“Khoảng trống” giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên

Bài 2: Thiếu đường cho “hươu” chạy?

Bài và ảnh: YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mặc dù xã hội đã quan tâm, cởi mở hơn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên, hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản (SKSS) đã được đẩy mạnh, nhưng trong thực tế, vẫn còn đó những rào cản khiến trẻ vị thành niên thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức, dẫn tới những suy nghĩ và hành vi lệch lạc.

Bài 2: Thiếu đường cho “hươu” chạy? - ảnh 1
Thông điệp về sự cởi mở trong truyền thông SKSS của các bạn học sinh ở Ba Vì (Hà Nội), tại một diễn đàn về vấn đề sức khỏe kinh nguyệt trong tuổi dậy thì, do Hội LHPN Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.

Rào cản của “khoảng cách” thế hệ
Theo Tiến sĩ (TS) Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, so với trước đây, sự phát triển tâm sinh lý giới tính của trẻ tuổi vị thành niên đã có nhiều thay đổi. Nhiều trẻ chưa đến 10 tuổi đã dậy thì, tiếp xúc với đa dạng thông tin về giới tính trên internet. Trong khi đó, các bậc phụ huynh đang nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, chưa cần giáo dục giới tính. 

“Tại nhiều buổi gặp gỡ, giảng dạy và tư vấn về SKSS, không ít phụ huynh trăn trở với tôi: “Lớp 8 đã học về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục… liệu có quá sớm không chị?”. Dù thực tế lớp 8 mới học là quá muộn, và những trường hợp học sinh mới lớp 5, lớp 7 đã mang thai, sinh con là minh chứng. Rõ ràng, hỏi như vậy chứng tỏ tâm lý của cha mẹ đang không sẵn sàng. Đó là sự khác biệt và khoảng cách trong suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái” - TS Vũ Thu Hương trao đổi.

Chia sẻ tại một diễn đàn về sức khỏe giới tính, Nguyễn Ngọc Mai (17 tuổi, học sinh trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) giãi bày: “Ở lứa tuổi của chúng em, các bạn đều nghĩ rằng nảy sinh tình cảm thích hay yêu ai đó là rất bình thường, cũng là quyền của mỗi người. Nhưng bố mẹ dường như không nghĩ vậy. Bản thân em nếu thích ai có lẽ cũng không dám nói, không dám thể hiện ra vì từ trước bố mẹ đã nói rõ: Tuổi này con phải tập trung vào học hành, không được yêu đương, không được này kia… Trong khi bố mẹ không thể ngăn cấm được nhu cầu riêng hình thành mỗi ngày trong suy nghĩ, cảm xúc của con cái. Sẽ tốt hơn biết bao nếu chúng em biết được nhu cầu đó đúng hay sai ở đâu, hướng đi như nào? Thay vì trở thành người đồng hành để con có thể thoải mái chia sẻ, tìm đến khi cần tháo gỡ vướng mắc, giải đáp tò mò thì bố mẹ với quan niệm “thế hệ” của mình đang trở thành người đứng ở “bờ bên kia” trong cuộc sống của các con.

“Nhiều học sinh cấp II nhưng đã có vài người yêu và từng quan hệ nhiều lần. Qua trao đổi thì thấy, hầu hết các em đều thiếu kiến thức, không biết dùng các biện pháp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ mình như nghĩ rằng có thể tự tránh thai bằng cách xuất tinh ngoài, quan hệ xong vệ sinh bằng nước chanh…; ngây thơ tin tưởng vào sự “chung thủy” của nhau, tin vào lời ngon ngọt của đối phương dẫn đến vô số hệ quả không mong muốn”.
(BS Nguyễn Hoàng Hiệp - Trung tâm Y học giới tính - 
BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội)

Một rào cản khác từ phía bố mẹ đang là lý do vô hình đẩy trẻ đến những hành vi lệch chuẩn, theo TS Vũ Thu Hương, chính là cách phụ huynh chăm sóc, nuôi dạy con cái. Thay vì tìm hiểu để biết con cần gì, muốn gì, tôn trọng suy nghĩ, sự lựa chọn của con cũng như cho con có thêm cơ hội trải nghiệm; thì nhiều bậc cha mẹ đang sống thay con, gò ép con sống theo cách của mình khiến chúng cảm thấy ức chế, nhàm chán.

