Hiện thực hóa khát vọng "thành phố bên sông"

Chia sẻ

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt và công khai nội dung đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hoá khát vọng xây dựng “thành phố bên sông”, khơi dậy các giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng đất bãi rộng lớn, góp phần tạo diện mạo mới hiện đại và văn minh cho Thủ đô.

Cơ hội khai thác hiệu quả tiềm năng sông hồng

Phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện với diện tích gần 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%); phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như các xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá…
Đây là quỹ đất vô cùng lớn nhưng nhiều năm nay chưa được khai thác hiệu quả.

Tại khu vực bãi giữa chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng rau màu, cây ăn quả…) giá trị kinh tế không cao. Ở khu đất bãi bồi dọc hai bên bờ sông, nhiều diện tích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; đặc biệt ở những khu vực gần khu dân cư, khu vực giáp ranh. Tại khu đất có diện tích 7097,9m2 nằm sâu trong ngõ 76 phố An Dương - địa bàn giáp ranh phường Tứ Liên và Yên Phụ (quận Tây Hồ) có nhiều mảnh đất rộng được chăng dây thép hoặc quây tôn để làm nhà xưởng, trồng cây, cá biệt có không ít người dân lao động nghèo dựng lều lán làm nơi sinh sống…

Những con đường ngang dọc ở đây đều là đường đất, trong đó, có nhiều đoạn đã thành điểm tập kết vật liệu xây dựng, phế thải và rác thải sinh hoạt trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Khảo sát thêm khu đất bãi bồi qua địa phận quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Long Biên, nhất là tại các lạch sông cạn, nhiều năm trước, không ít cá nhân lợi dụng đổ phế thải trái phép, dần dần “bồi đắp” thành mặt bằng. Điển hình là tại khu vực cuối ngõ 310 phố Nghi Tàm (phường Tứ Liên). Sau khi có mặt bằng từ việc đổ phế thải, một số hộ đã san gạt, dựng lều lán để ở và đặt cây cảnh.

Những vi phạm này tồn tại khá lâu nhưng khó để xử lý dứt điểm. Theo ông Hoàng Văn Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), khi lực lượng chức năng quyết liệt lập chốt, các vi phạm được xử lý. Song, do việc dựng lều lán, quây tôn diễn ra rất nhanh (chỉ mất 2-3 tiếng là xong) và thi công vào ban đêm để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Trung bình mỗi năm, phường Yên Phụ tổ chức từ 40-50 đợt cưỡng chế những vi phạm trên, thậm chí có nhiều “công trình” tái vi phạm đến cả… chục lần. Bên cạnh đó, tại một số khu vực ven sông đã hình thành những xóm nghèo tạm bợ trên những căn nhà nổi, nhà lắp ghép lấn chiếm mặt nước khu vực bãi sông Hồng hay những khu nhà trọ đông đúc với giá thuê rẻ cho người lao động ngoại tỉnh làm thuê tại một số cơ sở kinh doanh lớn trong nội đô.

Với thực trạng trên, việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt với định hướng sông Hồng trở thành trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm chính là cơ sở để TP khai thác hiệu quả tiềm năng sông Hồng, nhất là tiềm năng khai thác quỹ đất khu vực bãi giữa, bãi bồi, góp phần thay đổi diện mạo cho khu vực này, đồng thời phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân sống bên sông.

Từ đó, TP có đủ căn cứ pháp lý từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng “thành phố bên sông”. Với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, TP cũng đã cơ bản hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn.

Khu đất bãi giữa sông Hồng hiện chỉ để trồng rau màu và một số loại cây ăn quảKhu đất bãi giữa sông Hồng hiện chỉ để trồng rau màu và một số loại cây ăn quả

Không gian xanh giữa lòng thành phố

Theo quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng gồm 3 phân đoạn chính: Từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long trở thành khu vực phát triển không gian sinh thái; từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì là khu vực trung tâm, đa chức năng với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và cuối cùng, từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái trọng tâm với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, thủy sản.

