Du lịch Hà Nội sẵn sàng cho "hành trình mới"

Chia sẻ

Du lịch Thủ đô đã khởi động hành trình mới bằng chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022” với mong muốn mỗi người dân Hà Nội, du khách trong và ngoài nước “cùng lên chuyến xe với ngành du lịch” lăn bánh qua những nẻo đường đầy ắp trải nghiệm và cảm xúc.

Nắm bắt cơ hội phục hồi, phát triển trong giai đoạn “bình thường mới”

“Du lịch Hà Nội chào 2022” là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các sự kiện, lễ hội, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch trong điều kiện “bình thường mới”, thu hút khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Qua đó, góp phần đưa du lịch Hà Nội nhanh chóng phục hồi và phát triển, xứng đáng với vị trí là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Trở thành ngành kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Cơ hội để du lịch Thủ đô hướng tới mục tiêu trên không phải là không có cơ sở khi ngành “công nghiệp xanh” đang nhận được nhiều tín hiệu tốt cho sự phục hồi và phát triển. Từ đầu năm 2022 đến nay, theo Sở Du lịch Hà Nội, khách du lịch đến Hà Nội đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 2,8 triệu lượt (tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, cơ bản là khách nội địa với tổng doanh thu ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong giai đoạn “bình thường mới”, mọi hoạt động du lịch đã được mở cửa hoàn toàn với những chính sách rộng mở, các đơn vị lữ hành trên địa bàn Thủ đô đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu du lịch của khách nội địa, từng bước đón đầu dòng khách quốc tế. Các điểm vui chơi giải trí, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP đã bắt đầu sôi động. Trong hành trình mới này, nhiều sản phẩm du lịch, chương trình tham quan giải trí đặc biệt, sáng tạo đã được kích hoạt nhằm tăng tính trải nghiệm, mang đến những ấn tượng mới lạ, độc đáo và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của du khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ: Với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, du khách sẽ đến và nhớ về Hà Nội bởi những khoảnh khắc đẹp và chính người dân Hà Nội có thể “đi du lịch” đến những địa điểm “quen mà lạ” để thêm yêu và tiếp tục đóng góp, kiến thiết cho Thủ đô. Đây cũng là hướng đi mà du lịch Hà Nội đã khai thác hiệu quả và rất phù hợp với xu hướng du lịch mới - du lịch văn hoá, thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên của du khách trong và ngoài nước thời kỳ hậu Covid-19.

Bà Đặng Hương Giang cho biết thêm: Sở Du lịch đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành uy tín tập trung nâng cấp, phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, cộng đồng theo hướng du lịch xanh; điểm đến du lịch gắn với di sản-di tích, làng nghề… tại 4 tuyến chính từ trung tâm TP đến làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), khu di tích thắng cảnh chùa Hương tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục tổ chức các sự kiện lễ hội; tăng cường quảng bá du lịch Hà Nội trên các nền tảng số, kênh truyền thông lớn trong và ngoài nước... Đặc biệt, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức từ ngày 12-23/5 tại Hà Nội là cơ hội rất tốt để quảng bá, giới thiệu hình ảnh và các sản phẩm du lịch độc đáo của Thủ đô đến với khách quốc tế.

“Ngày hội khinh khí cầu - Hà Nội muôn màu” trong khuôn khổ chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”Ảnh: Int“Ngày hội khinh khí cầu - Hà Nội muôn màu” trong khuôn khổ chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”  Ảnh: Int