“Bây giờ cứ hình dung, trong cuộc sống nếu không có sự bận tâm gì thì bạn sẽ cảm giác nhàm chán thế nào? Trẻ em trong độ tuổi vị thành niên cũng vậy. Bây giờ nếu để ý đứa trẻ nào cũng giống đứa trẻ nào, sáng mở mắt ra đi học, tối về ăn, nghỉ, làm bài tập và đi ngủ; đều đặn như thế cả tuần, may ra thứ bảy, Chủ nhật có khác, nhưng khác ở đây là đi học thêm. Nhiều trẻ bây giờ còn không có nghỉ hè. Cuộc đời kéo dài 12 năm như thế cho đến khi ra đời. Trong khi vị thành niên là lứa tuổi thích khám phá. Rồi cả suy nghĩ thương con của phụ huynh là không để chúng làm việc nhà, không yêu cầu chịu trách nhiệm, không cần quyết định gì mà bố mẹ quyết hết… con chỉ cần tập trung vào học. Các bố mẹ nghĩ như thế là thương con, và chúng sẽ cảm ơn vì bố mẹ hy sinh cho mình. Nhưng kỳ thực, bố mẹ đang đóng hết cánh cửa khám phá của con, khiến cuộc đời chúng cực kỳ nhàm chán. Vì thế các bạn ấy sẽ khám phá và bị dụ dỗ bởi những thứ điên rồ, kích thích khác như phim nóng, thuốc lá điện tử, cảm giác yêu đương, quan hệ sớm…” - TS Vũ Thu Hương phân tích.

Thiếu “đường” cho “hươu chạy”?
Có một sự liên hệ giữa cách nghĩ mang tính “thế hệ” với cách giáo dục kiến thức SKSS cho trẻ vị thành niên hiện nay ở cả gia đình và nhà trường. Việc cho rằng đợi con lớn hơn mới dạy về giới tính cho con; hay khi chia sẻ lại nói theo cách né tránh… khiến trẻ vị thành niên không được trang bị đúng, đủ kiến thức về SKSS. 

Trong quá trình điều trị và tư vấn bệnh nhân, BS Nguyễn Hoàng Hiệp - Trung tâm Y học giới tính (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) từng gặp nhiều bạn trẻ đang trong tuổi vị thành niên, có bạn mới 14, 15 tuổi đã đến khám vì gặp bệnh lý lây nhiễm qua đường sinh dục. Nhiều bạn học cấp II nhưng đã có vài người yêu và từng quan hệ nhiều lần. Qua trao đổi thì thấy, hầu hết các bạn thiếu kiến thức, không biết dùng các biện pháp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ mình như nghĩ rằng có thể tự tránh thai bằng cách xuất tinh ngoài, quan hệ xong vệ sinh bằng nước chanh… thay vì sử dụng bao cao su; ngây thơ tin tưởng vào sự “chung thủy” của nhau, tin vào lời ngon ngọt của đối phương “làm thế này sẽ không có thai đâu, anh biết mà”… dẫn đến vô số hệ quả không mong muốn. Chính các bạn cũng thừa nhận mình không có ai hướng dẫn hay giải thích cụ thể về vấn đề giới tính để biết được cơ chế, cách chọn lọc thông tin đúng, nhất là trong thời đại mạng xã hội phát triển hiện nay.

Lý do khiến trẻ vị thành niên thiếu thông tin không chỉ đến từ phía gia đình mà một phần từ hệ thống kiến thức trang bị ở nhà trường. Cô Phùng Thị Thanh Hường - Hiệu trưởng trường THCS Thái Hòa (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành theo Thông tư số 32/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), nội dung giáo dục giới tính đã được đưa vào chương trình môn Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và chương trình môn Khoa học lớp 4, lớp 5. Các nội dung liên quan đến giáo dục giới tính như phòng tránh xâm hại... cũng được đưa vào nội dung của một số môn học khác như Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1. Trong sách Sinh học (lớp 8) cũng có những bài giới thiệu về cơ quan sinh dục nam, cơ quan sinh dục nữ, dấu hiệu tuổi dậy thì ở nam và nữ, các biện pháp tránh thai, các bệnh lây qua đường tình dục... Tuy nhiên, các kiến thức còn chung chung, và chưa có một môn học riêng biệt về SKSS, giới tính cho các em học sinh. 

