Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

NGUYỄN THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hoạt động đối thoại chính sách là một nội dung quan trọng của Dự án 8 nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tính Phú Yên có 23 xã vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó có 12 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 10 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 70 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc. Là địa bàn cư trú lâu đời của 3 dân tộc chính là Ê đê, Chăm, Ba Na. Đến nay, cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hoá riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hoá tỉnh. 

Phụ nữ DTTS toàn tỉnh khoảng trên 30.000 người, trong đó hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số là 8.721 người. Các xã vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức pháp luật còn hạn chế; tình trạng thách cưới, ma chay, hiếu hỉ tốn kém vẫn còn tồn tại ở một số địa phương...

Đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Dự án 8) tại địa phương, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện thực hiện Dự án 8 tại 4 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và Tây Hòa phối hợp chính quyền địa phương tập trung phổ biến, tuyên truyền cho đồng bào vùng DTTS&MN nâng cao nhận thức thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; giám sát và phản biện xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Trong đó, hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã  hội của cộng đồng được các cấp các ngành và Hội LHPN quan tâm, chú trọng, thông qua một số hoạt động cụ thể như: Hoạt động đối thoại chính sách là một nội dung quan trọng của dự án 8 nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Thông qua hoạt động đối thoại chính sách, các cấp Hội tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vùng đồng bào DTTS&MN vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyền được giám sát phản biện các vấn đề và tham gia đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương. Các cấp Hội LHPN đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động đối thoại, đảm bảo thông tin được truyền đạt một cách đầy đủ và kịp thời. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để nắm bắt được những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của hội viên, phụ nữ một cách trực tiếp.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho 46 cán bộ Hội các cấp thuộc vùng Dự án về giám sát, phản biện xã hội; đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, buôn trong thực hiện Dự án 8. Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ các cuộc họp chi/tổ Hội thường niên đến các diễn đàn trực tiếp, giúp tăng cường tính tiếp cận và hiệu quả của hoạt động đối thoại tại địa phương, đã tổ chức 34/3118 cuộc đối thoại chính sách, đạt 109% vượt chỉ tiêu Trung ương giao, có 3.84519 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới - ảnh 1
Hội Phụ nữ tổ chức tập huấn giám sát thực hiện Dự án 8. Ảnh HPN

Các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, buôn với các chủ đề khác nhau xung quanh các chính sách trợ giúp xã hội, giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Với tinh thần dân chủ, cởi mở, Hội nghị đã có nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, nâng cao quyền năng kinh tế, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ DTTS&MN. Các cấp ngành như Công an, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa thông tin... đã giải đáp, phân tích, làm rõ những nội dung hội viên, phụ nữ quan tâm và nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của hội viên, phụ nữ. Có thể khẳng định,  việc tổ chức các hoạt động đối thoại thường xuyên đã giúp tăng cường sự tin tưởng của người dân vào chính quyền địa phương, tạo ra một môi trường xã hội ổn định và phát triển.

Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả

Bên cạnh đó, Hội đã vận hành và ra mắt 70 Tổ truyền thông cộng đồng với 695 thành viên; tổ chức truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại 100% xã có dự án và tổ truyền thông cộng đồng có 4.500 người tham gia. Tổ chức 80 buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Ra mắt 18 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng"; 13 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; xây dựng nhiều sản phẩm truyền thông đa dạng phong phú hỗ trợ tuyên truyền trực quan tại vùng đồng bào DTTS như: xây dựng clip phát sóng trên truyền hình Phú Yên, sổ tay tuyên truyền, tờ gấp, áp phích; phát động 14 chiến dịch truyền thông bình đẳng giới, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và lễ phát động chiến dịch Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng", Hội thi “Ngôi sao thủ lĩnh” cấp huyện và cấp tỉnh...

Các mô hình, hoạt động của Dự án là kênh tuyên truyền hiệu quả, trực tiếp truyền tải những thông tin, kiến thức đến người dân. Qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới; thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại của người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh

Song song với công tác tuyên truyền, Hội còn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, hoạt động trao quyền năng  kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng các biện pháp như hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, thành lập các mô hình tổ liên kết, hợp tác xã, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giúp nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số yên tâm làm ăn “an cư lạc nghiệp” ổn định cuộc sống...

Trong thời gian đến, để tập trung nâng cao chất lượng đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ DTTS trong các vấn đề kinh tế - xã hội, Hội LHPN tỉnh có định hướng cụ thể, tập trung vào một số hoạt động,  tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Hội trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Dự án theo định hướng của Trung ương và các văn bản hướng dẫn của Chương trình MTQG; đa dạng các chủ đề đối thoại, đặc biệt chú trọng những vấn đề mới nảy sinh tại địa phương,đặc biệt là đối với các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc vùng Dự án...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ Hội

Kỳ cuối: Tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ Hội

(PNTĐ) - Trong giai đoạn tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tình hình đất nước và Thủ đô có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ Hội cơ sở của Thành phố phải không ngừng trau dồi nâng cao chất lượng, tiêu biểu cho văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cũng rất cần sự tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cấp ủy, chính quyền Thành phố các cấp, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc phù hợp.
Kỳ 4: “Trẻ hóa cán bộ” nhưng nhiều “cán bộ trẻ” chưa chọn tổ chức Hội

Kỳ 4: “Trẻ hóa cán bộ” nhưng nhiều “cán bộ trẻ” chưa chọn tổ chức Hội

(PNTĐ) - Các cán bộ Hội nói chung, trong đó có cán bộ Hội cơ sở giống như “những chiến sĩ thầm lặng” luôn  tận tâm, tận lực, hết mình cống hiến vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiện nay, một số đãi ngộ dành cho cán bộ Hội còn chưa thật sự phù hợp với đóng góp của chị em. Vì vậy, nhiều phụ nữ trẻ, có trình độ đã không lựa chọn Hội để “đầu quân”.