà vững chắc cho lĩnh vực du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.