Xây dựng chính quyền số, chính phủ số: Kiến tạo để phát triển

Kỳ 2: Nhận diện những thách thức

Hạ Thi - Phạm Hằng
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công cuộc chuyển đổi số của các ngành, các cấp, nhiều thách thức đã lộ diện.

Kỳ 2: Nhận diện những thách thức - ảnh 1
Người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính. ảnh: minh họa

Những hạn chế lộ diện 
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cho rằng, những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng trong công tác chuyển đổi số những năm qua là rất đáng ghi nhận. Bởi chúng ta thực hiện trong một bối cảnh còn nhiều những hạn chế, những rào cản, khó khăn và thách thức. 

Theo ông Giang, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra thì cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. Hiện nay, tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang có xu hướng nghiêng về một số đơn vị nhất định, nếu không tạo ra sự đồng thuận của các cơ quan trong tiến trình này, cùng làm, cùng tìm cách thực hiện mà chỉ đơn thuần thực hiện nó như một nhiệm vụ chính trị thì nó sẽ là trở ngại lớn nhất của các địa phương. Ai phụ trách về chuyển đổi số thì người đó hô hào lên, người đó làm, còn những ai không liên quan, hoặc liên quan chỉ vì phải làm thì họ làm cho có, cho xong, đối phó. Hiện trạng này đang diễn ra từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương. Chúng ta không thể chuyển đổi số được nếu không huy động được sự đồng hành, đồng thuận của các bên tham gia.

Báo cáo Xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 chỉ ra rất nhiều tồn tại và hạn chế trong việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở nước ta hiện nay. Thứ nhất, về thể chế, môi trường pháp lý cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số của chúng ta chưa hoàn thiện, nhiều khó khăn, vướng mắc chỉ có thể giải quyết ở việc sửa luật. Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai chính phủ điện tử hiện chưa được ban hành (như nghị định về định danh, xác thực điện tử; nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân…). 

Báo cáo xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc phân tích các nội dung phát triển Chính phủ số của các nước và đưa ra 9 trụ cột chính để phát triển Chính phủ số, bao gồm: Tầm nhìn, lãnh đạo, tư duy đổi mới; khung pháp lý, thể chế; tổ chức và văn hóa; tư duy hệ thống; quản trị dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; các nguồn lực; năng lực của các tổ chức đào tạo; năng lực xã hội. Nếu một quốc gia nào có đủ 9 trụ cột trên thì việc phát triển Chính phủ số sẽ thành công nhanh chóng.

 Thứ hai, về dữ liệu: Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử chậm được triển khai, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia chưa được hình thành. Các giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là trong cung cấp dịch vụ công vẫn duy trì đồng thời theo cả hai phương thức truyền thống giấy tờ và trực tuyến. 

Thứ ba, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực tiễn cho thấy dù dịch vụ công trực tuyến được triển khai rộng khắp tại các bộ, ngành, địa phương, nhưng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao, số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến còn rất hạn chế. Về hạ tầng kỹ thuật và nền tảng dùng chung, hiện nay hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. 

Một hạn chế nữa là về an toàn, an ninh mạng. Hiện nay, an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ đầu tư cho an toàn, an ninh mạng còn thấp (khoảng 5%). Cùng với đó là tồn tại trong kinh phí đầu tư cho phát triển chính phủ điện tử, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh phí đầu tư cho chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu nhiều năm. Ước tính so với tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm, chi cho phát triển chính phủ điện tử chỉ chiếm khoảng 0,3%, trong khi tỷ lệ trung bình thế giới khoảng 1-2%. Thậm chí, quốc gia chú trọng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông như Singapore, tỷ lệ này ở mức 4%.

Đến những trở ngại, thách thức khi chuyển đổi số
Từ những hạn chế trên, đa số các địa phương khi triển khai công cuộc chuyển đổi số đã gặp không ít thách thức lớn. Lấy ví dụ thực tiễn từ công cuộc chuyển đổi số của TP Hà Nội. Trong các nghị quyết về phát triển Thủ đô, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025, trong đó ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. 

