Giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em: Cần lấy nạn nhân làm trung tâm

Chia sẻ

Gia tăng các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em nghiêm trọng trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của nạn nhân, gây nhức nhối trong xã hội; đồng thời đặt ra vấn đề lớn trong việc phát hiện, giải quyết các vụ việc để phòng ngừa, xử lý răn đe.

Bởi thực tế, nhiều vụ việc bị "chìm xuồng", hoặc xử lý không triệt để, khiến tình trạng xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em ngày càng gia tăng nghiêm trọng.

Nhiều khó khăn trong giải quyết các vụ xâm hại tình dục

Theo quy định của pháp luật, khi xử lý các vụ việc xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em chủ yếu dựa vào chứng cứ phạm tội. Việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm tình dục là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hiện nay lại quy định nạn nhân phải có trách nhiệm chứng minh mình bị xâm hại tình dục trái ý muốn.

Đây là một bất cập, vì việc này đang đặt trách nhiệm chứng minh tội phạm lên nạn nhân và biến hành vi của nạn nhân thành yếu tố trung tâm trong việc xác định tội phạm tình dục. Việc xác định chứng cứ để chứng minh lại phải tiến hành nhiều bước, trải qua nhiều quy trình, trong khi "thời gian vàng" để lưu lại chứng cứ không nhiều. Nhiều bị hại và người thân của bị hại đã bỏ lỡ "thời gian vàng" này khiến việc để lại chứng cứ không còn. Do đó, không đủ chứng cứ để xét xử thủ phạm, dẫn đến tình trạng xử lý vụ việc kéo dài, hoặc bị "chìm xuồng".

Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật; tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em" do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 31/3, Tiến sĩ Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TAND tối cao dẫn chứng qua vụ việc một bé gái bị chủ tiệm cắt tóc xâm hại tình dục.

Người mẹ đã gửi con gái đến tiệm cắt tóc 2 tiếng rồi đón về. Những ngày sau đó, chị phát hiện con gái trầm lắng, hỏi thì con cho biết bị người chủ tiệm cắt tóc cưỡng hiếp và nói yêu.

Người mẹ đi tố cáo chủ tiệm cắt tóc về hành vi xâm hại con gái mình. Nhưng do không có chứng cứ, cơ quan không khởi tố vụ án. Người mẹ tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh, nhưng vẫn bị cho rằng không có chứng cứ để khởi tố vụ án. Sau đó, người mẹ cầu cứu lên TƯ Hội LHPN Việt Nam. Bấy giờ, con gái chị được chuyển vào nhà tạm lánh, các cơ quan tố tụng tham mưu được mời vào cuộc. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì cháu bé từ chối lấy lời khai vì nghĩ rằng trước đó đã trả lời nhiều lần nhưng không có kết quả… Vụ việc không có chứng cứ nên buộc phải dừng lại.

Theo thẩm phán Lương Ngọc Trâm, qua công tác xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho thấy nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không biết thu thập chứng cứ để đưa cho các cơ quan chức năng, hoặc lưỡng lự trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ xâm hại trẻ em cho cơ quan chức năng. Đối với hành vi dâm ô, trẻ em không biết nói và không biết mô tả, trong khi hành vi dâm ô không để lại dấu vết nên khó chứng minh với loại tội phạm này. Thông thường, 100% người dâm ô không bao giờ thừa nhận tội danh, nếu không có người chứng kiến, camera ghi hình lại. Đây là gánh nặng đối với những người giải quyết vụ việc xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em.

Mặt khác, khi vụ án được đưa ra xét xử tại tòa án, vì một số lý do nào đó bị cáo phản bác giám định pháp y trong khi người bị hại từ chối giám định lại, gây khó khăn cho việc xét xử. Giám định pháp y là vấn đề đang cản trở các vụ án hiện nay. Bản lĩnh của Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra là cũng một vấn đề khi giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em. Trong nhiều vụ việc, bị cáo thuê từ 3-5 luật sư, trong khi bị hại chỉ có 1 người bảo vệ miễn phí... Gánh nặng đặt lên tòa án, đội ngũ xét xử phải có trình độ, phán quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo không ảnh hưởng đến tâm lý bị hại và gia đình bị hại…

Dẫn chứng về sự nhạy cảm trong phát hiện chứng cứ của thủ phạm trong quá trình giải quyết vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em, bà Võ Thị Bích Hà (Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội) lấy ví dụ về vụ án hiếp dâm cháu bé xảy ra ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Ban đầu lời khai của thủ phạm Nguyễn Trọng Trình là hành vi dùng tay dâm ô cháu bé. Nhưng khi cơ quan chức năng chụp ảnh thấy bộ phận sinh dục của thủ phạm có dị vật đã yêu cầu giám định lại, trùng hợp với vết rách ở bộ phận sinh dục nạn nhân.

