Xây dựng chính quyền số, chính phủ số: Kiến tạo để phát triển
Kỳ 3: Những “chiến dịch thần tốc” trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
(PNTĐ) -Để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06). Theo đó, những “chiến dịch thần tốc” đã được triển khai tại nhiều địa phương, tạo sự đột phá trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
“Thần tốc” xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư
Đề án 06 được xem là một đề án quan trọng, mang tính đột phá để thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia; tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Qua một năm thực hiện, Đề án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên để theo kịp tiến độ chuyển đổi số quốc gia, đòi hỏi chúng ta phải có phải “thần tốc” hơn nữa trong việc triển khai.
Do đó, ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06, trong đó Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương xác định triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Chỉ thị cũng đặt mục tiêu, phấn đấu đến tháng 6/2023 phải cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho cá nhân
Theo đó, năm 2023 được xem là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt bằng 3 chỉ thị, 1 công điện, 7 nghị quyết trong thực hiện chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06. Từ các văn bản chỉ đạo ấy, những “chiến dịch thần tốc” trong triển khai Đề án 06 đã được các cấp, các ngành và địa phương vào cuộc mạnh mẽ.
Kết quả, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì vào ngày 12/7/2023, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Về cơ bản hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Có gần 8 triệu tài khoản và 20,7 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai 35/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4; ngành công an đã đưa 227 dịch vụ công lên môi trường điện tử…
Đặc biệt thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí tại Hà Nội và Hà Nam.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”…chuyển đổi số
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện Đề án 06. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an Thành phố phải hoàn thành công tác cấp CCCD xong trước ngày 30/6/2023 và phát huy tối đa giá trị sử dụng của thẻ CCCD gắn chíp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ngày 5/5/2023, Giám đốc Công an Thành phố đã ban hành Mệnh lệnh số 01 để tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn Thành phố. Mệnh lệnh số 01 ra đời với quyết tâm "phải hoàn thành và làm bằng được", nhiều quận, huyện đã thực hiện chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để kích hoạt định danh điện tử cho công dân.
Điển hình như quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), là 1 trong 4 quận đi đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Mệnh lệnh số 01 của Giám đốc CATP. Tính đến ngày 30/6/2023 Công an quận đã thu nhận hồ sơ CCCD gắn chíp đạt 3901/3333 thẻ CCCD hoàn thành vượt chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp và được Công an Thành phố ghi nhận là đơn vị về đích thứ 2 toàn Thành phố.
Thông tin tại chương trình gặp mặt biểu dương cán bộ chiến sĩ trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tổng kết Mệnh lệnh 01 của Giám đốc Công an Thành phố ngày 11/4/2023, Đại tá Trần Văn Hóa - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, với ý chí hành động phải thực hiện bằng được các chỉ tiêu của Mệnh lệnh 01, Công an quận đã tập trung nghiên cứu đưa ra các phương pháp thực hiện khoa học, hiệu quả theo lộ trình phù hợp với thực tiễn tại địa bàn. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính: Triển khai đăng ký song song với kích hoạt, nhất quán phương châm "Chỉ tiêu rõ ràng - phương pháp khoa học - triển khai linh hoạt", phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm gắn với đánh giá kết quả, phân loại hàng tháng đối với chỉ huy cấp đội và cán bộ sau 15 ngày triển khai thực hiện Mệnh lệnh Công an quận đã về đích hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD.
Trong thời gian thực hiện Mệnh lệnh 01, Công an Quận đã tham mưu với Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Đề án 06, duy trì hiệu quả BCĐ thực hiện Đề án 06 từ cấp quận tới cấp phường, từ phường đến các Tổ dân phố, nâng cao hiệu quả các tổ công tác BCĐ Đề án 06, huy động sức mạnh của các đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện Đề án này. Tập trung tuyên truyền về CCCD, định danh điện tử, tăng cường tương tác, kết nối, trao đổi, chia sẻ các thông tin liên quan tới các dịch vụ công trực tuyến thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp gắn với cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đồng thời cùng các lực lượng Ban Chỉ đạo Đề án 06 các phường, tổ dân phố triển khai lực lượng đến từng nhà dân để thực hiện hướng dẫn công dân với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Việc cấp CCCD được thực hiện triệt để, kể cả những nhân khẩu đặc biệt như: Mắc bệnh hiểm nghèo, già yếu, khuyết tật…
Tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất hành động
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra một số nguyên nhân và bài học kinh nghiệm về những kết quả ban đầu chúng ta đã đạt được. Đầu tiên là vai trò của người đứng đầu, nếu người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở phía dưới có sự chuyển động mạnh mẽ; phát triển hạ tầng phải đồng bộ, toàn diện, liên thông, nhanh chóng hiện đại hóa hạ tầng số; tạo động lực, cảm hứng để người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng cho rằng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên trực tiếp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sản phẩm chuyển đổi số của chính bộ, ngành, địa phương mình; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06.
Từ thực tiễn Hà Nội là một trong các tỉnh/Thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với CSDL quốc gia về Dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC cho thấy, sự thống nhất hành động từ lãnh đạo Thành phố đã nhanh chóng tạo được sự chuyển biến trong thực hiện của các cấp. Ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của Thành phố. Đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của Thành phố.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, Nghị quyết số 18/NQ-TU nêu rõ quan điểm chỉ đạo cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành thành phố thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số Thành phố bước đầu đạt một số kết quả. Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.
(Còn tiếp)