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua, các đơn vị, địa phương của TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại lớn khi thực hiện. Về công tác chuyển đổi số, các nhiệm vụ trong lĩnh vực này đều mới, khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) của đơn vị chuyên trách về CNTT tại các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp còn thiếu. Đặc biệt, tại khối xã, phường, thị trấn ở TP Hà Nội chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, trong thời gian qua, UBND quận đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ được Bộ Công an, UBND Thành phố giao tại Kế hoạch thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp chính để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2022-2026. Đó là sẽ xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT đồng bộ, số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, kết nối, chia sẻ dữ liệu cho nhiều hệ thống ứng dụng, góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan, đơn vị trong thời kỳ hội nhập theo đúng hướng dẫn, quy định. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng nhân sự chuyên trách về CNTT đang là một trong những nguyên nhân khiến công cuộc chuyển đổi số, cải cách hành chính bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.

Tại một số huyện như Mỹ Đức, Ứng Hoà, công tác triển khai các hoạt động chuyển đổi số dù đã được quan tâm, chú trọng, các địa phương thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc để thực hiện hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn; nhưng do đây là vấn đề mới nên trong quá trình thí điểm, triển khai các đầu việc liên quan đến chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Chương Mỹ Đặng Thị Nam cho biết: Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, phòng Văn hoá Thông tin đã tham mưu cho Huyện uỷ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gắn với xây dựng Thành phố thông minh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số tại cơ sở, huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong cách làm, đặc biệt là thiếu nhân lực để triển khai, hạ tầng CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi trình độ dân trí về CNTT trên địa bàn huyện là rất thấp. 

“Hiện nay, toàn huyện Chương Mỹ mới tập trung ở công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, trong đó có Đề án 06; phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện quảng bá các điểm di tích thông qua quét mã QR 3600. Huyện mong muốn các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như của Thành phố sẽ có những hướng dẫn cụ thể thông qua các mô hình, cách làm mới để địa phương sớm tiếp cận chuyển đổi số” - bà Nam nói.

Còn tại huyện Ứng hòa, đại diện phòng Văn hoá và Thông tin huyện cho hay, hiện nay địa phương băn khoăn về nguồn kinh phí để triển khai đề án về chuyển đổi số một cách phù hợp với thực trạng và kế hoạch đề ra. Đối với việc triển khai các nội dung liên quan đến xã hội số, Huyện gặp các khó khăn như: Ở khu vực nông thôn, nhiều người dân vẫn chưa quen với việc tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn còn ít nên việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số, đăng ký tài khoản ngân hàng… còn nhiều khó khăn hơn các địa phương khác nên cần có lộ trình triển khai phù hợp. 

Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số quý I/2023 của TP Hà Nội, năm 2023, Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của công tác này. Tuy nhiên, việc Cổng dịch vụ công TP Hà Nội đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức đã gây khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.
Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

(PNTĐ) - Trải qua hơn 15 năm với sứ mệnh trao quyền để thay đổi cuộc sống cho hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam, chương trình trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo kỹ năng trong ngành làm đẹp - L’Oréal Beauty for a better life (L’Oréal - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn) đã trở thành chương trình truyền cảm hứng và trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho những phụ nữ dám mơ ước và quyết tâm vượt qua khó khăn để thành công trong ngành làm đẹp.
Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

(PNTĐ) - Ở Hà Nội, chăn trâu ở thành phố nhàn hơn ở quê nhưng lại đem tới mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu làm tốt có thể được người thuê trả thêm tháng lương thứ 13. Nhiều người thay vì phải đi làm những công việc tay chân vất vả đã chọn gắn bó hàng chục năm trời với việc chăn trâu thuê giữa lòng thành phố nuôi con ăn học.