Vụ án chuyển sang hành vi “hiếp dâm”, không phải “dâm ô” như ban đầu. Tại tòa, bị cáo vẫn không nhận tội, Viện kiểm sát vẫn truy tố với hình phạt cao nhất, đưa ra chứng cứ, và tòa đã tuyên bị cáo chung thân, hình phạt cao nhất với tội danh hiếp dâm.

Bị cáo Nguyễn Trọng Trình trong vụ án xâm hại tình dục bé gái ở Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị thay đổi tội danh từ dâm ô sang hiếp dâm, xử lý đúng người đúng tội	Ảnh: PVBị cáo Nguyễn Trọng Trình trong vụ án xâm hại tình dục bé gái ở Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị thay đổi tội danh từ dâm ô sang hiếp dâm, xử lý đúng người đúng tội   Ảnh: PV

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tham gia giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em

Từ nhiều vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em bị phát hiện và đưa ra xử lý cho thấy, ngoài việc tố cáo của người bị hại, gia đình bị hại ra thì vai trò phát hiện, tố cáo từ cộng đồng rất quan trọng. Nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề mới được phát hiện cho thấy tình trạng trẻ bị bạo hành đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng do người thân nạn nhân thiếu hiểu biết pháp luật, do cộng đồng hạn chế trong nhận thức tố giác hành vi bạo lực trẻ em nên đã vô tình "tiếp tay" cho thủ phạm kéo dài hành vi bạo hành.

Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân rất quan trọng. Theo luật sư Nguyễn Văn Hà (Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội), việc phổ biến kiến thức pháp luật để mọi người tham gia trong việc phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em rất quan trọng.

Khi người dân được phổ biến pháp luật họ sẽ biết cách tự bảo vệ bản thân, biết cách nhận biết hành vi đúng hay không đúng để lên tiếng, can thiệp, góp phần ngăn ngừa hành vi bạo lực, xâm hại, bảo vệ kịp thời cho nạn nhân. Nếu người dân thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn đến việc người bị hại không hợp tác, công việc bảo vệ rất khó khăn. Vì vậy cần phải tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về từng ngõ ngách, xóm làng… Cùng với đó có sự kết nối đến các cơ quan chuyên môn, tòa án để can thiệp.

Theo luật sư Hà, một hạn chế khác liên quan đến yêu cầu giải quyết vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, đó là có yêu cầu thì cơ quan chức năng mới giải quyết. Do đó, trong các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em cần kiến nghị các cơ quan Nhà nước chủ động giải quyết, không chờ có yêu cầu mới vào cuộc.

Bà Vũ Thanh Tú - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) cũng cho rằng, cách thức truyền thông trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực là phải truyền thông để ngăn chặn từ đầu, truyền thông để khi vụ việc xảy ra thì người dân cần làm gì? Tuy nhiên hiện nay, nội dung tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật vẫn còn hạn chế, địa phương vẫn chưa quan tâm đến nội dung này. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, phổ biến pháp luật chưa nhiều.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết, là cơ quan đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, với vai trò đơn vị được UBND TP Hà Nội phân công chủ trì triển khai Đề án 938 của Chính phủ "Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ", Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng mô hình liên ngành tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em từ cấp thành phố đến cơ sở.

Ở cấp thành phố đã thành lập Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; cấp huyện và cơ sở đến nay đã thành lập 64 tổ "Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em" với sự tham gia đầy đủ các cơ quan tố tụng, ngành lao động, hội phụ nữ và các chuyên gia pháp luật.

Thí điểm mô hình "Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái"; mô hình "Làng quê an toàn" đã bước đầu xây dựng các tiêu chí về môi trường sống an toàn, lành mạnh không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, được các cấp chính quyền ủng hộ.

Đồng thời, ký kết các chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an TP Hà Nội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Cùng công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, các cấp Hội cũng đã tích cực nắm bắt, phát hiện, lên tiếng kịp thời các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn.

Cần có nhạy cảm giới trong xét xử các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em Nhạy cảm giới trong việc phát hiện, giải quyết, xét xử các vụ việc xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em là rất quan trọng. Bởi hiện nay định kiến giới về vấn đề này vẫn còn nặng nề, khiến nạn nhân từ người bị hại lại bị đổ lỗi ngược trở lại, trở thành nguyên nhân khiến thủ phạm phạm tội.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân và xử lý thủ phạm nghiêm minh, trong việc xét xử các vụ việc liên quan đến tội phạm tình dục, bạo lực cần lấy phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực làm trung tâm, ưu tiên sự an toàn và nhu cầu thực tiễn của họ.

Đồng thời phải yêu cầu người gây bạo lực chịu trách nhiệm với hành vi của mình, thay vì bỏ qua, hoặc xét xử ở tội danh nhẹ hơn. Trong quá trình tố tụng, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền tố tụng cần phải có nhận thức về giới, nhạy cảm giới, trách nhiệm về giới, thì mới góp phần xóa bỏ định kiến giới vốn tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em trong cả lời nói và hành động.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.