Đồ án quy hoạch cũng xác định xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm cầu: Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo góp phần thay đổi về mặt giao thông đô thị cũng như giúp cho hệ thống thoát lũ trên sông Hồng được vận hành tốt hơn. Ngoài ra, TP định hướng khai thác thềm cảnh quan ở những khu vực xen kẹt ngoài bãi sông để có thể kết hợp thành công viên hay tiện ích để phục vụ người dân.

Nếu như ở các dự thảo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trước đây, toàn bộ khu vực dân cư nằm trong hành lang thoát lũ đều được yêu cầu di dời dẫn tới khó khả thi thì ở Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được UBND TP phê duyệt, đối chiếu Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thuật ngữ này được mở rộng thành không gian thoát lũ và chỉ di dời các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn. Có một phần khu dân cư được tồn tại, đặc biệt là làng xóm hiện hữu lâu đời. Những khu vực không phải di dời sẽ được xác định quỹ đất để đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo điều kiện sống cho người dân tốt hơn, đặc biệt đưa ra tiêu chí an toàn trong phòng, chống lũ.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy: Sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, đồng chí Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị và địa phương có liên quan tăng cường quản lý, lập Quy hoạch chi tiết 1/500 các khu vực dân cư được tồn tại. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng, phát triển hạ tầng xã hội ở những khu dân cư được tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân; là công cụ để cấp phép xây dựng, quản lý đất đai…

Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thu gom, xử lý phế thải tại khu đất giáp danhPhường Yên Phụ, quận Tây Hồ thu gom, xử lý phế thải tại khu đất giáp danh

Tập trung khắc phục tồn tại, xử lý dứt điểm

Để Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng triển khai đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra, ngay từ lúc này các địa phương đã tăng cường quản lý, bảo đảm sử dụng quỹ đất hiện hữu đúng quy định; quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm; không để phát sinh thêm về diện tích đất ở, số hộ dân sinh sống ngoài đê, ngoài quy hoạch.

Phường Chương Dương và Phúc Tân là hai địa bàn của quận Hoàn Kiếm nằm bên bờ sông Hồng. Đây là hai phường có quỹ đất rộng (tổng diện tích là 179,8ha) và đông dân nhất của quận với 39.702 người nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở thuận lợi để quận tiếp tục nghiên cứu tái thiết bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng.

Tại quận Ba Đình, phường Phúc Xá là địa bàn tiếp giáp với sông Hồng. Ông Bùi Thanh Xuân - Chủ tịch UBND phường cho biết, ở khu vực bãi giữa sông hiện có 20 hộ canh tác nông nghiệp; còn tại khu vực bãi bồi phía sau chợ Long Biên, để chống tái lấn chiếm, tái đổ trộm phế thải và cải tạo môi trường, phường đã xây dựng con đường ven sông và lắp hàng rào. Thực hiện sự chỉ đạo của quận, phường đã xây dựng kế hoạch lập hồ sơ quản lý hiện trạng các công trình xây dựng của các hộ dân sinh sống ở khu vực bãi bồi nhằm lưu trữ thông tin, dễ dàng quản lý và phát hiện vi phạm mới (nếu có). Dự kiến, công việc này được phường triển khai trong tháng 4.

Tại quận Tây Hồ, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Lê Hoàng, quận đã chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung khắc phục tồn tại, xử lý dứt điểm các vi phạm, chống tái phạm như thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều tại khu vực bãi sông trên địa bàn 5 phường ngoài đê (gồm Yên Phụ, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Tứ Liên); duy trì lực lượng chốt tại cuối ngõ có lối đi ra bờ sông trên địa bàn; thiết lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định với các vi phạm trật tự xây dựng; giải tỏa và thu hồi mặt bằng, dựng hàng rào chống lấn chiếm tại 7 khu đất; tổ chức cắm các biển Thông báo đất công để người dân được biết và nghiêm chỉnh chấp hành.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.