Sửa Luật Đất đai năm 2013: Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực

Kỳ 4: Chặn “lỗ hổng” tiêu cực bằng hành lang pháp lý

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Luật Đất đai năm 2013 sau gần 10 năm thực thi dù đã khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai năm 2003, song theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - đơn vị được giao soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, luật hiện hành và các văn bản dưới luật đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong khi đó, việc thực hiện quy định của Luật Đất đai hiện hành cũng cho thấy mâu thuẫn và chồng chéo với các văn bản pháp luật khác như: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự...

Kỳ 4: Chặn “lỗ hổng” tiêu cực bằng hành lang pháp lý - ảnh 1
Ngày 22/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi Ảnh: KT

Giải quyết triệt để mâu thuẫn, bất cập, chồng chéo
Đất đai là tài nguyên quý giá và có vai trò vô cùng quan trọng với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng nên vấn đề quản lý, sử dụng đất đai luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm về quản lý, sử dụng đất đai.

Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai. Kể từ lần đầu tiên Luật Đất đai được ban hành, ngày 29/12/1987, đến nay đã qua những lần thay thế vào các năm 1993, 2003, 2013 và sửa đổi Luật vào các năm 1998, 2001, 2009. Bên cạnh đó, còn có các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai khá đồ sộ. 

TS Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý Đất đai, Bộ TN-MT thông tin, để bảo đảm tính thống nhất của Luật Đất đai với các luật, bộ luật có liên quan, Bộ TN-MT đã rà soát thống kê có tới 112 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai nên rất khó cho công tác tổ chức thực thi trong thực tiễn. Cùng một mảnh đất mà chồng chéo rất nhiều luật nên rất khó thực hiện. Có tình trạng địa phương áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… và ngược lại. Cho nên khi sửa Luật Đất đai phải rà soát để cố gắng giải quyết triệt để bài toán này thì khi luật mới được ban hành, việc tổ chức thực hiện mới suôn sẻ.

Khẳng định, Luật Đất đai là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, nhiều luật và thực tế đang gặp nhiều vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Nội dung Luật Đất đai phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý đất đai, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực; chống cơ chế "xin-cho"; song phải có công cụ để tăng cường giám sát kiểm tra, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để uốn nắn”.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng tiến hành rà soát và phát hiện có ít nhất 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có nhiều điểm liên quan đến Luật Đất đai.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo thủ tục hành chính gây ra những rủi ro pháp lý cho các cơ quan thực thi, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến 53,8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh”. 

Ông Phạm Tấn Công cũng chỉ rõ, khối lượng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai rất lớn, mức độ thay đổi của các văn bản rất nhanh. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 25 nghị định, trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định bổ sung và nghị định mới. Các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch… Chính vì tính phức tạp của nó nên quá trình thực hiện rất khó khăn.

Vấn đề bất cập nữa là chưa quản lý chặt chẽ đất đai cả về lập bản đồ sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực tiễn đã chỉ ra công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn bị chồng chéo và mâu thuẫn với các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng, làm giảm đi tính thống nhất của quy hoạch nói chung và tính hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng.

Chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022.

Căn cứ kết quả tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Bộ TN-MT đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai và căn cứ quan trọng định hướng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 nhằm khai thác tối ưu nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH, hướng tới phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường đất đai trở thành kênh phân bổ và khai thác đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả.

Sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần huy động sức mạnh cả nước, trí tuệ toàn dân, thực hiện kỹ lưỡng, bài bản, khoa học mới có thể bảo đảm xây dựng luật thiết thực, hiện quả. Sửa Luật Đất đai phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và để Nhà nước, tư nhân đều không thể làm sai và không còn sợ sai.

TS Mai Văn Phấn cho rằng, yêu cầu đặt ra là Luật Đất đai (sửa đổi) phải thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; đồng thời hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực của đất nước.

TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: "Trong quản lý đất đai, muốn bớt xin cho thì phải dựa vào bộ máy Nhà nước. Nếu năng lực bộ máy tốt, hiệu quả thì sẽ hạn chế được xin cho và ngược lại".
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý KT-XH để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”. 

Để nhận diện lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho rằng cần tinh tường xem xét dưới khía cạnh mục đích chung hay lợi ích riêng. Ba khía cạnh cần xem xét là: Mục đích chính sách đó nhắm vào đối tượng nào? Nội dung, quy định của các văn bản pháp luật quy định như thế nào, thuận lợi cho đối tượng nào? Khi triển khai sử dụng công cụ pháp lý ấy thì mang đến kết quả cho ai, từ đó nhận ra lợi ích nhóm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật?

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, dự án sửa đổi Luật Đất đai có mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại. Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. 

Kế thừa các nghiên cứu từ các luật khác, tại Điều 4 trong Dự án Luật này quy định đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần điều chỉnh, xử lý các mối quan hệ trong hệ thống pháp luật. Các quy định này cũng hướng đến làm rõ, điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật Đất đai 2023 với các Luật khác, nên sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề chồng chéo trước đây, mà còn hướng đến giảm thiểu các mâu thuẫn, chồng chéo của Luật sắp ban hành.

(Còn nữa)

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.