Sửa Luật Đất đai 2013:Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực

Kỳ 3: “Vá lỗ hổng” trong định giá đất, hài hòa lợi ích và công bằng

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước; việc hàng trăm dự án chậm tiến độ cũng có nguyên nhân liên quan đến định giá đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Do đó, định giá đất là vấn đề khó khăn nhất để đảm bảo hài hòa lợi ích và công bằng xã hội.

Kỳ 3: “Vá lỗ hổng” trong định giá đất, hài hòa lợi ích và công bằng  - ảnh 1
Dự án treo hàng chục năm nay tại quận Nam Từ Liêm

“Lỗ hổng” lớn trong định giá đất 
Hàng loạt vụ sai phạm của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý thời gian qua đa phần đều liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, mà nguyên nhân tận cùng là siêu lợi ích từ việc giá đất chênh lệch lớn. “Lỗ hổng” lớn được nhìn rõ chính là trong công tác định giá đất.

Nhìn từ đại án gây rúng động dư luận về một Vũ “nhôm” - Phan Văn Anh Vũ cùng 14 cựu cán bộ, lãnh đạo TP Đà Nẵng qua các thời kỳ bị xử lý vì tội danh “Vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Với sự trợ giúp của 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, Vũ “nhôm” đã thâu tóm hàng loạt dự án, nhà đất công sản với giá rẻ, trục lợi bất chính hơn 22.000 tỷ đồng. 

Có thể thấy, vào thời điểm các đối tượng vi phạm pháp luật về đất đai (theo Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 188/2004 về phương pháp xác định giá và khung giá các loại đất), các quy định còn nhiều bất cập hay còn nhiều khoảng trống. Chính sự lỏng lẻo trong quy định về quy trình xác lập giá đất khiến các đối tượng lợi dụng “dìm” giá đất phục vụ cho động cơ “đục khoét” trục lợi từ công sản.

Ngày 22/9, nêu ý kiến góp ý về dự án Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tuyệt đối tránh những vướng mắc có tính chất vi phạm hiện nay lại đưa vào dự án luật để hợp thức hóa” và “Cần đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”.
Đối với giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề khó nhất nên cần có quy định để vận hành được trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của HĐND, UBND, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
 

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, có tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai mà nguyên nhân là do chế tài trong Luật Đất đai năm 2013 còn quy định rất chung chung. Một số lỗ hổng trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã bị các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã chỉ ra: “Lỗ hổng lớn về tài chính đất đai có thể làm mất hàng trăm tỷ, nghìn tỷ chỉ bằng một quyết định hành chính” khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2022. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, có 3 vấn đề về tài chính đất đai cần quan tâm. Thứ nhất là chênh lệch địa tô. Việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo nguồn lực để phát triển. Ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ. Do vậy, cần có cơ chế bịt “lỗ hổng” này.

Vấn đề thứ hai là giá đất. Hiện, có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số “lỗ hổng”. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, sắp tới phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác, nhất quán. Thứ ba, phải xác định giá đất trước thời điểm xác định giao đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất. Đồng thời, giao đất theo đấu giá sẽ phù hợp xây dựng các công trình đô thị hoặc nhà ở; còn với đất sản xuất, nếu để giá thấp thì sẽ dễ cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) việc chấp thuận để giá đất đền bù, giá đất trong chuyển nhượng theo giá thị trường có hai mục đích nhằm giảm thiệt hại do chênh lệch địa tô, khiến Nhà nước thất thoát tài sản, thu hồi cho Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận cuộc chơi là đền bù giá đất của người dân cao hơn.

Thu hồi đất luôn tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm
Trong chính sách đất đai, thu hồi đất là việc Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính nhằm thu hồi quyền sử dụng đất của chủ thể này để giao cho một chủ thể khác. Công việc này luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bất bình đẳng xã hội, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có tới 70-80% các vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai, trong đó đa số là do thu hồi đất. Tại 3 khâu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà chậm tiến độ thì dẫn đến dự án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, hằng năm, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách khoảng 20.000-28.000 tỷ đồng, chiếm 15-18% tổng nguồn thu ngân sách TP. Giai đoạn 2016-2020, TP đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án với diện tích hơn 16.000 ha; số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là hơn 121.000 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Đại học Luật Hà Nội băn khoăn khi quy định của dự thảo luật đang tạo cho Nhà nước quyền quá lớn trong việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất phục vụ cho xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị mới. Bà Nguyễn Thị Nga nêu: “Tôi đang sử dụng đất và bị thu hồi một phần, khi bị thu hồi thì được bồi thường bằng giá Nhà nước ấn định, nhưng tôi muốn mua nhà cho con tôi thì bằng giá thương mại, hai giá đó chênh lệch nhau”. Vì vậy, bà Nga không đồng ý bằng phương thức Nhà nước có quyền thu hồi đất bằng quyết định hành chính trong khi Nghị quyết 18 thì tăng cường cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi thông qua cơ chế nhận chuyển nhượng hoặc cho thuê lại để thực hiện dự án.

Sự chênh lệch về giá đất thu hồi để làm khu đô thị ở các tỉnh, thành phố lớn là dễ so sánh hơn cả. Trong khi người dân bị thu hồi đất nông nghiệp với giá đền bù, hỗ trợ chỉ trên dưới 1 triệu đồng/m2 thì sau đó, những tòa nhà cao tầng mọc lên với giá bán đến cả vài chục triệu đồng một m2 căn hộ chung cư, vài chục đến vài trăm triệu đồng một m2 nhà liền kề, biệt thự. Ví như, gia đình bị thu hồi 1.000m2 đất (gần 3 sào), cầm số tiền đền bù, hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng muốn mua nhà trên chính mảnh đất của mình thì không mua nổi một căn chung cư giá rẻ 50m2, chung cư cao cấp thì càng xa vời, còn liền kề biệt thự thì chỉ có thể trong mơ. Chênh lệch lợi ích đó có lẽ là bài toán dễ nhìn ra.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Hiện nay, ta quá phung phí giá trị đất đai tăng thêm, nói cách khác là không chui được vào ngân sách Nhà nước, các giá trị đất đai đều nằm ở các khu vực có khi tại nhà đầu tư dự án hay túi người dân đang sử dụng đất tại đấy”.

Nhìn từ Nghị quyết số 18-NQ/TƯ thì “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” sẽ là những mục tiêu trọng tâm trong sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023, đặc biệt là trong chính sách thu hồi đất để thực hiện dự án.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, giá đất sẽ tăng hơn so với thời kỳ áp dụng khung giá đất, nhưng không ảnh hưởng lớn tới giá đất liên quan với nhà đầu tư hiện nay. Việc xác định bảng giá đất đúng theo giá thị trường mang lại nhiều lợi ích. Người dân có lợi hơn trong việc xác định đền bù giải phóng mặt bằng, Nhà nước cũng có lợi khi thu các nghĩa vụ tài chính từ người dân đóng góp khi sử dụng đất.

"Như vậy là sẽ điều tiết được giá trị địa tô tăng lên cái gì là do của Nhà nước, cái gì là do doanh nghiệp. Đương nhiên, khi điều tiết thì sẽ phân bổ được lợi ích cho người sử dụng đất và điều tiết lại cho xã hội, cho những người dân khác vì Nhà nước là đại diện cho chủ sở hữu toàn dân. Phải đảm bảo hài hòa lợi ích một người với mọi người và mọi người với một người"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. 

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.