Kỳ 2: Cuộc sống thiếu thốn trong những dãy nhà trọ

Chia sẻ

Với đồng lương chưa cao lại đang phải chi trả nhiều chi phí như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hàng ngày của gia đình, tiền ăn học của con cái… cuộc sống của đa số công nhân ngoại tỉnh rất vất vả, thiếu thốn. Để có tiền mua nhà để có chốn an cư là câu chuyện xa vời.

Môi trường sống chưa đảm bảo

Trong số các địa phương có KCN tại Hà Nội, xã Kim Chung, huyện Đông Anh có số lượng công nhân thuê trọ tại các nhà dân lớn nhất, chiếm đến hơn 50% dân địa phương. Từ nhiều năm nay, Kim Chung luôn là địa bàn cấp xã có quy mô dân số đông của Hà Nội. Dù có các khu nhà ở công nhân tập trung nhưng số công nhân thuê trọ tại khu nhà dân xây dựng tự phát rất đông, tạo sức ép lớn lên hạ tầng xã hội.

Ở cuối thôn Hậu Dưỡng, những nhà trọ là nơi cư trú của nhiều gia đình trẻ. Mỗi căn phòng chỉ tầm 10m2, để vừa một chiếc giường đôi, chiếc tủ lạnh và góc bếp nhỏ nhưng có giá thuê khá rẻ so với mặt bằng chung: 500.000 đồng/tháng (chưa kể tiền điện, nước). Ở đây đã được hơn 3 năm, hai vợ chồng anh Nguyễn Duy Thanh, quê Thanh Hoá cho biết: “Căn phòng nhỏ xoay đâu cũng thấy đồ nhưng công nhân đi làm cả ngày, tối về ăn bữa cơm rồi đặt lưng ngủ để lấy lại sức.

Có nhiều chỗ khác diện tích thuê rộng hơn nhưng tiền nhà cao gấp rưỡi đến gấp đôi. Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của công ty lúc nhiều lúc ít khiến thu nhập bị ảnh hưởng, trong khi lương cơ bản không tăng. Có thời điểm công ty nhiều việc làm thêm, tăng ca thì thu nhập cải thiện thêm được 1-2 triệu đồng; còn không mỗi người chỉ có 5-6 triệu đồng/tháng, trong khi hàng ngày có nhiều khoản phải chi tiêu và cần dành một chút tiền tích luỹ”.

Vì điều kiện sống chưa đảm bảo, nhất là những ngày mưa gió hay đông lạnh, nhà cửa ẩm thấp, tường ngấm nước, muỗi và con cuốn chiếu nhiều, quần áo phơi cả tuần ngoài hiên vẫn ướt nên vợ chồng anh Thanh quyết định gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Thỉnh thoảng, vào những ngày nghỉ dài, hai vợ chồng tranh thủ về thăm con cho thoả nhớ mong”- chị Lê Thị Hằng, vợ anh Thanh nghẹn lời.

Những căn nhà trọ tốt hơn ở Kim Chung có giá thuê dao động từ 1-1,2 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, diện tích không quá 20m2, mái nhà lợp proximang, cửa sổ nhỏ, cửa chính bằng gỗ ép, tường nhà đa phần được phủ lại bằng giấy dán tường, đường điện chạy nổi và xuống cấp, các thiết bị điện cũ và sơ sài, khó có thể đảm bảo an toàn, an ninh, phòng cháy chữa cháy. Biết là “không thể đảm bảo bằng nhà ở quê nhưng trong điều kiện thu nhập của công nhân, đây là lựa chọn hợp lý nhất” - Nguyễn Văn Nam, công nhân nhà máy Hal Việt Nam cho biết.

San sẻ với xã Kim Chung là các xã lân cận như Hải Bối, Đại Mạch, Võng La… với số công nhân thuê trọ lên đến hàng ngàn người. Chị Vũ Thị Quý là công nhân công ty Ziona, KCN Thăng Long. 10 năm làm việc tại đây cũng là quãng thời gian chị sinh sống trong căn nhà trọ ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, cách KCN Thăng Long chưa đầy 2km.

Chỉ có khác, hiện nay, khi đã xây dựng gia đình và có 3 người con, chị Vũ Thị Quý đã phải thuê thêm một phòng trọ nữa mới đủ không gian cho gia đình 5 thành viên và đặt thêm một số thiết bị gia dụng cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, cả 2 phòng trọ này cũng chỉ rộng hơn 30m2. Diện tích chật hơn so với căn chung cư dành cho hộ gia đình tại khu nhà ở công nhân mà giá thuê tương đương. Chưa kể, tiền điện, tiền nước được tính theo giá cao hơn khiến cho khoản tiền nhà hàng tháng chiếm một phần lớn trong “giỏ” chi tiêu của gia đình.

