Cần đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em

Chia sẻ

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan ngày 17/3 nhằm khắc phục bất cập của luật hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người gây bạo lực, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Dù có Luật, bạo lực gia đình vẫn gia tăng nghiêm trọng

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, với vai trò là tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho quyền bình đẳng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định trách nhiệm của mình trong phòng chống bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được ban hành (năm 2007), nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng.

Tham gia góp ý vào Luật sửa đổi, bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019 cho thấy, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại. 21,3% đối tượng có hành vi xâm hại, bạo lực là người thân trong gia đình.

Các đại biểu tham gia hội thảo góp ý sửa đổi Luật PCBLGĐCác đại biểu tham gia hội thảo góp ý sửa đổi Luật PCBLGĐ

Điều đáng lo ngại là, còn nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em... Công tác theo dõi, thống kê chưa được quan tâm đúng mức. Phân tích số liệu của Tổng đài 111 cũng cho thấy: Trẻ em bị bạo lực trong gia đình chiếm 65,88% số trường hợp trẻ bị bạo lực…

“Phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu bạo hành nhiều nhất. Pháp luật quy định nạn nhân bị bạo hành cần chủ động tố giác, khai báo đầy đủ và trung thực. Quy định này rất khó thực hiện, bởi đa số nạn nhân đều yếu thế, bị đe doạ và ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Do đó, họ không dám tố cáo hành vi của người gây bạo lực với mình” – bà Hoà phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Ngân Giang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội lấy dẫn chứng vụ việc xảy ra vào ngày 28/6/2021, Đào Văn Thịnh (SN 1979, trú tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) dùng dao chém chết 3 người là vợ và bố mẹ vợ vì vợ có ý định gửi đơn ly hôn; hay vụ bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị người tình của bố đánh tử vong; vụ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị người tình của mẹ bắn 10 chiếc đinh vào đầu.

Mới đây nhất, ngày 16/2/2022, Trần Văn Viên (30 tuổi, trú tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ném con gái 5 tuổi xuống sông Trường Giang khiến cháu bé tử vong do gọi điện cho vợ nhưng vợ không nghe máy khiến dư luận hết sức bàng hoàng.

Theo luật sư Ngân Giang, nguyên nhân của việc giải quyết bạo lực gia đình không hiệu quả là do mức độ quan tâm thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trong việc triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ năm 2007 của các tỉnh/thành phố rất khác nhau.

Ở các cấp cơ sở, vẫn còn tình trạng cán bộ hành pháp, chính quyền địa phương chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về luật này, nhiều trường hợp cán bộ địa phương không nắm được vụ việc, khi biết vụ việc thì đề nghị/yêu cầu nạn nhân rút đơn để “xử lý nội bộ” hoặc có thái độ phớt lờ không giải quyết. Có Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thường xuyên nói lời bênh vực người gây bạo lực, đổ lỗi cho nạn nhân…

Không gói gọn bạo lực là vấn đề chỉ trong nội bộ gia đình

Khoản 2 Điều 2, Luật PCBLGĐ năm 2007 có quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”. Khi tiến hành sửa đổi Luật, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là thừa và nên bỏ vì đã là phòng, chống bạo lực gia đình thì chỉ nên “gói gọn” trong phạm vi gia đình được pháp luật thừa nhận.

Là chuyên gia lâu năm về lĩnh vực gia đình, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng không nên loại bỏ quy định này vì các vụ việc bạo lực gia đình từ trước đến nay xảy ra rất nhiều ở các mối quan hệ hậu ly hôn và ở những cặp vợ chồng chung sống không hôn thú. Ngay từ khi soạn thảo Luật PCBLGĐ năm 2007, vấn đề này đã được cân nhắc rất nhiều và ban soạn thảo khi đó đã quyết định đưa vào để bảo vệ những nạn nhân của bạo lực trong các mối quan hệ thực tế đã và đang tồn tại trong xã hội như vậy.