Đấy là chưa nói tới việc, ngay cả quá trình giảng dạy kiến thức SKSS cho trẻ vị thành niên từ nhà trường tới gia đình cũng còn nhiều bất cập. Một trong số đó là cách truyền đạt hời hợt, ngập ngừng, thiếu thẳng thắn của thầy cô, cha mẹ. “Giới tính, SKSS là lĩnh vực nhạy cảm. Nếu chúng ta nghĩ chỉ dạy cái này, né cái kia sẽ rất dễ khơi gợi sự tò mò cho trẻ. Chẳng hạn thay vì nói rõ là “quan hệ tình dục”, mình lại dùng từ “những câu chuyện thầm kín”, thế là các em sẽ cảm thấy “ôi thầm kín mà, nó là như nào nhỉ”; rồi “những vấn đề liên quan tới câu chuyện thầm kín thì khi nào lớn hơn các con sẽ học”, thế là chúng lại càng tò mò hơn.

Hoặc trong vấn đề quan hệ tình dục, thay vì nói thẳng luôn: “Nếu các con quan hệ ở lứa tuổi này, các con có thể bị đi tù vì xâm hại bạn…”, chúng ta lại mập mờ: “Nếu các con yêu sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các con”. Sự lập lờ giữa chữ “yêu” và “quan hệ” khiến trẻ hiểu sai, vì chưa chắc yêu đã quan hệ, chưa chắc quan hệ đã là yêu. Trẻ không chỉ tò mò hơn mà còn không tin vào lời của chúng ta, đơn giản bởi chúng thấy “mình có yêu nhưng có ảnh hưởng sức khỏe đâu”. Rõ ràng vì chúng chưa quan hệ nên không ảnh hưởng gì” - TS Vũ Thu Hương ví dụ.

Kết quả, chính cách dạy nửa vời, “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng sai thời điểm, sai phương pháp nên đang diễn ra tình trạng “hươu chạy” trước khi có đường; hoặc “hươu” vừa “chạy” vừa dò dẫm tìm đường, và con đường đó có thể đúng, có thể sai.

Trong khi đó, sau lưng phụ huynh, trẻ đang làm nhiều điều mà bố mẹ không thể nghĩ tới. Có bạn từng viết truyện sex từ khi học lớp 4, mê mẩn truyện đam mỹ, ngôn tình rồi gọi nhau là “hủ nam”, “hủ nữ” (một thuật ngữ được sử dụng như tiếng lóng để chỉ một cô gái hay chàng trai yêu thích, hứng thú với những mối quan hệ đồng tính trên phim ảnh, truyền hình, manga, thậm chí là ngoài đời thật). Dần dần, tư tưởng “thế hệ”, sự không đồng điệu trong suy nghĩ đã đẩy cha mẹ, con cái dần xa nhau; trẻ thiếu nơi tin cậy để được tâm sự khi bước vào tuổi dậy thì” - TS Vũ Thu Hương phân tích. 

“Một vướng mắc khác đó là khó khăn của giáo viên trong quá trình giảng dạy kiến thức về SKSS cho các em học sinh. Chủ đề về SKSS, giới tính, tình dục, mang thai ngoài ý muốn… được xem là “nhạy cảm”, trong khi thầy cô không phải là chuyên gia hay có kiến thức chuyên sâu, cập nhật liên tục và đầy đủ thông tin về lĩnh vực đó; chưa kể hầu hết giáo viên giảng dạy các môn liên quan SKSS đa phần đều kiêm nhiệm. Vì thế, nếu không tổ chức thêm những tiết học ngoại khóa, mời chuyên gia đến chia sẻ về SKSS vị thành niên cho học sinh thì khó có thể giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin” - cô Phùng Thị Thanh Hường cho biết.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.