Dự án 8 tại tỉnh Thanh Hoá vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I
(PNTĐ) - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, hoạt động của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025"
Thành lập và duy trì 297/264 tổ truyền thông cộng đồng
Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bà Bùi Thị Mai Hoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá cho biết: Dự án 8 được thực hiện tại 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn của 12 huyện, thị xã. Tổng kinh phí thực hiện năm 2022 là hơn 6,16 tỷ đồng; năm 2023 là gần 16,6 tỷ đồng, năm 2024 là 19.451 triệu đồng.
Để hoạt động của dự án thực sự đi vào đời sống, đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thành lập Ban điều hành và tổ giúp việc; xây dựng kế hoạch thực hiện dự án và kế hoạch kinh phí giai đoạn 2021 - 2025 và các năm; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực; thành lập, nhân rộng các mô hình điểm; tiến hành kiểm tra, giám sát dự án tại các địa phương thực hiện dự án.
Đến nay, các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 tại tỉnh Thanh Hoá đã đạt và vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I, như: Thành lập và duy trì 297/264 tổ truyền thông cộng đồng (vượt chỉ tiêu), hỗ trợ 15 mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 (đạt chỉ tiêu); thành lập được 46/30 "Địa chỉ tin cậy" (Vượt chỉ tiêu); tổ chức 130 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản (đạt chỉ tiêu); thành lập 64/53 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" (vượt chỉ tiêu); tổ chức nâng cao năng lực cho hơn 400 lượt cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị (vượt chỉ tiêu); tổ chức 14 lớp tập huấn Chương trình 2 cho cán bộ cấp huyện và xã (đạt chỉ tiêu); tổ chức 47 cuộc tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ thôn, ấp (chương trình 3, đạt chỉ tiêu).
Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Một số bài học kinh nghiệm
Để thực hiện hiệu quả các nội dung, mục tiêu của Dự án, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, tạo cơ chế triển khai Dự án 8 trên địa bàn.
Bà Bùi Thị Mai Hoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá chia sẻ về một số bài học kinh nghiệm đó là: Ngay sau khi có định hướng, kế hoạch triển khai thực hiện dự án của TƯ Hội, hàng năm, Hội LHPN tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu các nội dung thực hiện Dự án gửi UBND tỉnh, trong đó chú trọng giải pháp thực hiện các chỉ tiêu của dự án, cách thức thực hiện và hiệu quả bền vững theo các yêu cầu của Dự án.
Từ những nội dung được Hội LHPN tỉnh đề xuất, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, thực hiện quy trình xin ý kiến ban, ngành liên quan làm căn cứ ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện Dự án.
Để góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận trong chỉ đạo cũng như bố trí nguồn lực cho các hoạt động đạt hiệu quả thiết thực, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã lập cơ chế phối hợp chặt chẽ liên ngành: Từng đơn vị được phân công rõ ràng đầu mối chủ trì từng nhóm nội dung hoạt động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội..., các ban ngành đoàn thể, các địa phương trên địa bàn trong triển khai thực hiện các hoạt động....
Đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ; thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đối với vấn đề bình đẳng giới và các hoạt động Dự án 8.

Theo Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Mai Hoan, ở giai đoạn đầu, công tác triển khai Dự án 8 vẫn gặp những vướng mắc về các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế tài chính, hướng dẫn nội dung triển khai, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát thực hiện bình đẳng giới. Qua quá trình nghiên cứu kỹ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của tỉnh, của huyện liên quan đến việc triển khai các hoạt động về "Thực hiện Bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" nói riêng và hoạt động tổ chức Hội nói chung, cán bộ Hội các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện để nâng cao nhận thức về áp dụng cơ chế đặc thù trong các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Cùng với việc đồng hành tại cơ sở, Hội LHPN các cấp trong tỉnh Thanh Hoá cũng tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện ở địa phương, khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị triển khai, tổng kết đánh giá quá trình triển khai thực hiện để phát hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo từ đó nhân rộng mô hình, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có phương án điều chỉnh phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá khẳng định, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, hoạt động của Dự án 8 đã và đang đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện để nâng cao nhận thức về áp dụng cơ chế đặc thù trong các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Đặc biệt tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đẩy mạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vấn đề bình đẳng giới, đồng thời có những cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.