Ông Khổng Ngọc Oanh, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khẳng định, phòng là cơ bản, nhưng chống cũng rất then chốt. Nếu Luật xử lý hời hợt, không đến nơi đến chốn thì không đủ sức răn đe. Ngoài công tác phòng ngừa, Luật PCBLGĐ cũng cần quy định rõ trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật, để khơi dậy ý thức cộng đồng trong phòng ngừa, tố giác tội phạm, không còn coi bạo lực, xâm hại trong gia đình là “chuyện của mỗi nhà”. Về chế tài xử lý, cơ quan chức năng khi nhận được tin báo cần ngay lập tức trích xuất camera, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể nạn nhân, nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi đối tượng gây án, có quyết định xử lý thật nghiêm nếu cần.

Còn luật sư Ngân Giang phân tích, cần áp dụng cụm từ “thành viên gia đình” vào trong điều khoản đối với vợ/chồng đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, như vậy mới bảo vệ được cả những đứa trẻ hoặc người thân khác trong gia đình ly hôn hoặc sống chung không hôn thú. “Cần phải hiểu rằng, Luật PCBLGĐ khác Luật Hôn nhân và Gia đình ở chỗ chỉ điều chỉnh những “gia đình có bệnh” và những nạn nhân của “chứng bệnh bạo lực” đó cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nếu chúng ta không có quy định bao trùm như vậy thì họ sẽ được bảo vệ theo quy trình nào?” – luật sư Ngân Giang đặt câu hỏi. Theo luật sư Ngân Giang, với số nạn nhân nữ chiếm tỷ lệ 85,19% (Báo cáo Kết quả 14 năm thi hành Luật PCBLGĐ năm 2022) thì mọi sửa đổi, bổ sung nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của Luật là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng yếu thế này, dự thảo Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết và khả thi.

Hạn chế “kết án” người gây bạo lực bằng cách phạt tiền

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, sửa đổi Luật PCBLGĐ cần tập trung vào 3 nội dung chính: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác này. Do đó, sửa đổi Luật PCBLGĐ là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảoÔng Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo

Ông Lợi cho rằng có một số nội dung cụ thể cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi Luật PCBLGĐ đó là: Cần làm rõ mục đích của Luật, ngăn ngừa mọi hình thức BLGĐ, và không bao gồm mục đích thứ cấp là duy trì hạnh phúc và mối đoàn kết gia đình; đảm bảo các biện pháp bảo vệ cho phép chấm dứt bạo lực ngay lập tức, bao gồm cả việc gia tăng thời hạn hiện tại của Lệnh cấm tiếp xúc. Đảm bảo rằng thủ phạm bạo lực gia đình là người duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, các biện pháp giải quyết BLGĐ hiện nay mới chỉ tập trung vào hòa giải với mục tiêu cuối cùng là hàn gắn và hòa hợp trong gia đình, và áp dụng xử phạt hành chính bằng tiền thay vì kết án (biện pháp này thường tác động tiêu cực đến nạn nhân vì tiền nộp phạt thường là tiền của cả gia đình, chứ không phải tiền, tài sản của riêng thủ phạm). Do đó, Luật cần quy định rõ rằng các chương trình giáo dục thay đổi hành vi tâm lý - xã hội cho người gây bạo lực thể chất phải được thực hiện như một phần nhưng không thay thế hình phạt. Không sử dụng hòa giải gia đình như là một giải pháp chủ chốt của Luật PCBLGĐ.

“Cần hạn chế việc sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho việc kết án, và cần quy định rằng bất kỳ một khoản xử phạt bằng tiền nào (là một phần của hình phạt) phải là từ tài sản trực tiếp của thủ phạm, chứ không phải từ ngân sách của gia đình. Các văn bản hướng dẫn dưới Luật phải nhất quán với Luật PCBLGĐ, bãi bỏ bất kỳ điều khoản mâu thuẫn nào và đảm bảo rằng các biện pháp xử phạt phải phù hợp với luật, Luật Hôn nhân và Gia đình và Bộ luật Hình sự sửa đổi” – ông Lợi nói.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng khẳng định, cần quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình, ngay từ khi có đơn tố giác tội phạm. Ông Hoa Hữu Vân khẳng định, Luật cần có tác dụng phòng ngừa từ gốc rễ. Trong Dự thảo Luật có ít nhất 17 điều, khoản, điểm quy định trách nhiệm của UBND xã, Công an, tổ dân phố. Việc đẩy mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong phát giác, ngăn ngừa tội phạm BLGĐ là rất cần thiết.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.