Việt Nam là thị trường tiềm năng cho mặt hàng xa xỉ
(PNTĐ) - Theo dữ liệu từ Statista, ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam được thiết lập để tăng trưởng đáng kể, với doanh thu dự kiến là 957,2 triệu USD vào năm 2023. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028.
Hoa Kỳ hiện đang đứng vị trí đầu bảng về doanh thu hàng hóa xa xỉ, với doanh thu hàng năm lên tới 75 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam đang thu hút giới người tiêu dùng giàu có và nổi lên như một vùng đất tiềm năng cho các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng.
Thị trường xa xỉ mới nổi
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,3% vào năm 2023, và chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tiêu dùng ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu.
Trong báo cáo của Boston Consulting Group và Nielsen, nhóm nhân khẩu học này đã mở rộng từ 15 triệu vào năm 2016 lên ước tính khoảng 33 đến 44 triệu người.
Trẻ hóa phân khúc dùng đồ hiệu
Trong thời gian vừa qua, thị trường Hà Nội đã ghi nhận sự xuất hiện của các thương hiệu cao cấp có thể kể đến như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co. hay Berluti,… Điều này cho thấy, số lượng người có đủ khả năng chi trả cho sản phẩm xa xỉ ngày càng tăng.
“Theo quan sát của tôi, nhu cầu dùng đồ hiệu của người Việt Nam ngày càng cao. Đa số khách hàng có suy nghĩ là muốn sở hữu món đồ xa xỉ đó khi thấy người khác dùng mà thấy đẹp. Vì thế, tôi bán được nhiều sản phẩm theo xu hướng. Có sản phẩm ra mắt cả năm trời không ai hỏi, nhưng bỗng nhiên một người nổi tiếng dùng và post lên mạng xã hội thì y như rằng sản phẩm đó trở thành xu hướng”, Minh Hải, một chủ cửa hàng bán đồ hiệu online cho biết.
Tại Việt Nam, xu hướng người trẻ, đặc biệt là Gen Z, sử dụng đồ hiệu ngày càng nhiều. Ngoài nguyên nhân chính thu nhập tăng hơn so với thế hệ trước, sử dụng đồ hiệu còn giúp Gen Z tự tin hơn. Về mặt tích cực thì đây là một tín hiệu tốt, khi những người trẻ có nhận thức cao hơn về việc trân trọng chất xám của nhà thiết kế. Kinh tế cá nhân và gia đình của nhóm đối tượng này cũng dư giả hơn để có thể chi trả cho các món đồ hiệu. Mua sắm hàng hiệu cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đang đóng thuế nhiều hơn. Các chuyên gia đánh giá: "Nhìn chung sẽ có lợi cho nền kinh tế”.
Con dao hai lưỡi
Theo một báo cáo về thị trường hàng xa xỉ từ công ty theo dõi dữ liệu thị trường Bain & Co. cho biết Gen Y, hay còn được biết tới là thế hệ millenials và Gen Z chiếm toàn bộ tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ toàn cầu trong năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lưu ý.
Việc mua đồ hiệu có thể gây nghiện và vô hình trung tạo nên áp lực đồng trang lứa với các bạn trẻ. Nếu họ có điều kiện kinh tế hoặc gia đình hoàn toàn có khả năng chi trả thì không có gì đáng nói. Nhưng nhiều bạn trẻ ngày nay sẵn sàng mua đồ Super Fake, nợ tín dụng, vay lãi cao hay bất chấp đi làm những công việc không chính thống để có tiền thoả mãn ham muốn của bản thân, đó là vấn đề cần phải suy ngẫm.
Gần đây, sự phát triển của các thương hiệu khách sạn cao cấp và căn hộ có thương hiệu tại Việt Nam như Four Seasons, Fairmont, Waldorf Astoria hay Ritz Carton hứa hẹn sẽ mang tới lượng du khách ở phân khúc tầm cao tới du lịch và mua sắm, từ đó thu hút sự chú ý của các nhãn hàng. “Thị trường đồ hiệu tại Việt Nam hiện phát triển hơn Thái Lan. Nếu so với Singapore thì chưa bằng. Singapore là thị trường hàng hiệu từ rất lâu do nền kinh tế phát triển, nhu cầu đồ xa xỉ đủ nhiều để các nhãn hàng đặt cửa hàng tại đó”, Minh Hải cho biết.