Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau 4 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội Phụ nữ tại 40 tỉnh trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).

Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025. Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN. Mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em mà còn hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch

Đánh giá kết quả thực hiện dự án 8 tại hội thảo “Rà soát, xác định giải pháp thức đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS&MN; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 15/11, bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo Hội LHPN Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 10/2024, 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn 1, như “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu như: Hà Giang, Bắc Giang, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Thanh Hoá... góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức về các vấn đề bất bình đẳng giới từ đó tác động tới hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án. Dự kiến đến 12/2025, các cấp Hội tiếp tục nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu của Dự án với: 8/9 chỉ tiêu sẽ đạt/hoặc vượt kế hoạch giai đoạn.

 Chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục và thúc đẩy thực hiện để đạt mục tiêu của Chương trình nói chung và Dự án nói riêng.Bên cạnh đó một số rào cản, thách thức vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của phụ nữ, trẻ em. Những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và yêu cầu về chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ DTTS; thêm vào đó, thiên tai/biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của đồng bào DTTS&MN nói chung, trong đó những người yếu thế, bất lợi nhất là phụ nữ và trẻ em.

Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em - ảnh 1
Các đại biểu tham gia hội thảo 

Nhiều giải pháp thiết thực thực hiện dự án 8 trong thời gian tới

Phát biểu định hướng tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói "chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Vì vậy, là cánh tay nối dài của Đảng, tổ chức Hội LHP Việt Nam không thể đứng ngoài kỷ nguyên này và phải có những đóng góp xứng đáng, nhất định vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hoạt động của Hội phải luôn hướng đến mục tiêu vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em. Chúng ta phải đưa ra được nội dung, hoạt động sát với địa phương, có như vậy mới giải quyết được các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em từng khu vực, địa bàn vùng DTTS&MN, hướng đến sự phát triển bền vững của chị em.

Chia sẻ về kết quả rà soát vấn đề lồng ghép giới và những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn 1, PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, cần tiếp tục bền bỉ hướng dẫn cho bà con dân tộc thiểu số những bước đi cụ thể, đơn giản để bà con biết sử dụng vốn vay, mạnh dạn tham gia các tổ tiết kiệm vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Việc tập huấn nâng cao năng lực ra quyết định phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung, quyết định vay vốn nói riêng rất cần được thực hiện cho cả vợ và chồng; đồng thời, kiên trì các hoạt động nâng cao biểu biết xã hội, kiến thức luật pháp, lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới, về luật pháp vào các cuộc họp thôn.

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác của tổ chức Plan tại Việt Nam, nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số khỏi các hình thức bạo lực, quấy rối và xâm hại tình dục, đặc biệt là các trường nội trú và bán trú, vai trò của Hội Phụ nữ cơ sở cần được củng cố với các khuyến nghị: công tác truyền thông xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới liên quan đến vấn đề bạo lực, quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em cần được triển khai đồng bộ tại trường học và cộng đồng; vai trò của cha mẹ cần tiếp tục được khuyến khích, đẩy mạnh và củng cố

Để có môi trường sống an toàn cho trẻ cần có sự chung tay của cả cộng đồng nhưng trên hết, trước hết là vai trò của mỗi gia đình. Theo bà  Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Cha mẹ cần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm chính của mình trong xây dựng môi trường gia đình an toàn, tham gia xây dựng trường học an toàn, xã hội an toàn. Có thể hiểu đơn giản gia đình an toàn là gia đình mà ở đó các quyền của trẻ em được thực hiện như: Trẻ  được tôn trọng, tin tưởng, yêu thương, thấu hiểu; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, thái độ, cảm xúc, suy nghĩ và được lắng nghe, được tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan; điều kiện sống an toàn...Ngoài ra, cha mẹ cần thực hiện các vai trò khác như giữ mối liên hệ với nhà trường; kết nối các thành viên trong gia đình đặc biệt mối liên kết cha mẹ và con cái, có thể tận dụng công nghệ để kết nối, tránh tình trạng cha mẹ sống cùng con cái mà không có sự gắn kết, tương tác. Để xuất giải pháp thời gian tơí đó là, triển khai thực hiện Chỉ thị số 28 của Bộ Chính trị ngày 25/12/2023 về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

Để thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, TS. Phạm Thái Hưng, Chuyên gia tư vấn chính sách nhận định, nội dung của Chương trình trong giai đoạn 2 phải đảm bảo giải quyết những thách thức cơ bản nhất, gồm các vấn đề về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết khó khăn của các nhóm dân tộc rất ít người, mở rộng phạm vi thực hiện các can thiệp về thúc đẩy bình đẳng giới để giải quyết khoảng cách giới vùng đồng bào DTTS&MN nói chung.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ Hội

Kỳ cuối: Tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ Hội

(PNTĐ) - Trong giai đoạn tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tình hình đất nước và Thủ đô có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ Hội cơ sở của Thành phố phải không ngừng trau dồi nâng cao chất lượng, tiêu biểu cho văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cũng rất cần sự tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cấp ủy, chính quyền Thành phố các cấp, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc phù hợp.
Kỳ 4: “Trẻ hóa cán bộ” nhưng nhiều “cán bộ trẻ” chưa chọn tổ chức Hội

Kỳ 4: “Trẻ hóa cán bộ” nhưng nhiều “cán bộ trẻ” chưa chọn tổ chức Hội

(PNTĐ) - Các cán bộ Hội nói chung, trong đó có cán bộ Hội cơ sở giống như “những chiến sĩ thầm lặng” luôn  tận tâm, tận lực, hết mình cống hiến vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiện nay, một số đãi ngộ dành cho cán bộ Hội còn chưa thật sự phù hợp với đóng góp của chị em. Vì vậy, nhiều phụ nữ trẻ, có trình độ đã không lựa chọn Hội để “đầu quân”.