Những ngày đầu tháng 4, nhiệt độ tăng cao, căn phòng vốn đã chật lại càng trở nên nóng bức, chiếc quạt treo tường hoạt động liên tục nhưng đến mùa hè, theo chị Quý, cũng không có tác dụng mấy. Đưa tay lên trần nhà, chị Quý cho biết thêm: Mái nhà lợp proximang nên rất nóng, dù có thêm mái tôn chống nóng cũng không ăn thua, nhà chị phải ốp một lớp gỗ thì mới giảm bớt được nhiệt. “Tôi đã làm đơn thuê căn hộ ở khu nhà ở công nhân nhưng vẫn chưa đến lượt.

Không biết chờ đến bao giờ nên tôi cứ cải tạo lại căn phòng để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn” - chị Quý nói. Cũng giống như nhiều nhà trọ tự phát khác ở trong xã và các xã lân cận, căn nhà trọ của chị Quý được xây dựng cách đây hơn 10 năm và đã xuống cấp, tường nhà có chỗ sơn vữa bong tróc; mùa hè thì nóng, mùa đông xuân thì ẩm thấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là với trẻ con. Trong điều kiện sống như vậy, không gian công cộng dành cho trẻ nhỏ vui chơi và thư giãn giải trí của người lớn đều thiếu thốn. Quan trọng hơn, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc phòng chống dịch tại khu nhà trọ gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng đang niêm yết các quy định đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch tại các khu nhà trọ tại xã Hải Bối,huyện Đông AnhLực lượng chức năng đang niêm yết các quy định đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch tại các khu nhà trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh

Chưa quan tâm hạ tầng ngoài “hàng rào” khu công nghiệp

Hồi tháng 9/2021, thực hiện “một cung đường hai điểm đến” để phòng chống dịch, đại diện một công ty điện tử tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh đã mất nhiều thời gian để tìm khu nhà thuê cho công nhân nhưng tại thị trấn Chi Đông, thị trấn Quang Minh, hầu hết là các khu nhà trọ có diện tích nhỏ, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo…

Nhu cầu nhà ở của công nhân là rất lớn; trong đó nhiều công nhân đã có hơn 10 năm, thậm chí là 15 năm làm việc tại nhà máy điện tử. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng tay nghề. Gắn bó với công ty, nhiều người có mong muốn được sở hữu căn nhà riêng của mình để nâng cao chất lượng sống, không phải ở tạm bợ trong những căn nhà thấp bé.

Tuy nhiên, với đồng lương và thu nhập hiện nay dừng lại ở mức từ 8-10 triệu đồng/ người/tháng, giấc mơ sở hữu nhà ở là khó khả thi. Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 năm nay tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, những người LĐ ở vùng 1 (trong đó có TP Hà Nội) phải thuê nhà trung bình là 1,436 triệu đồng. Đây là mức cao hơn nhiều so với tiền thuê nhà được tính lương tối thiểu mà bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất khi xây dựng mức lương tối thiểu cho người LĐ.

Ngoài ra, cũng theo khảo sát trên, 56,1% người LĐ cho biết, vừa đủ trang trải tiền lương và thu nhập cho cuộc sống hàng ngày; 21% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ. Một bộ phận lớn người LĐ phải đi vay tiền để chi tiêu, trong đó 11,2% người LĐ hàng tháng phải đi vay tiền, 35,6% người LĐ phải đi vay từ 3-4 tháng/lần và chỉ có 17,7% người LĐ chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống.

Chính vì không đủ sống nên hơn 1/5 số người được khảo sát cho biết đã từng phải rút bảo hiểm xã hội một lần rồi sau đó vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi có. Điều này cho thấy cuộc sống của họ rất khó khăn và rút bảo hiểm xã hội một lần là sự lựa chọn cuối cùng để lại hệ lụy lớn cho người LĐ và xã hội.

Từ khảo sát trên cho thấy, việc điều chỉnh lương tối thiểu sau khi Chính phủ ban hành chương trình tài khoá lớn nhất từ trước đến nay để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 có trị giá 350 nghìn tỷ đồng, và dành gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là cần thiết.

TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định: Từ thực tế đại dịch Covid-19 cho thấy, vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp khi duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất là “giữ chân” người LĐ. Với gói hỗ trợ của Chính phủ, nhà ở công nhân lâu nay chỉ được xem là một phân khúc nhà ở phụ trên thị trường bất động sản thì nay hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá.

Theo TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, do thiếu sự gắn kết quá trình phát triển khu công nghiệp với quá trình hình thành và phát triển đô thị từ khâu quy hoạch, đầu tư cũng như công tác quản lý. Mô hình KCN những năm trước chủ yếu phát triển tập trung công nghiệp đơn thuần, thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội dẫn đến thiếu các khu nhà ở tập trung cho người LĐ cùng nhiều thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, khu vui chơi giải trí… Tất yếu là công nhân phải ra thuê trọ tại các dãy nhà xây tự phát chật chội, thiếu thốn, đông đúc.

Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Bài và ảnh: HẠNH LÊ

 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.