Mua bán người: Tội ác cần nghiêm trị

Kỳ 3: Tội phạm mua bán người biến hóa khôn lường

Bài và ảnh: Hoàng Lan - Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bất chấp những hậu quả kinh hoàng mà các nạn nhân phải chịu đựng, tình hình tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên khắp 63 tỉnh, thành. Đối tượng của mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn cả nam giới và trẻ sơ sinh.

Kỳ 3: Tội phạm mua bán người biến hóa khôn lường - ảnh 1
Nạn nhân Y Liên được giải cứu thành công, đưa về cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. 

Hoạt động mua bán người diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Bộ Công an, trong quý I năm 2023, toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, mua bán người: 31 vụ/70 đối tượng; mua bán người dưới 16 tuổi: 25 vụ/80 đối tượng; mua bán người trong nội địa: 28 vụ/99 đối tượng/51 nạn nhân (xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Tuyên Quang); mua bán người ra nước ngoài: 28 vụ/51 đối tượng/67 nạn nhân. 

Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự xác lập mới 2 chuyên án đấu tranh với đường dây tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người xảy ra tại Tuyên Quang và các địa phương có liên quan; chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi; đã điều tra, khám phá chuyên án triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) do đối tượng Đường Khắc Nghĩa (SN 1987), trú tại Thái Bình và đồng bọn thực hiện tại địa bàn TP Hà Nội và các địa phương phía Bắc. 

Công an các địa phương cũng đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người và các hành vi phạm tội khác có liên quan đến mua bán người. Điển hình: Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện điều tra 7 vụ, 19 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân; Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, điều tra 6 vụ, 29 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân; Công an tỉnh Hà Giang phát hiện, điều tra 4 vụ, 5 đối tượng, lừa bán 4 nạn nhân; Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, điều tra 4 vụ, 13 đối tượng, lừa bán 20 nạn nhân; Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá 1 đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt, khởi tố 6 đối tượng…

Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, cấu kết chặt chẽ. Các vụ mua bán người xảy ra trên toàn quốc, với 90% là ra nước ngoài, chỉ 10% vụ việc lừa bán trong nước. “Tội phạm mua bán người ít khi bị phát hiện và bắt quả tang. Nạn nhân khi nào trốn được về Việt Nam hoặc được giải cứu mới tố giác tội phạm. Các tài liệu chứng cứ để truy tố tội phạm thường gặp khó khăn vì nạn nhân bị bán đi nhiều năm, việc cung cấp thông tin không đầy đủ. Đặc biệt, hiện nay, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin nạn nhân, đa số nạn nhân không nhận diện được đối tượng mua bán, không cung cấp được chứng cứ vật chất cho cơ quan điều tra, nên hành trình phá án gặp rất nhiều trở ngại.

Thành phố Hà Nội, đầu mối giao thông lớn của khu vực miền Bắc nên đây cũng là địa bàn trung chuyển của các nhóm tội phạm mua bán người xuyên quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an Thành phố đã khởi tố 3 vụ, 6 bị can về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. 

Kết quả từ các nguồn báo cáo cho thấy nạn nhân bị mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Theo Báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn từ 2018-2022 trong 1.240 nạn nhân bị mua bán thì có đến 744 nạn nhân là nữ và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, các đối tượng thực hiện buôn bán người còn tập trung vào nạn nhân là những người dân tộc thiểu số, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những vùng người dân có hoàn cảnh sống khó khăn. 

Nhiều thủ đoạn tinh vi, quyết liệt phạm tội
Theo đồng chí Nguyễn Phương Thảo, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội-Công an huyện Ứng Hòa, hiện nay, các đối tượng mua bán người thường sử dụng 6 phương thức sau để lừa nạn nhân. 

Một là, các đối tượng lợi dụng khó khǎn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa bán phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội: Zalo, facebook, viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. 

Hai là, các đối tuợng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke, quán cắt tóc, massage để cưỡng bức lao động hoặc tô chức hoạt động mại dâm..

Ba là, lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Thông qua mạng xã hội, các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả, dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài nhằm dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên.

Sau khi ra nước ngoài, nạn nhân bị thu giữ giấy tờ tùy thân, bị ép buộc làm việc trong các casino, công ty đánh bạc hoặc lừa đảo trực tuyến. Nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Một số trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc bị các đối tượng bắt lại đánh đập, ngược đãi hoặc bán sang cơ sở khác... dẫn đến việc một số lao động phải trốn chạy và nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Bốn là, các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính.

Nǎm là, các đối tượng lập hội, nhóm kín "Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con; hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi; hay tiếp cận với nhân viên y tá, điều dưỡng bệnh viện để lấy thông tin, chủ động tìm những phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi con, sau đó đặt vấn đề xin hoặc mua lại những đứa trẻ mới sinh rồi tìm người bán lại nhằm thu lợi bất chính.

Sáu là, các đối tượng dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán người lao động cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển để cưỡng bức lao động.

Đặc biệt, trong bối cảnh internet phát triển, tội phạm mua bán người đã tích cực lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội. Trung tá Vũ Đức Phú, Chính trị viên, Đồn biên phòng Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: Mới đây, trên địa bàn xã vừa có một nạn nhân của tội phạm mua bán người hồi hương. Theo đó, vào tháng 4/2022, nạn nhân là chị Y Liên, 16 tuổi, trú tại thôn Kei Joi, xã Đăk Xú đi làm công nhân cho công ty giày da ở tỉnh Bình Dương. Thông qua tài khoản mạng xã hội facebook Lê Ngọc Nhất, đối tượng Lê Ngọc Nhất đã  tìm cách tiếp cận, làm quen với Y Liên. Sau khi đạt được sự tin cậy, đối tượng đã dụ Liên sang Campuchia làm việc cho một công ty Trung Quốc và hứa hẹn nếu không làm được sẽ chi trả tiền để Y Liên bắt xe về Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế, Y Liên đã trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động. Tại Campuchia, Y Liên đã bị bán cho công ty đầu tiên với giá 1.800 USD. Sự dã man của đối tượng buôn bán người thể hiện ở việc, sau khi Y Liên không đáp ứng được công việc, đã tiếp tục bán nạn nhân cho nhiều công ty khác để kiếm lời. Tới khi muốn xin nghỉ việc để về Việt Nam, Y Liên đã bị buộc phải nộp 3.500 USD hoặc phải dụ dỗ được từ 3-5 người sang làm việc thì mới được về nước. Trong khi đó, đối tượng Nhất chặn hết mọi phương tiện, không liên lạc với Y Liên. 

Cuối cùng nhờ quyết tâm đấu tranh, bền bỉ đeo bám dấu vết tội phạm, các chiến sỹ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Y Liên đã được giải cứu tại công ty thứ 5 tại tỉnh Sihanouk, Campuchia, cách Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 470km sau 4 tháng bị lừa bán.

Theo Trung tá Vũ Đức Phú, Y Liên là trường hợp rất may mắn khi được giải cứu. Bởi, tội phạm mua bán người thường sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi, xảo quyệt, tìm cách che giấu dấu vết, ngăn cản nạn nhân thông tin về nhà khiến công tác đấu tranh, truy vết tội phạm, giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn. 

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.