Đánh thức tiềm năng du lịch Thủ đô

Hiện thực hoá chủ trương trên, vào ngày 30/4 tới đây, không gian phố đi bộ thứ 3 của TP Hà Nội được đưa vào hoạt động thí điểm. Đó là không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) góp phần tạo thêm điểm vui chơi giải trí cho nhân dân và du khách. Ông Trần Đình Chiến, Phó phòng Quản lý đô thị thị xã cho biết, tuyến phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây là định hướng phát triển lâu dài của địa phương, được kết nối với nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn như đền Và, chùa Mía, làng cổ Đường Lâm… và các điểm du lịch sinh thái, nông thôn, nông nghiệp tại các huyện lân cận như Phúc Thọ, Ba Vì… Công tác chuẩn bị cho việc khai trương phố đi bộ đã đạt 80% tiến độ, nhiều hạng mục đang gấp rút hoàn thiện. Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm dự kiến nuôi 70 đôi chim bồ câu từ nguồn xã hội hóa tại đây, huấn luyện, gây đàn để hình thành và phát triển “Đàn chim Thành cổ Sơn Tây”; thả 500 con cá koi và cá chép vào hai giếng ngọc tạo cảnh quan; lắp 2 điểm quét mã QRcode với giao diện 360 độ tại 2 cổng Thành cổ giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây.

Ngoài ra, có nhiều chương trình văn hoá văn nghệ, trình diễn nghệ thuật được tổ chức hàng tuần. Kết nối với sự kiện này, một số đơn vị đang xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, cắm trại, du lịch mạo hiểm cuối tuần tại làng cổ Đường Lâm và vườn Quốc gia Ba Vì. Đại diện công ty du lịch VietFoot Travel cho biết sẽ tổ chức tour rong ruổi trải nghiệm làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp…

Theo ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, lượng khách đến làng cổ Đường Lâm ngày càng lớn, việc bổ sung tuyến phố đi bộ vào chương trình du lịch của Sơn Tây sẽ là điểm nhấn góp phần đa dạng hơn các sản phẩm du lịch của thị xã và một số huyện lân cận, mang lại cho du khách thêm nhiều trải nghiệm lý thú. Đây cũng là điểm để níu chân du khách…
Trước đó, vào ngày 16/4, tại khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức khai trương du lịch Ba Vì năm 2022 với chủ đề “Du lịch Ba Vì - Trải nghiệm xanh, an toàn”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Anh, trong dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm một số sản phẩm du lịch tiêu biểu của huyện như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Ao Vua; dịch vụ nghỉ dưỡng tại các khu du lịch, khách sạn cao cấp và các homestay; chợ phiên Mường - Dao Ba Vì tại bản Coốc (xã Minh Quang) với nhiều hoạt động tìm hiểu nét đẹp văn hoá của bà con dân tộc như tục vác nước đầu xuân của già làng Mường, tìm hiểu bộ lịch cổ đại của người Mường…; tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì và các di tích lịch sử... Ngoài ra, huyện tiếp tục giới thiệu các sản phẩm du lịch mới như: Lễ hội cơm mới vào 10/10 âm lịch tại bản Coốc, lễ hội khinh khí cầu gắn với hoạt động trải nghiệm và trình diễn hoa dã quỳ tại vườn quốc gia Ba Vì; sản phẩm văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường…

Tại khu vực nội thành, theo đại diện lãnh đạo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, khu di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long đều khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vụ lữ hành nâng cấp tour, xây dựng tour mới tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách.

Tăng cường kết nối và đào tạo nhân lực

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội được đánh giá tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng sau hơn 2 năm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhân lực trong ngành có sự biến động. Vì vậy, hiện nay, nhiều đơn vị đang rà soát lại cơ sở hạ tầng, đào tạo lại đội ngũ hiện có và tuyển dụng thêm nhân sự. Trong giai đoạn trước mắt sẽ tập trung khai thác du lịch nội địa hè mà mở đầu là hai dịp nghỉ lễ trong tháng 4; sau đó đón khách du lịch quốc tế. Theo ông Phùng Quang Thắng, việc luân phiên như trên là hợp lý, giảm áp lực cho hạ tầng du lịch và nhân lực vẫn đang còn yếu và thiếu.

Cũng như mong muốn của lãnh đạo công ty lữ hành Hanoitourist, đại diện nhiều đơn vị lữ hành tại Hà Nội đều mong muốn TP Hà Nội hỗ trợ đào tạo lại nhân lực du lịch.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: Sở rà soát lại lực lượng lao động trong ngành để phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng lại cho nhân lực làm du lịch cộng đồng; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và quản trị hoạt động, góp phần năng cao hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp.

HẠNH LÊ - NAM LINH

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.